Thực tế thời gian qua, cơ quan quản lý tài sản công chưa nắm được chủng loại, số lượng, chất lượng, giá trị tài sản Nhà nước mà trước hết là nhà, đất, xe ô tô các loại và các tài sản khác có giá trị lớn trong phạm vi từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, ,bộ, ngành, địa phương và trong phạm vi cả nước.
“Vấn đề này đã ảnh hưởng đến việc cung cấp dữ liệu cho công tác dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển tài sản Nhà nước cũng như công tác quản lý, điều hành của Nhà nước. Việc thực hiện chế độ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương không kịp thời, đầy đủ, chính xác do chưa có công cụ hỗ trợ”, ông Thịnh chia sẻ với phóng viên Tài chính điện tử.
Để khắc phục bất cập nêu trên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đã quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, đây là nhiệm vụ rất nặng nề, cần có hệ thống cơ sở hạ tầng quản lý hiện đại, nguồn nhân lực và kinh phí tổ chức thực hiện.
Thời gian qua, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế, Bộ Tài chính đã xây dựng, áp dụng Chương trình phần mềm đăng ký tài sản Nhà nước phiên bản 1.0 để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tổ chức ở Trung ương và Sở Tài chính các tỉnh thực hiện nhập số liệu thông tin của 3 loại tài sản quan trọng (gồm trụ sở làm việc; ô tô và phương tiện vận tải; Các tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên).
Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương rà soát số liệu, lập và gửi Tờ khai đăng ký tài sản Nhà nước về Bộ Tài chính, đồng thời rà soát danh mục các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ nhập liệu cho Chương trình.
Dự kiến đến hết năm 2009, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp đầy đủ tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trên toàn quốc, để Chính phủ trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Theo Taichinhdientu.vn