|
Mua hàng điện tử không dễ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại hầu hết cửa hàng, công ty tin học lớn ở TP HCM, khách sau khi xem hàng mẫu, nếu đồng ý mua sẽ phải đến quầy thu ngân thanh toán tiền trước, rồi nhận hàng tại nơi xuất kho. Do không bán sản phẩm khách đã thử qua nên nhiều chuyện may rủi cũng bắt nguồn từ đây. Chị Nguyễn Thị Thùy Trinh, nhân viên bưu điện làm việc tại quận 1, mua chiếc MP3 hiệu Sony tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Khi nhận thiết bị từ quầy xuất kho chuyển sang bộ phận kỹ thuật kiểm tra lại, dù đã sạc pin đủ để thử máy nhưng chiếc MP3 không tự hát nếu rút dây cắm nguồn khỏi ổ điện. Nhân viên kỹ thuật bảo chị Trinh mang về dùng có gì trục trặc trong tuần đổi lại.
"Tôi đọc chi tiết tài liệu hướng dẫn và làm theo, nhưng máy không bật được nguồn dù đã sạc pin khá lâu. Mang đến nơi bán thử lại, đứng xếp hàng chờ giải quyết nhiều trường hợp hỏng hóc, hối thúc lắm cuối cùng họ cũng đồng ý cho đổi, nhưng nhân viên quầy xuất kho lại đưa một cái 'nhái' y hệt, với nhãn trên màn hình là MP3 thay vì Sony", chị Trinh bức xúc kể lại. "Khi mình yêu cầu đúng cái đã mua thì cửa hàng bảo hết. Người bán cũng thay ca ra về nên không làm thủ tục lấy tiền lại được. Nếu để đến ngày hôm sau thì phải chịu lỗ một đến vài USD, còn đổi sang model khác sẽ không mất gì”.
Chất lượng sản phẩm công nghệ bạn đang dùng như thế nào?
|
|
Cũng trong tình trạng tương tự, anh Nguyễn Bảo Toàn, làm việc tại siêu thị Zen Plaza, cho biết: "Tôi mua thanh RAM hiệu Kingmax đặt trong tủ kính trưng bày với màu vàng, tem chính hiệu của nhà phân phối tại Việt Nam. Do sơ ý không kiểm tra lại sản phẩm, lúc về nhà tôi mới tá hỏa. RAM hóa màu xanh dương, chỉ có tem bảo hành của nơi bán. Mang đến đổi lại thì cửa hàng thông báo hết, chờ có hàng mới đổi, còn sản phẩm trưng bày là hàng mẫu không bán".
Không phải chỉ tìm hiểu kỹ sản phẩm và chọn mua ở cửa hàng lớn, uy tín thì mọi chuyện suôn sẻ. Nhiều người tiêu dùng đã phải "vã mồ hôi", năm lần bảy lượt bảo hành mà thiết bị mới toanh vẫn cứ ì ạch chạy, "nay ốm mai đau". Các cửa hàng, công ty cạnh tranh nhau rất mạnh về giá cả, dịch vụ hậu mãi thế nhưng chất lượng sản phẩm lại vịn vào may rủi. Cũng tham khảo qua bạn bè và báo chí, chị Phan Thanh Hải, sinh viên ngành ngoại ngữ ở Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chọn một cửa hàng công nghệ lớn để mua chiếc PC. "Tôi được tư vấn sản phẩm nào tốt và phù hợp với nhu cầu", chị Hải kể. "Lúc đầu, máy trục trặc ổ CD-ROM, cửa hàng cử ngay nhân viên đến tận nhà kiểm tra và thay ổ mới. Đến nay đã 4 năm nhưng máy vẫn chưa hỏng hóc gì”.
Thế nhưng, khi chị Hải "tư vấn" và quảng cáo cho cậu em họ mua một bộ máy tính cũng ở cửa hàng này thì lại khác hoàn toàn. Chỉ trong vòng 3 tháng mà đã gần chục lần "khổ chủ" phải chạy đôn chạy đáo bảo hành. “Chiếc PC khi chết nguồn, khi lại hỏng mainboard và vừa rồi cháy cả ổ cứng”, chị Hải lắc đầu than thở. “Tôi phải cố ngon ngọt là khách quen từng giới thiệu nhiều người đến mua hàng, họ mới nhanh chóng thay thế. Còn ổ cứng thì đến nay đã nửa tháng nhưng vẫn nằm ở nơi bán".
Bảo hành - chiêu thức "ru ngủ" khách hàng
Bạn quan tâm yếu tố nào nhất khi mua hàng công nghệ?
|
|
Trên thị trường hiện nay, khá nhiều mặt hàng giả, trôi nổi không có nguồn gốc chính thức được bán với giá tương đương hoặc rẻ hơn đồ chính hiệu một vài USD, vẫn có dán tem chứng nhận sản phẩm chính hãng "dỏm" và được bảo hành trong thời gian dài, rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Thông thường nếu hàng bị trục trặc, khách sẽ nhận được những lời giải thích "kinh điển" như lỗi linh kiện điện tử, sử dụng nguồn chập chờn... và được vuốt ve rằng vấn đề chủ yếu là nơi bán bảo hành chu đáo.
"Một đổi một hay đổi hàng mới hoàn toàn ngay khi có vấn đề có thể là giấc mơ xa vời", chị Lưu Vân Trinh, kế toán cũ của một công ty tin học lớn tại Hà Nội, cho biết: “Đồ thay thế cũng chỉ là hàng cũ. Nhân viên sửa chữa các linh kiện hỏng hóc của khách hàng A, kiểm tra thấy chạy được thì gắn cho B. Còn việc thay mới rất hiếm hoi”.
"Hàng xịn phải qua thuế đắt hơn, mức chênh lệch vài USD khiến khách hay so sánh và chê ỏng eo, dù bán loại này lãi thấp", chủ một cửa hàng tại khu vực kinh doanh sản phẩm IT sầm uất nhất ở quận 1, TP HCM, tiết lộ. "Kể cả những công ty lớn cũng chơi hàng nhái bởi lãi cao và khách hám rẻ ưa chuộng. Chất lượng thiết bị đến khi dùng mới biết nên người tiêu dùng vẫn có cảm giác yên tâm vì được bảo hành như hàng xịn. Và cũng vì hám lợi nên không ít cửa hàng đánh tráo đồ dỏm khi sản phẩm gặp vấn đề phải đổi lại".
"Thông thường những mặt hàng có thể mang lại lãi cao thì khả năng làm giả rất lớn. Trong số này, dù thẻ nhớ dỏm thực sự ít, nhưng sản phẩm không có nhãn hiệu tràn lan trên thị trường. Người dùng cũng nên đặc biệt chú ý khi mua thiết bị giải trí như MP3, MP4 bởi hàng nhái khá tinh vi", ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Marketing Công ty phát triển kỹ thuật ứng dụng Viễn Sơn (TP HCM), nhà phân phối RAM Kingmax, cho biết. "Riêng bộ nhớ chúng tôi cung cấp phải có đầy đủ các yếu tố như mạch in màu vàng, tem sản phẩm chính hiệu Kingmax, tem của nhà phân phối và tem chống giả do Viện Khoa học hình sự - Bộ Công An phát hành".
Theo Vnexpress