Thời gian trung bình người Việt Nam dành cho Internet đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006, trong khi thời gian dành cho các phương tiện truyền thông truyền thống như TV, radio, báo giấy giảm dần. Chính vì thế, nhà ngoại giao phải biết dùng các phương tiện truyền thông mới, như viết blog, lên Facebook, vào YouTube….
Bài học từ nước Anh
Vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về Ngoại giao Kỹ thuật số. Hội thảo đã trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm trong việc tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan, quan chức chính phủ và công chúng thông qua việc ứng dụng giao tiếp kỹ thuật số như website, blog, Flickr, YouTube… Ngoại giao kỹ thuật số là hoạt động ngoại giao thông qua việc sử dụng Internet.
Chia sẻ kinh nghiệm làm ngoại giao kỹ thuật số của Bộ ngoại giao Anh, ông Stephen Hale, chuyên gia truyền thông điện tử của Bộ Ngoại giao Anh cho biết, có 4 bước cơ bản để triển khai ngoại giao kỹ thuật số, đó là nghe (tìm các blog, diễn đàn nào đang thảo luận về đề tài ngoại giao, đánh giá thái độ của người viết, từ đó xác định quan điểm và thái độ của nhà ngoại giao); đăng tải (tức truyền đạt thông điệp dưới dạng blog, video, tranh ảnh trên Internet); giao lưu (khuyến khích công chúng đặt câu hỏi, tham gia thảo luận trực tuyến); cuối cùng là đánh giá hiệu quả.
Bộ Ngoại giao Anh là một trong những cơ quan đi đầu ứng dụng CNTT, kỹ thuật số vào công tác ngoại giao. Bộ Ngoại giao Anh cũng là cơ quan chính phủ đầu tiên của Anh khuyến khích nhân viên viết blog công khai về công việc của họ. Tháng 6/2008, Bộ đã thiết lập một trang blog dành cho mọi nhân viên có nhu cầu viết blog.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Anh có một kênh YouTube chính thức và sử dụng YouTube để lưu giữ các video do Bộ Ngoại giao Anh sản xuất. Bộ cũng có một kho lưu giữ ảnh chính thức trên Flickr. Tháng 6/2007, Bộ Ngoại giao Anh bắt đầu dùng Twitter và cho ra đời kênh Twitter chính thức của Bộ, với hơn 1.200 “theo đuôi” (following) cho đến nay. Twitter là một dạng tiểu blog cho phép đăng tải các mẩu tin dài tối đa 140 ký tự. Twitter chủ yếu do Vụ Báo chí của Bộ sử dụng để đăng tải thông tin, cho phép truyền đạt nhanh chóng các sự kiện liên quan đến Bộ Ngoại giao Anh đến công chúng.
|
Các học viên thảo luận tại lớp đào tạo về ngoại giao kỹ thuật số do Đại sứ quán Anh và Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 28/10/2009 |
Blogger ngoại giao phải có bản lĩnh chính trị
Hiện Việt Nam có trên 20 triệu người dùng Internet. Hãng IDC dự đoán năm 2012 con số đó sẽ là 28 triệu. Ngoài ra, theo một nghiên cứu được hãng Yahoo phối hợp với công ty nghiên cứu thị trường TNS Media Vietnam thực hiện từ năm 2006-2008, người Việt Nam ngày càng quan tâm đến các phương tiện truyền thông trực tuyến.
Thời gian trung bình dành cho Internet tăng gấp đôi kể từ năm 2006, trong khi đó thời gian dành cho TV, radio, các phương tiện truyền thông bằng giấy giảm dần. Chính vì thế, hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng Internet là công cụ hữu hiệu trong công tác ngoại giao.
Tuy nhiên, không ít đại biểu vẫn băn khoăn về mặt trái của Internet trong công tác ứng dụng ngoại giao kỹ thuật số, và đặt ra vấn đề liệu có tiêu chuẩn nào đối với việc viết blog của các nhân viên ngoại giao? Có chính sách nào kiểm duyệt thông tin trước khi xuất bản trên blog, trên website? Điều gì xảy ra khi các blogger ngoại giao đưa ra quan điểm trái với lợi ích đất nước? Đối phó ra sao với những trường hợp giả mạo blog nhân viên ngoại giao, hay những bình luận tiêu cực, khiếm nhã, cách quản lý nguồn thông tin kỹ thuật số như thế nào?
Ông Mark Kent - Đại sứ Anh tại Việt Nam khẳng định, Bộ Ngoại giao Anh không có chính sách kiểm duyệt thông tin nào. “Họ là nhà ngoại giao, là chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau, chúng tôi tin họ hành động vì lợi ích của Bộ ngoại giao”, ông Mark Kent nói và cho biết trong 2 năm qua chưa xảy ra trường hợp nào đưa thông tin ngược với quan điểm của Bộ. “Blog là phương tiện thông tin rất nhanh, nếu chờ đợi xem xét, kiểm duyệt, thông tin đó sẽ không còn là tin nữa, sẽ bị chậm”.
Tuy vậy, ông cho biết cũng có trường hợp phải kiểm tra lại và sửa đổi, nhưng “chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào các đại sứ, blogger của chúng tôi”, ông khẳng định.
Bà Nguyễn Phương Nga, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam , cho biết ngoại giao kỹ thuật số còn rất mới tại Việt Nam. Theo bà, người áp dụng ngoại giao kỹ thuật số phải có bản lĩnh chính trị, có kinh nghiệm ngoại giao và được sự tin cậy.
Theo Ictnews