Chưa đủ hấp dẫn
Ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, chỉ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn mới có cơ sở nghiên cứu, ươm tạo và phát triển các ý tưởng khoa học công nghệ, những công trình nghiên cứu, ý tưởng kinh doanh. Trước thực tế đó, tháng 10-2006, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa TPHCM đã đầu tư xây dựng vườn ươm DNCN Phú Thọ, ươm tạo DN trong 5 lĩnh vực: cơ khí, điện - điện tử - viễn thông, công nghệ hóa học - thực phẩm, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu, nhằm hỗ trợ các DN (đặc biệt là DN vừa và nhỏ) phát triển nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, tiến tới thương mại hóa sản phẩm...
|
Sản phẩm của doanh nghiệp tại vườn ươm DNCN Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trưng bày tại chợ công nghệ TP Cần Thơ. Ảnh: K.GIANG
|
Tiếp đó, tháng 5-2007, Sở KH-CN TPHCM và Trường ĐH Nông Lâm phối hợp thực hiện đề án thử nghiệm “Vườn ươm DNCN”, tập trung vào các nghiên cứu, sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp. Trong 2 năm qua, vườn ươm này đã hỗ trợ về vốn, tư vấn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho các DN trong giai đoạn đầu thành lập, góp phần tiết kiệm chi phí cho xã hội, định hướng sản xuất, tạo môi trường cho các DN tiếp cận nguồn tài chính, tận dụng mặt bằng, thiết bị và có thể hỗ trợ qua lại với nhau... Tuy nhiên, việc thu hút các ý tưởng kinh doanh, kết quả nghiên cứu khoa học vào vườn ươm chưa nhiều do không đem lại kết quả như mong muốn, sản phẩm không có giá trị thương mại cao.
Hai vườn ươm tiêu biểu tại TPHCM, vườn ươm DNCN ĐH Nông Lâm, ĐH Bách khoa, vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục thử nghiệm hoạt động áp dụng mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, cập nhật và hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, qua đó xác định lộ trình triển khai kế hoạch kinh doanh: 18 tháng đối với giai đoạn chuẩn bị ươm tạo (hỗ trợ tư vấn), 1 – 2 năm cho giai đoạn ươm tạo chính thức (hỗ trợ toàn bộ), 6 tháng – 1 năm cho giai đoạn tốt nghiệp rời khỏi vườn ươm (hỗ trợ một phần). Thế nhưng đến nay, cả 2 vườn ươm vẫn đang sửa chữa, nâng cấp và xây mới tòa nhà phục vụ cho các DN đang ươm tạo, các dự án trên đều chậm tiến độ từ 3-6 tháng so với kế hoạch, nhiều nhà khoa học có kết quả nghiên cứu chưa mặn mà tham gia, dù có rất nhiều ưu đãi để phát triển.
Hiện vườn ươm DNCN của ĐH Nông Lâm có 5 DN (trong các lĩnh vực sản xuất phân bón vi sinh, rau sạch, chế biến rau quả, cơ khí nông nghiệp, phân bón-chế phẩm sinh học cho nông nghiệp) được tuyển chọn để ươm tạo. Còn vườn ươm của ĐH Bách khoa TPHCM vẫn trong quá trình tổ chức sơ tuyển, lựa chọn 10 ứng cử viên để xét tuyển 5 DN vào ươm tạo theo kế hoạch năm 2009.
Mô hình chưa hoàn thiện
Theo ông Bùi Văn Miên, Giám đốc vườn ươm DNCN ĐH Nông Lâm TPHCM, dù có rất nhiều ưu đãi như hỗ trợ về thủ tục pháp lý và thuế, cơ sở vật chất, nhưng đến nay nhiều nhà khoa học vẫn chưa “mặn” với vườn ươm.
Thực tế, không ít nhà khoa học có sản phẩm tốt lại thường chọn giải pháp chuyển giao, bán bản quyền chứ không đưa vào vườn ươm để thương mại hóa. Thêm nữa, các vườn ươm không thể cạnh tranh với các viện, trung tâm nghiên cứu có chức năng chuyển giao công nghệ đã được thành lập từ lâu như Viện Cơ học và Tin học ứng dụng, Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM... thường thực hiện các dự án từ ngân sách và do DN đặt hàng.
Còn theo TS Mai Thanh Phong, Giám đốc vườn ươm DNCN ĐH Bách khoa TPHCM, nhiều nhà khoa học tham gia vườn ươm lại ngại việc phải khai báo chi tiết về công nghệ và có thể bị lộ bí mật. Điều này chứng tỏ các vườn ươm chưa thực sự tạo được lòng tin cho các nhà khoa học, những quy định ràng buộc giữa DN, trường học cũng chưa thực sự kín, chặt chẽ để cho nhà khoa học hoàn toàn tin tưởng, gửi gắm những “đứa con tinh” thần vào phát triển tại các vườn ươm.
Tổng kết chương trình phát triển Vườn ươm DNCN trong trường đại học 6 tháng đầu năm 2009, Sở KH-CN TPHCM đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tập trung vào những khó khăn như: mức lương quy định quá thấp nên nhân sự không ổn định, kiêm nhiệm nhiều việc; DN chuẩn bị kế hoạch kinh doanh chưa hoàn chỉnh khiến thời gian chuẩn bị ươm tạo bị kéo dài...
Một mô hình tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng mang nhiều kỳ vọng là nơi chắp cánh cho các ý tưởng sáng tạo, các phương án kinh doanh thoát ra và bay cao, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy KHCN đất nước phát triển vẫn chỉ là “đứa trẻ còi cọc”, nếu vẫn không nhận được sự đầu tư, quan tâm, tin tưởng, giúp đỡ như hiện tại.
Theo SGGP