Dự thảo Đề án tăng tốc đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT đặt ra hai mục tiêu lớn:
Đến năm 2015: Việt Nam đứng thứ 70 trở lên trong các bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về CNTT; CNTT đạt tốc độ tăng trưởng 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP và chiếm tỷ trọng 17 - 20% trong GDP.
Đến năm 2020: Việt Nam đứng thứ 60 trở lên trong các bảng xếp hạng của ITU về CNTT; CNTT đạt tốc độ tăng trưởng hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP và chiếm tỷ trọng 20-23% trong GDP.
Dự thảo đề án này đang thu hút sự chú mạnh mẽ của giới CNTT trong nước. Sau khi Bộ TT&TT đăng toàn văn dự thảo xin ý kiến góp ý trên website của Bộ, Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA) đã gửi thư đề nghị các thành viên góp ý, còn Hội Tin học TP. HCM (HCA) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Đề án này. Ngoài ra, còn một số ý kiến góp ý trực tiếp cho Đề án trên website của Bộ TT&TT.
Nhìn chung, các ý kiến mà Báo BĐVN ghi nhận được đa phần cho rằng các mục tiêu đặt ra trong Đề án tăng tốc là quá cao, khó khả thi. Thậm chí có một ý kiến cho rằng kể cả khi đạt được các mục tiêu đó thì CNTT của Việt Nam chưa chắc đã mạnh.
Mục tiêu quá cao
Trong hội thảo góp ý cho Đề án do HCA tổ chức ngày 5/10 vừa qua, một số đại biểu cho rằng Đề án tăng tốc này thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước với CNTT, đặt ra những chỉ tiêu rất cao. “Từ trước đến nay, chưa có ai phát biểu như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc đưa Việt Nam thành nước CNTT mạnh”, ông Nguyễn Trọng, nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT nhận xét.
Tuy nhiên, về các mục tiêu đặt ra trong đề án, nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi trong bối cảnh hiện tại. Ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng thư ký HCA nhận xét mục tiêu đưa CNTT và viễn thông đạt 17-20% GDP vào năm 2015 là “quá cao”. Tương tự, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HCA băn khoăn “không hiểu mục tiêu trên là dựa trên cơ sở nào”, bởi theo ông Dũng, CNTT và viễn thông Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 4-5% GDP.
Còn ông Phạm Văn Bảy, nguyên Chủ tịch HCA, trích dẫn số liệu thống kê cho rằng tổng giá trị CNTT Việt Nam hiện nay chưa tới 1% GDP cả nước, “vậy 6 năm tới, mục tiêu đạt 17% thì có ai dám quyết không?”.
Khó nhưng có thể đạt
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến tỏ ra lạc quan hơn. “Tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng và tỷ trọng GDP trong Đề án là có căn cứ và khả thi, nhưng cũng đầy thách thức, nếu xét đến ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đến tăng trưởng của GDP và CNTT trong năm nay và cả năm sau”, ông Lã Mạnh Cường, Giám đốc công ty Luxoft viết trong góp ý trực tiếp với Bộ TT&TT, cơ quan chủ trì soạn dự thảo Đề án tăng tốc.
Ông Nguyễn Trọng cũng cho rằng mục tiêu đạt 17-20% GDP là “có thể đạt được”, bởi theo ông hiện nay doanh thu của các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, FPT cộng với cả các hãng nước ngoài đầu tư tại Việt Nam như Canon, Fujitsu thì “cầm chắc 10-12 tỷ USD”. Như vậy, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan như hiện nay, vài năm nữa có thể đạt trên 20 tỷ USD.
Theo số liệu trong Sách trắng về CNTT-TT Việt Nam, tổng doanh thu từ CNTT và viễn thông của Việt Nam trong năm 2008 đạt 10,3 tỷ USD, trong đó CNTT chiếm 5,2 tỷ USD. Một số chuyên gia cho rằng nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng 20-30% từ nay đến năm 2015, riêng CNTT có thể đóng góp khoảng 12,5 tỷ USD. Và với sự xuất hiện của dịch vụ 3G, lĩnh vực viễn thông được dự báo có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2015 nếu doanh thu trên mỗi thuê bao di động (ARPU) tăng thêm được vài USD so với hiện tại. Năm 2008, ARPU của Việt Nam đạt khoảng 7-8 USD (theo Frost & Sulivan).
Không nên dựa vào ITU
Ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến đề nghị không nên dùng đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) làm mục tiêu phát triển của CNTT Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trọng, ITU xếp hạng chủ yếu thông qua ứng dụng, vì vậy nếu dùng đánh giá của tổ chức này thì có cảm giác Đề án tăng tốc đang muốn biến Việt Nam thành thị trường lớn. “Tiêu thụ CNTT rất quan trọng, có tác động đến nhiều ngành khác. Nhưng nếu chỉ lấy tiêu thụ mà không làm gì thì dù có tạo ra được 20 tỷ USD thì Việt Nam vẫn không mạnh về CNTT”, ông Trọng nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lã Mạnh Cường cho rằng “nếu căn cứ theo xếp hạng Chỉ số phát triển ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), gọi tắt là IDI của ITU gồm 11 tiêu chí/3 nhóm, tôi thấy các tiêu chí của IDI không đánh giá được nhiều mục tiêu nhiệm vụ mà chúng ta đặt ra trong Đề án này”. Hơn nữa, IDI không phải là một xếp hạng chỉ số được công bố thường niên (được xuất bản 5 năm một lần-PV), điều này có thể gây khó khăn cho chúng ta khi muốn kiểm chứng mục tiêu hàng năm”.
Ông Cường đề nghị nên thay đánh giá của ITU bằng chỉ số xếp hạng trong báo cáo CNTT toàn cầu (Global IT Report - GITR) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). “Tôi thấy GITR gồm nhiều tiêu chí đánh giá và toàn diện hơn, không chỉ đánh giá ICT của một quốc gia về mặt “lượng” đơn thuần như IDI mà còn về mặt “chất” nữa, rất phù hợp các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế, xã hội chúng ta đặt ra trong đề án. Hơn nữa GITR là báo cáo thường niên, chúng ta có thể kiểm chứng kết quả mục tiêu đạt được tại bất cứ năm nào”, ông Cường nói.
Theo Ictnews