Cụ thể, có 6 bảng xếp hạng của 6 nhóm gồm: Các cơ quan Trung ương của các hệ thống thuộc Bộ Tài chính; Các Sở Tài chính; Các Cục Thuế, Các Cục Hải quan, Các Kho bạc Nhà nước tỉnh/thành; Toàn ngành dọc của Thuế, Hải quan, Kho bạc.
Ở nhóm Các cơ quan Trung ương của các hệ thống thuộc Bộ Tài chính: Đứng đầu bảng là Tổng cục Thuế, tiếp đến là Văn phòng Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, và cuối bảng là Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Ở nhóm Các Sở Tài chính, đứng thứ nhất là Sở Tài chính Bắc Ninh, các thứ hạng tiếp theo lần lượt thuộc về các Sở Tài chính Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Dương, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Phú Thọ, Lào Cai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên – Huế, Bến Tre, Điện Biên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận, Hải Phòng…
Ở nhóm Các Cục Thuế, Cục Thuế Ninh Thuận đã trở thành “điểm sáng” bất ngờ khi vươn lên dẫn đầu, các vị trí tiếp theo thuộc về: Lào Cai, Nghệ An, Kon Tum, Cần Thơ, Khánh Hòa, TP.HCM, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai, Cao Bằng, Bắc Giang, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Thái Bình…
Ở nhóm các Cục Hải quan, Cục Hải quan Bình Dương rất xứng đáng với danh hiệu đứng đầu bảng, Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tự tin khẳng định mình ở vị trí thứ 2, các vị trí tiếp theo gồm: Thừa Thiên – Huế, Gia Lai - Kon Tum, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Định, Đồng Nai, Kiên Giang, Đăk Lăk, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An, Đồng Tháp, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Điện Biên, Khánh Hòa, Quảng Trị.
Ở nhóm Các Kho bạc tỉnh/thành phố, thứ tự lần lượt là: Cần Thơ, Trà Vinh, Nghệ An, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Thuận, Đăk Nông, Hà Giang, Hậu Giang, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Bạc Liêu, Bình Dương, Kiên Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Trị, Thái Bình, Khánh Hòa…
Và ở nhóm Toàn ngành dọc của Thuế, Hải quan, Kho bạc, vị trí thứ 1 thuộc về Tổng cục Thuế, vị trí thứ 2 thuộc về Tổng cục Hải quan, vị trí thứ 3 thuộc về Kho bạc Nhà nước.
Báo cáo nêu trên được thực hiện bởi Tạp chí Tài chính điện tử, một trong những cơ quan cơ quan ngôn luận của ngành Tài chính.
Được biết, từ năm 2008, nhằm phục vụ nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ứng dụng CNTT-TT, quản lý thống nhất các hoạt động ứng dụng CNTT-TT và công tác thống kê - dự báo, hướng tới xây dựng nền tài chính điện tử, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã chủ trương xây dựng Báo cáo về mức độ sẵn sàng phát triển ứng dụng, gọi tắt là ICT Index của ngành Tài chính trên cơ sở các chỉ tiêu mà Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT, Hội Tin học Việt Nam đã đưa ra, và có bổ sung thêm một số chỉ tiêu đặc thù của ngành tài chính. Việc triển khai được giao cho Tạp chí Tài chính điện tử.
“Chúng tôi mong muốn ICT Index ngành Tài chính sẽ trở thành cơ sở định kỳ hỗ trợ hữu hiệu cho việc đánh giá thực trạng ứng dụng phát triển CNTT-TT ngành Tài chính; đề xuất được những giải pháp; thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT-TT một cách hiệu quả trong toàn ngành Tài chính”, ông Đặng Đức Mai, Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính điện tử, Cục trưởng Cục Tin học & Thống kê tài chính, Bộ Tài chính, chia sẻ.
Cũng theo ông Đặng Đức Mai, ICT Index của ngành tài chính sẽ đem lại lợi ích cho nhiều đối tượng khác nhau. Chẳng hạn, giới lãnh đạo có số liệu làm cơ sở để so sánh, đánh giá mức độ ứng dụng CNTT phục vụ nghiệp vụ ở từng hệ thống của ngành, đơn vị, địa phương… ; có số liệu để đánh giá mức độ đúng đắn của các chính sách, dự án, chiến lược... ; có căn cứ điều chỉnh, sửa đổi kịp thời để hệ thống CNTT-TT của ngành tài chính ngày càng phát triển đồng đều, đồng bộ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn v.v. Giới cán bộ CNTT của Tin học - Thống kê tài chính thì có số liệu để biết được vị trí của mình trong hệ thống, có định hướng phấn đấu. Còn giới nghiên cứu, bạn đọc quan tâm nói chung có nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy khi tra cứu, so sánh, tham khảo.
Năm 2008, Tạp chí Tài chính điện tử đã tiến hành điều tra thí điểm trên 2 nhóm đối tượng: Một là nhóm các cơ quan Trung ương của các hệ thống ngành tài chính gồm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước, Văn phòng Bộ Tài chính; Hai là nhóm một số sở Tài chính chọn ngẫu nhiên theo 3 miền Bắc – Trung – Nam, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Nam Định.
Trên cơ sở kết quả của Báo cáo ICT Index ngành tài chính được thực hiện năm 2008, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tài chính, năm 2009, Tạp chí Tài chính điện tử chính thức triển khai mở rộng ICT Index ngành tài chính. Đối tượng tham gia điều tra năm nay gồm các cơ quan Trung ương của các hệ thống ngành tài chính gồm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước, Văn phòng Bộ Tài chính. Và 63 Sở Tài chính, 63 Cục Thuế, 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh/thành phố, 33 Cục Hải quan và 18 đơn vị Dự trữ khu vực.
“Với ICT Index ngành tài chính, các đơn vị trong ngành sẽ có thể xác định được vị trí của mình đang ở đâu trên “bản đồ CNTT-TT” , có thể tự rút ra những điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục, và cũng từ đó có thể đề xuất những giải pháp, chiến lược hữu hiệu để thúc đẩy sự phát triển ứng dụng CNTT-TT, nhanh chóng hiện thực hoá mục tiêu hướng tới nền Tài chính điện tử của Bộ Tài chính”, ông Đặng Đức Mai nhấn mạnh.
Theo taichinhdientu.vn