Săn đồ độc, mua hàng hot
Cách đây 3 năm, thương mại điện tử Việt Nam tưởng chừng có lúc bế tắc khi đồng loạt các website TMĐT từ chối các giao dịch từ IP Việt Nam, khiến ảnh hưởng không nhỏ tới thể diện quốc gia và nhu cầu mua bán trực tuyến của người dùng.
Lý do rất đơn giản vì thời điểm đó là cao trào của phishing và sau khi bóc tách, khối lượng giao dịch bằng thẻ tín dụng ăn cắp xuất phát từ Việt Nam là không nhỏ. Hầu hết các website nổi tiếng lúc bấy giờ như eBay, Amazon ngoài thông báo không chuyển hàng tới các PO box (một hình thức nhận hàng trung gian) thì cũng đều kèm khuyến cáo cho các chủ gian hàng trên site mình là không nhận chuyển hàng về Việt Nam.
Với những cố gắng của cơ quan chức năng cũng như ý thức người dùng Internet ngày được nâng cao, nạn phishing giảm thiểu, giờ đây người tiêu dùng tại Việt Nam đã có thể đặt mua hàng trên các trang thương mại điện tử của nước ngoài.
|
Mua qua mạng rẻ và nhiều hàng "độc", hiếm. |
Là website đi đầu trong hình thức mua bán qua mạng, eBay được chọn là chỗ ghé thăm nhiều nhất của cộng đồng online shopping Việt Nam. Được coi là "chợ trời ảo", đây là nơi ta có thể tìm thấy những thứ đồ ngộ nghĩnh cho tới những món hàng hiếm có khó tìm.
Săn cả ngày trời tại các cửa hàng hi-end để tìm mua 2 bóng 300B cho amply tự ráp của mình, anh Hoàng, một dân chơi âm thanh tưởng chừng vô vọng thì được bạn mách nước có một đường link trên eBay đang rao bán đúng mặt hàng anh cần.
Không chần chừ, anh nhào ngay vào mạng, dùng thẻ VISA của mình đặt mua hàng và chuyển ngay về Việt Nam. Chưa đầy 1 tuần sau anh đã nhận được hàng cũng như tính tổng chi phí còn rẻ hơn và đảm bảo hơn so với việc đặt mua từ Trung Quốc.
Cũng như vậy, Dương, sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương thường xuyên ghé thăm Amazon để chọn mua sách học. Đặc biệt, vào các dịp Noel hay ngày lễ là anh chàng "ngồi đồng" để săn các coupon mua hàng, mua 1 tặng 5 hoặc miễn phí vận chuyển. Anh hồ hởi khoe: "Đợt rồi mình vừa mua được trọn bộ 7 cuốn Harry Potter bìa dày chỉ với giá 20 USD tặng bạn gái làm nàng thích mê đi, mà đáng ra nếu mua của nhà sách Bloombury thì giá tới 23 USD/quyển".
|
eBay, Amazon vẫn là điểm đến của các tín đồ mua sắm trực tuyến. |
Nếu eBay và Amazon là 2 lãnh địa dành cho dân ngoại đạo thì mạng Newegg từ lâu đã được coi là "vùng đất thánh" cho các tín đồ CNTT. Dân OC, dân buôn, cho tới các "tay mơ" cũng đều chọn website này làm nơi khảo giá và ship đồ linh kiện máy tính.
Kiên, một thành viên VOZ luôn canh đến thời điểm cuối năm để "up đồ" cho chiếc máy tính của mình từ website này. Theo Kiên, giá sản phẩm cuối năm được giảm tới mức khó tin. Một cặp RAM "chiến" 8GB DDR2 (2x4GB) của Patriot, G.Skill hay OCZ đều chỉ còn ở mức chưa đến 50 USD trong khi tại Việt Nam giá "tròm trèm" hơn 100 USD. Theo Kiên, mức giá đó là còn chưa kể hình thức "giảm trừ" mà các hãng thường xuyên áp dụng để giữ chân khách hàng, bằng cách cắt vỏ hộp gửi trả qua bưu điện về hãng. Với kiểu khuyến mại này, người mua sẽ còn được giảm thêm khoảng 10% giá trị mặt hàng, trả bằng tiền mặt hoặc được nhận những coupon ưu đãi cho lần mua hàng kế tiếp.
Khi được hỏi về chất lượng các mặt hàng mua bán qua mạng nước ngoài, hầu hết người mua đều xác nhận rằng nếu mua tại các website uy tín, chất lượng rất tốt. Thậm chí, một số hãng còn hỗ trợ gửi bảo hành toàn cầu không tính phí vận chuyển. Điều này càng tạo nên một sự tin tưởng của người tiêu dùng vào các web TMĐT nước ngoài thay vì đặt niềm tin vào các site trực tuyến tại Việt Nam hiện đang đau đầu vì vấn đề chất lượng và uy tín.
Kinh nghiệm mua hàng
Hầu hết các website của nước ngoài đều chấp nhận thanh toán qua thẻ VISA, Master ghi nợ lẫn debit. Người dùng trước khi thanh toán điện tử sẽ đăng ký dịch vụ chứng thực qua Paypal, hoàn toàn miễn phí. Tài khoản Paypal sẽ gồm số tài khoản, mã CVV người dùng và các thông tin về chủ thẻ.
Một lời khuyên khi mua hàng qua mạng như eBay hay Newegg là bạn hãy chọn những nhà phân phối, bán lẻ có tỷ lệ bình chọn cao, hay còn được gọi là những Power-Seller. Đây là những doanh nghiệp phân phối trực tuyến, đã được cộng đồng bình chọn và ghi nhận như những đơn vị làm ăn uy tín.
Khi tham gia các phiên đấu giá, cần lưu ý đến tình trạng hàng và chú ý chọn các link bán hàng có ảnh thật, serial tra cứu bảo hành cũng như các chế độ phản hồi nếu hàng hóa gặp trục trặc ngoài ý muốn.
|
Tình trạng hàng, thông tin người bán, giá bán và xuất xứ là điểm cần lưu ý. |
Nên chọn mua luôn hàng hóa nếu thấy giá hợp lý và ưu tiên mua hàng miễn phí vận chuyển. Các dịch vụ vận chuyển uy tín như USPS của Mỹ hay dịch vụ FedEx toàn cầu là lựa chọn khá tối ưu.
Hàng điện tử và một số mặt hàng quần áo khi về Việt Nam qua hải quan sẽ bị tính thuế, do đó, trước khi đặt hàng bạn cần tham khảo trước về hình thức tính thuế cũng như xác định đúng giá trị sau thuế của món hàng mình cần mua để tránh bị hớ.
Theo kinh nghiệm của các online shopper, nên tránh các gian hàng có xuất xứ từ Hồng Kông, và Trung Quốc bởi nhiều người đã mua phải hàng không đúng thương hiệu, hàng nhái từ các nhà phân phối có nguồn gốc từ quốc gia này.
Nếu đặt mua hàng qua mạng, bạn cần phải học tính kiên nhẫn, vì nếu chuyển hàng từ Mỹ về, sẽ mất trung bình khoảng 3 tuần để tới Việt Nam. Các quốc gia khác như Anh, Pháp thì mất gần 2 tuần.
Lưu ý rằng, có một số mặt hàng sẽ giới hạn suất mua, một người không được mua qua số lượng nhất định trong chương trình khuyến mại. Chú ý các hình thức khuyến mại như "mail-in rebate" - hồi tiền qua bưu điện hay "instant rebate" giảm trừ ngay vào giá.
Các mặt hàng điện tử sau khi mua cần đăng ký ngay thông tin bảo hành trên trang chủ của các hãng. Một thành viên VOZ cho biết, anh đã từng được gửi tặng thêm ngay một chú chuột Logitech G9 ngay sau khi có phàn nàn rằng sản phẩm anh vừa mua bị lỗi con lăn. Nên chọn các nhà sản xuất hỗ trợ gửi RMA và có hình thức hoàn trả tiền nguyên giá nếu như không còn hàng để đổi.
Theo Vietnamnet