Thứ tư, 31/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 05/11/2009
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp gặp gỡ lãnh đạo các Hội, hiệp hội CNTT-TT tiếp thu các ý kiến góp ý cho đề án “Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành Quốc gia mạnh về CNTT”

(VAIP, 31/10/2009), chiều thứ sáu 30/10/2009 Bộ tưởng Bộ thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã gặp gỡ lãnh đạo các Hội, hiệp hội CNTT-TT tiếp thu các ý kiến góp ý cho đề án “Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành Quốc gia mạnh về CNTT”

Tham dự “hội nghị” còn có Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng, GS.TS Lê Xuân Lan Viện trưởng Viện CNTT-TT cơ quan chủ trì Ban soạn thảo đề án, lãnh đạo các Vụ, Viện thuộc Bộ TTTT. Về phía các Hội, Hiệp hội: TS Đỗ Xuân Thọ Chủ tịch VAIP, TS. Trương Gia Bình Chủ tịch VINASA, Ông Chu Tiến Dũng Chủ tịch HCA và đông đảo các lãnh đạo các Hội và Hiệp hội. 

Tháng 9/2009 Bộ  Thông tin và Truyền thông đã công bố trên mạng dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án tăng tốc sớm đưa VN trở thành quốc gia mạnh về CNTT lấy ý kiến của người dân, thời gian lấy ý kiến cho dự thảo đề án này sẽ kéo dài trong gần một tháng, từ ngày 4/9/2009 đến 30/9/2009. Trên cơ sở của dự thảo quyết định, đề án tóm tắt và các tài liệu có liên quan, Hội Tin học Việt Nam đã xin ý kiến góp ý từ các chuyên gia CNTT, các Cơ sở Đào tạo – Nghiên cứu về CNTT, các Doanh nghiệp, các Hội tin học thành viên, các Chi hội TW và các đơn vị Hội viên tập thể tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Quyết định phê duyệt đề án nêu trên.

Ngày 12/10/2009 Hội Tin học Việt Nam (VAIP) và Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam VINSA đã đồng kiến nghị gửi Bộ  trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị Bộ trưởng gặp làm việc với lãnh đạo của 3 Hội và Hiệp hội lĩnh vực CNTT&TT ở Việt Nam là: VAIP, VINASA và Hội Tin học Tp. Hồ Chí Minh (HCA) nghe báo cáo một số góp ý cơ bản về dự thảo Đề án. Trên cơ sở nhất trí về chủ trương của Bộ trưởng các Hội, Hiệp hội sau đó cùng phối hợp tổ chức Hội thảo để góp ý chi tiết vào dự thảo Đề án. Ngày 26/10, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin & Truyền thông đã có văn bản mời lãnh đạo các Hội, hiệp hội về CNTT dự họp góp ý hoàn thiện dự thảo đề án tăng tốc sớm đưa VN trở thành quốc gia mạnh về CNTT vào ngày 30/10/2009.

Sau khi dự thảo quyết định của Thủ tướng về đề  án được công bố đã có rất nhiều ý  kiến và quan điểm đánh giá khác nhau từ  giới CNTT-TT về tất cả các nội dung trong dự  thảo quyết định và đề nghị công khai nội dung chi tiết đề án làm sở cứ cho việc đề xuất dự thảo quyết định trình Thủ tướng ký ban hành. Hội Tin học Việt Nam đã gửi thông báo rộng rãi và đề nghị các hội viên, cơ quan, doanh nghiệp gửi ý kiến đóng góp.

Sau đây là tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia CNTT và hội viên Hội Tin học Việt Nam về Đề án “Tăng tốc sớm đưa VN trở thành quốc gia mạnh về CNTT”.

Các ý kiến  đóng góp cho đề án được tập hợp thành 10 nhóm vấn đề sau đây:

1. Về cách lấy ý kiến đóng góp cho đề án: Cần công bố bản thảo đầy đủ của đề án để mọi người có thể tham khảo, đóng góp ý kiến, chứ không chỉ công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng. Ngay cả các văn bản quan trọng như dự thảo luật, nghị định khi lấy ý kiến đóng góp cũng đều công bố bản dự thảo đầy đủ. Liệu dự thảo đề án này có phải là tài liệu mật nên không thể công bố công khai? Vì không có toàn văn dự thảo đề án, nên tất cả các ý kiến đóng góp của chúng tôi chủ yếu dựa trên “Bản tóm tắt của Đề án” dài 50 trang mà chúng tôi đã phải rất khó khăn mới có được.

2. Về khái niệm “Nước mạnh về CNTT”

- Cần làm rõ: Nước mạnh về CNTT là mạnh về CNp CNTT hay là mạnh về ƯD CNTT? ICT là enabler hay sector? Nếu là mạnh về công nghiệp CNTT thì sẽ có các chỉ tiêu khác so với mạnh về ứng dụng CNTT. Nếu nhìn nhận ứng dụng CNTT như là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, chất lượng cuộc sống, và có thể có đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia, thì việc trở thành nước mạnh về ứng dụng CNTT cũng không phải là không có ý nghĩa thực tế. Rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới chỉ là nước mạnh về ứng dụng CNTT, số nước được nhìn nhận là mạnh về công nghiệp CNTT không nhiều. Nếu xét về tổng thể xã hội chưa chắc mạnh về công nghiệp CNTT đã hay hơn mạnh về ứng dụng CNTT. Chúng ta cần phải có sự lựa chọn rõ ràng: mạnh về công nghiệp CNTT hay mạnh về ứng dụng CNTT hay mạnh cả hai? Nếu không làm rõ sẽ không thể có được các giải pháp đúng để đạt được mục tiêu đề ra. Đề án chưa làm rõ được việc này.

- Sau khi đã làm rõ khái niệm về “nước mạnh về CNTT” thì cần đề ra các tiêu chí (thước đo) để xác định một quốc gia là “nước mạnh về CNTT” .

- Liệu có nên dùng bảng xếp hạng của một tổ chức quốc tế làm thước đo, tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành của mục tiêu “Đưa VN thành nước mạnh về CNTT”? Các v/đ đặt ra đối với cách làm này:

- Bảng xếp hạng đó có phù hợp để “đo” một quốc gia có phải là mạnh về CNTT nếu bảng xếp hạng có các mục tiêu khác như: đánh giá xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức hay hẹp hơn là sự phát triển, mức độ sẵn sàng của quốc gia trong một lĩnh vực nào đó? Mục tiêu của IDI là đánh giá “mức độ phát triển của các quốc gia theo quan điểm xã hội thông tin” – “benchmark and assess information society”. Các tiêu chí của IDI chủ yếu phù hợp cho đánh giá mức độ sẵn sàng của một quốc gia cho việc trở thành xã hội thông tin (khả năng truy cập thông tin, trình độ dân trí v.v.), không hề có tiêu chí nào liên quan đến công nghiệp CNTT.

- Bảng xếp hạng đó có được công bố ổn định trong một thời gian đủ dài ít nhất là 11 năm để chúng ta có thể sử dụng để đo “độ mạnh về CNTT” của VN. Bản thân ITU nói riêng và các tổ chức quốc tế nói chung vẫn có “truyền thống” thay đổi liên tục các bảng xếp hạng, ví dụ: ITU đã từng có Global ICT Index (2002), Digital Access Index (DAI, 2003), Digital Opportunity Index (DOI, 2005, 2006, 2007), ICT Opportunity Index (ICT-OI, 2005, 2007), ICT Development Index (IDI, 2009),.. Nếu đến 2015 hoặc 2020, ITU không công bố IDI nữa hoặc công bố một bảng xếp hạng khác thì chúng ta lấy gì để đánh giá mức độ thành công của đề án?

- Vì vậy cần đề ra các tiêu chí cụ thể để đánh giá độ “mạnh về CNTT”của một quốc gia và dựa vào các tiêu chí đó để đề ra các mục tiêu cụ thể cho đề án không nên dựa vào các bảng xếp hạng của thế giới vốn có bản chất không ổn định về thời gian, đặc biệt không nên “với mỗi lĩnh vực cơ bản, Đề án sẽ chọn một bảng xếp hạng của tổ chức có uy tín như Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB)…”.  Mục tiêu của chúng ta là trở thành nước mạnh thực sự về CNTT hay chỉ là “cải thiện vị trí” trong các bảng xếp hạng không chính thức của các tổ chức quốc tế ?

3. Phần đánh giá thực trạng của ĐA chưa đầy đủ, ví dụ: không có các số liệu về công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số, dịch vụ CNTT v.v. Không nêu rõ được tỷ trọng hiện tại của CNTT trong GDP, tốc độ tăng trưởng của CNTT trong ít nhất là 05 năm gần đấy nhất là những số liệu cần thiết cho hoạch định chiến lược phát triển.

4. Đề án thiếu phần dự báo cho sự phát triển của CNTT thế giới cho các năm 2015, 2020 vì thế nhiều khi các mục tiêu chúng ta đặt ra cho các thời điểm đó tưởng là cao hoặc khá cao như thực tế lại là thấp hoặc ngược lại. Về măt phương pháp luận thì như thế là chưa đầy đủ để hoạch định chính sách: trước tiên cần xác định chúng ta đang ở đâu (đánh giá thực trạng), chúng ta muốn đi đến đâu (dự báo chiến lược) rồi mới đề ra cách để đi đến đó (chương trình, dự án, đề án v.v.). Đề án này thiếu hẳn nội dung thứ 2.

5. Đề án cần xác định được các mũi nhọn chiến lược để có các biện pháp đặc biệt tạo sự đột biến thì mới có hy vọng “tăng tốc” để trở thành nước mạnh về CNTT vì trong khi chúng ta đi các nước khác cũng đi, nếu chúng ta chỉ đi với “tốc độ bình thường” thì làm sao có thể từ “tốp cuối” chuyển sang “tốp giữa” hoặc “tốp đầu” được?

6. Đề án có các mục tiêu rất xa trên 10 năm nhưng các nội dung công việc lại chỉ có tầm nhìn không quá 5 năm thậm chí còn ngắn hơn. Ví dụ: “Xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và nhà nước” là công việc của 2-3 năm trước mắt. Sau khi xây xong sẽ làm gì tiếp?

7. VN muón trở thành nước mạnh về CNTT thì nhất định phải có nhiều DN CNTT mạnh, đặc biệt các DN xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ và nhân lực CNTT ra thế giới. Đề án cần có mục tiêu, biện pháp hỗ trợ để hình thành được 5-10 DN xuất khẩu SP, DV và NL CNTT với quy mô 100.000-200.00 chuyên gia CNTT, có thể mang về 2 – 4 tỷ USD mỗi năm.

8. Vấn đề kinh phí cho đề án:

- Tổng kinh phí dự kiến của Đề án là 143.998 tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD theo tỷ giá hiện hành). Với kinh phí lớn như vậy liệu có cần sự phê duyệt của QH hay không?

- Tỷ trọng không cân đối giữa trong khoản kinh phí phân bổ cho các nội dung:

- “Phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng” với dự kiến kinh phí 131.000 tỷ đồng (chiếm gần 91% tổng dự trù kinh phí) với nguồn “từ ngân sách nhà nước và ODA”. Căn cứ tỷ lệ này có thể thấy “phát triển hạ tầng viễn thông” tiếp tục được xác định là mũi nhọn chủ yếu của chúng ta trong 5-10 năm tới. Định hướng như vậy liệu có hợp lý không? Trong khi đào tạo nhân lực và công nghiệp PM, các lĩnh vực được xác định là mũi nhọn, được ưu tiên trước đây, hình như lại không được ưu tiên nữa trong bản đề án này.

- “Chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT” với tổng kinh phí dự kiến 210 tỷ đồng (chiếm 0,148% tổng kinh phí, nếu cộng cả kinh phí đào tạo chuyên gia cho an toàn thông tin thì cũng không vượt quá 0.25%)

9. Vấn đề công nghệ: có một số chỉ tiêu đề ra chưa phù hợp với định hướng của quốc gia hoặc xu hướng phát triển của công nghệ. Ví dụ:

- Đề án đưa ra chỉ tiêu “đưa ADSL phủ tất cả các vùng sâu vùng xa” trong khi ADSL là một công nghệ "tạm thời" và "tận dụng" mạng cáp đồng. Chiến lược của ngành Viễn thông là tiến tới NGN trên nền IP, có nghĩa là mạng cáp đồng (đồng đang rất đắt) sẽ thay thế bằng cáp quang. Vùng thành thị đã có quá nhiều cáp đồng nên mới phải "tận dụng" (cũng không nên khuyến khích cho lắm). Nông thôn vùng sâu vùng xa tuyệt đối không nên rải cáp đồng để dùng ADSL vừa đắt tiền và e chưa thu lại được vốn đầu tư thì NGN đã phát triển đến mức không cần ADSL nữa.

10. Cuối cùng: về hình thức văn bản liệu có nên thể hiện dưới dạng Đề án (sẽ phải có ban quản lý; có việc phân bổ và theo dõi, giám sát sử dụng vốn NSNN; sẽ có nhiều cơ hội để xảy ra tiêu cực như ĐA112 v.v.) hay chỉ nên là Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng hoặc tốt hơn nữa là một chỉ thị của Bộ chính trị (chỉ thị 58 mới)? và đương nhiên nếu thể hiện dưới các dạng văn bản này thì nội dung sẽ phải thay đổi cho phù hợp. Chúng ta nên thay đổi tư duy quản lý: không phải việc gì nhà nước cũng đứng ra làm và bỏ tiền ra làm. Cần tạo ra cơ chế tương tự như “Khoán 10” trong lĩnh vực CNTT hơn là bỏ ra hàng tỷ USD cho các đề án, dự án có độ khả thi thấp. Nhà nước chỉ bỏ tiền vào những công việc ít người hoặc không ai muốn làm như: Nghiên cứu cơ bản, viễn thông công ích v.v. Vì viết dưới dạng đề án nên chủ yếu nói về các chương trình, dự án mà không có các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, thu hút nguồn lực của xã hội cho mục tiêu đưa VN trở thành nước mạnh về CNTT. Để đạt được mục tiêu to lớn như vậy cần huy dộng nguồn lực của toàn xã hội và biện pháp hữu hiệu nhất là đề ra các cơ chế, chính sách hợp lý chứ không phải là chi được bao nhiêu tiền từ nguồn ngân sách vốn đã rất eo hẹp của đất nước. Hạ tầng viễn thông VN trong những năm qua đã có những sự phát triển vượt bậc lên hàng tiên tiến ở khu vực và khá ở thế giới là nhờ có quy hoạch đúng đắn, có các cơ chế chính sách hợp lý thu hút được sự đầu tư của các DN trong và ngoài nước, nguồn lực của toàn xã hội. Tại sao chúng ta không học tập bài học kinh nghiệm quý báu này?

Trên cơ sở  các ý kiến tiếp thu, góp ý, kiến nghị  tại buổi họp các Hội và Hiệp hội cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 30/10/2009, Hội Tin học Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến rộng rãi cho đề án như một nội dung chính trong Hội thảo Hợp tác – Phát triển ứng dụng CNTT-TT Việt Nam với chủ đề "Hợp tác, phát triển đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin” tổ chức tại Tp Bắc Ninh từ 27-28/11/2009.

Tin VAIP

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0