|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn (Ảnh: Châu Long) |
Bản dự thảo Qui chế hoạt động truyền hình trả tiền, do Bộ TT&TT soạn và trình bày tại buổi hội thảo sáng ngày 22/10, tại TP. HCM, đã được đại diện các DN hoạt động trong lĩnh vực đánh giá là kịp thời và có nhiều điểm tích cực.
Theo thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quí Doãn, đây là văn bản qui phạm pháp luật đầu tiên cho truyền hình trả tiền.
Vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm chia sẻ mối băn khoăn là bản quyền đối với các chương trình nước ngoài. Theo dự thảo, nội dung các chương trình nước ngoài được quản lý tập trung thông qua một đơn vị do Bộ TT&TT cấp phép và quản lý. Dự kiến đây là tổ chức sự nghiệp hoạt động phi lợi nhuận. Đơn vị cung cấp chương trình nước ngoài này sẽ chịu trách nhiệm thỏa thuận bản quyền và biên tập các chương trình nước ngoài theo qui định của pháp luật để phân phối lại cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có nhu cầu với phí bản quyền bảo đảm sự công bằng và minh bạch.
Theo quan điểm của Bộ TT&TT, như vậy khi đàm phán vấn đề bản quyền với đối tác nước ngoài sẽ tạo ra sự thống nhất cùng đảm bảo lợi ích, tránh được hiện tượng cạnh tranh giữa các DN trong nước khi tìm mọi cách mua chương trình nước ngoài dẫn đến thiệt thòi về giá. Nhờ vậy tiết kiệm được chi phí mua bản quyền, tiết kiệm nhân lực và bộ máy biên tập, biên dịch chương trình, chất lượng sẽ cao hơn.
Về phía cơ quan quản lý cũng “nhẹ gánh” nhờ qui về một đầu mối, trong bối cảnh hiện có nhiều nhà cung cấp, kể cả các đài lớn, có nhiều vi phạm trong biên tập các chương trình nước ngoài.
Tuy vậy, đại diện của nhiều DN tại buổi hội thảo lại cho rằng mơ ước thì đẹp nhưng thực tế lại biến hóa khôn lường, nên khó thực hiện. Theo ông Phan Văn Nho – Giám đốc công ty Sao Nam, thì việc lập đơn vị làm nhiệm vụ đầu mối cho các chương trình bên ngoài vào hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận là khập khiễng với môi trường kinh doanh dịch vụ.
Đồng quan điểm với ông Nho, ông Trần Văn Úy – Giám đốc công ty truyền hình cáp SCTV, băn khoăn với mối quan hệ thế nào khi đơn vị cung cấp chương trình nước ngoài hoạt động phi lợi nhuận trong khi các đơn vị khác hoạt động theo luật doanh nghiệp. Theo ông, việc qui định một đơn vị như vậy có thể sẽ dẫn tới độc quyền. Vì thế có thể tăng lên hai hoặc nhiều hơn đơn vị như vậy.
Đại diện của VTC lại chỉ ra rằng cần có thị trường mua bán (các chương trình đã được biên tập) và phải sôi động mang tính cạnh tranh cao theo qui luật cung cầu của thị trường “tranh mua, tranh bán” thì mới tạo được nguồn cung tốt. Nếu không, sẽ thiệt thòi cho đối tượng thụ hưởng, là người xem. Vì thế bản qui chế nên đề cập thêm vấn đề biên tập chương trình nước ngoài dưới góc độ kinh doanh.
Ý kiến của bà Trương Kiều Nga đại diện HTVC đáng chú ý khi cho rằng có những nhà cung cấp nước ngoài chỉ muốn làm việc trực tiếp với DN. Và chúng ta cần họ. Một điểm bất lợi của việc biên tập tập trung là tạo ra nhiều tầng nấc nên thời gian dễ bị kéo dài cho từng chương trình cụ thể.
Ông Hoàng Quốc Khánh – Phó Tổng giám đốc công ty CP Xuất nhập khẩu Công nghệ mới, đặt câu hỏi liệu các công ty truyền hình khác có phải trả phí cao hơn khi một đơn vị sự nghiệp có thu được đặt trước bài toán kinh tế liên quan đến công nghệ, hạch toán, tỷ giá… chưa kể là với mỗi vùng miền khác nhau cần có những mức giá khác nhau cho phù hợp, hoặc số thuê bao của các đơn vị cũng có nhiều sự khác biệt thì tính giá như thế nào?
Một vấn đề nữa được ông Khánh đưa ra là hệ thống thu chương trình trực tiếp từ vệ tinh trong các khách sạn sẽ ra sao, bởi nhu cầu của khách quốc tế tại các khách sạn 3 – 5 sao là muốn xem chương trình chưa được biên tập, biên dịch. Như vậy, nếu các chương trình nước ngoài bắt buộc phải thông qua một đơn vị cung cấp như qui định thì liệu có phù hợp với cam kết WTO.
Ông Chu Quang Trường – Giám đốc công ty Truyền hình cáp Qui Nhơn nêu khó khăn của một đài địa phương là các chương trình còn phải chịu sự kiểm tra gắt gao của Ban tuyên giáo, Sở TT&TT, cơ quan công an về trật tự xã hội… nên còn phải tốn công cắt, ghép cho phù hợp. Nhìn chung, khách hàng của đài thích sử dụng truyền hình cáp nhưng như vậy sẽ phải trả thêm phí bản quyền.
Theo Vietnamnet