Cần phải thừa nhận rằng trong những năm gần đây, lĩnh vực quan hệ công cộng (PR) đã có sự thay đổi đáng kể. Và một trong những tác nhân góp phần cho sự thay đổi nhanh chóng đó chính là mạng xã hội.
Xu hướng chuyển đổi
Đa số những người làm trong lĩnh vực PR ngày nay đều thấy được lợi ích của Internet. Bạn không biết danh tính một phóng viên, nhà báo nào ư? Cứ lên mạng xã hội là có thể tìm ra. Hầu hết các nhà báo hiện nay đều sử dụng Internet, và phần lớn các tờ báo nổi tiếng đều có phiên bản điện tử. Mạng xã hội cũng được coi là một kênh riêng của báo chí. Trên đó, các nhà báo có thể bày tỏ những quan điểm, bài viết mà họ muốn chia sẻ với mọi người.
Tuy nhiên, với mạng xã hội hiện nay, bạn không thể áp dụng những phương pháp PR truyền thống như nhiều năm trước đây. Thay vào đó, bạn cần tìm kiếm những cách thức mới để tiếp cận “đối tác” tốt hơn. Thế giới ngày nay như càng nhỏ lại.
Những công cụ mạng xã hội kiểu như Twitter, Facebook, LinkedIn, Kirtsy, Digg… ngày càng được tích hợp nhiều tiện ích hơn. Sự khác biệt giữa một nhà báo, blogger, hay đơn thuần là một người như bạn đang tìm cách quảng bá thông tin ra bên ngoài không khác nhau là mấy. Tất cả đều dựa vào những nền tảng và công cụ có sẵn để phục vụ cho công việc của mình. Nếu khác thì có chăng chỉ là nội dung như thế nào mà thôi.
Không phải dễ dàng
Việc liên hệ một cách đường đột với các nhà báo hoặc nguồn xuất bản tin không phải là cách hay. Thay vào đó, bạn có thể làm quen dần với họ thông qua các bình luận (comment) trên mạng xã hội. Comment càng nổi bật thì cơ hội bạn được để ý càng cao, và từ đó trở đi khoảng cách tiếp cận giữa bạn và những người đó càng được rút ngắn lại. Phải làm sao để bạn được đưa vào tầm ngắm của “những đối tác” mà bạn quan tâm.
Thiết lập mối quan hệ qua mạng xã hội là một quá trình chứ không phải là công việc ngày một ngày hai. Bạn nên có một kế hoạch tổng thể, kết hợp nhiều cách thức quảng bá và tự giới thiệu để đạt được hiệu quả cao nhất. Bạn có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau, chẳng hạn như thông cáo báo chí, các site đăng tin bài, blog và mạng xã hội để tạo thành những mũi nhọn trong kế hoạch tổng thể.
Tiếp cận bằng cách nào?
Bạn có thể sử dụng một số công cụ sau để tạo dựng cho mình những quan hệ nhằm phục vụ tốt hơn cho công việc.
+ Help a Report Out
(http://www.helpareporter.com):
Trung bình, bạn sẽ nhận được ba e-mail mỗi ngày, chủ yếu là các thông tin liên quan tới báo chí. Cũng từ đây bạn sẽ có danh sách của những “đối tác” mà bạn có thể quan tâm. Nói chung, Help a Report Out là nơi “tụ họp” của giới nhà báo vào PR.
+ PitchEngine
(http://pitchengine.com/):
Trang web này cung cấp cho bạn những công cụ Web 2.0, giúp kết nối tới profile, video, audio của trang mạng xã hội cá nhân. Nói một cách ngắn gọn, PitchEngine là công cụ kết nối giữa giới báo chí và PR.
+ ReportingOn
(http://reportingon.com/):
Mạng xã hội này được thiết kế cho cộng đồng các nhà báo thảo luận về các vấn đề mà bọ quan tâm. Hiện đang có khoảng 600 phóng viên và chuyên gia trên toàn thế giới tham gia vào mạng xã hội này.
+ Journalisted
(http://www.journalisted.com/:
Trang web này cho phép tìm kiếm những phóng viên, nhà báo mà bạn quan tâm và giữ liên lạc với họ. Hạn chế của Journalisted chính là việc hiện nó mới chỉ được sử dụng tại Anh.
+ Wikis (http://pbwiki.com/):
Dịch vụ này cho phép bạn có khoảng không để cung cấp thông tin cho báo giới. Wikis được coi như một quyển sách nhỏ mà ở đó bạn có thể đưa ra thông tin về sản phẩm/công ty, hoặc những hình thức tự giới thiệu khác.
+ WiredJournalists
(http://wiredjournalists.com/):
Đối tượng sử dụng dịch vụ này là cánh phóng viên, biên tập, sinh viên và lãnh đạo doanh nghiệp. Các thành viên của mạng này sẽ chia sẻ thông tin với nhau trên nền tảng Web 2.0.
Theo TienphongOnline