Thuận người mua
Trong các cuộc thảo luận của nhóm sáng kiến Sài Gòn Digital Marketing (với sự tham gia của nhiều đại diện từ các website lớn và các mạng quảng cáo) diễn ra trong nửa năm qua, vấn đề thiếu minh bạch của chiếc "khuôn vàng thước ngọc" Alexa liên tục được đem ra mổ xẻ.
|
Có thể tạo kế hoạch truyền thông từ Google Ad Planner |
Ông Đỗ Thế Nghĩa, Giám đốc chiến lược bộ phận web công ty VinaGame, chia sẻ: "Trước đây, lập kế hoạch mua quảng cáo trực tuyến, chúng tôi vẫn dựa vào Alexa nhưng việc đánh giá dựa trên công cụ này là khá phức tạp và thiếu chính xác. Do Alexa chỉ đưa ra tỉ lệ % số người dùng (reach) nên chúng tôi phải tạo ra một số công thức tính toán để đưa kết quả đó về các chỉ số có ý nghĩa hơn như số lượt truy cập (visit) và số lượt trang xem (page views)".
Ông nhận xét kết quả chuyển đổi này vẫn có sai số rất lớn, thậm chí có khi truy cập thực tế của website tăng, nhưng trên Alexa lại thấy giảm. Đặc biệt, tỉ lệ traffic trong nước sai ở mức khó chấp nhận. Các website tiếng Việt hầu hết có lượng truy cập từ Việt Nam chiếm trên 90%, nhưng theo Alexa, chỉ số này chỉ ở mức 40 - 50%.
Ông Nghĩa cho biết, lựa chọn hiện tại của mình là Google Ad Planner vì các lý do: thông tin tương đối chính xác, chi tiết, tiếp cận dễ dàng và miễn phí. Hơn nữa, Google là công ty quảng cáo trực tuyến số một thế giới nên "thước đo" của họ tương đối đáng tin cậy.
Ông nhận xét: "Thống kê của Google Ad Planner khá khớp với kết quả đo đạc của Google Analytics. Với hơn 20 website lớn mà chúng tôi có quyền truy cập tài khoản Google Analytics, sai số về visits và pageviews chỉ ở mức xấp xỉ 10%, trong mức chấp nhận được". Theo ông Nghĩa, sai lệch này có thể đã nằm trong tính toán của Google, để bù lại các truy cập mà Analytics không ghi nhận được do mất kết nối với máy chủ hoặc trình duyệt không hỗ trợ cookie.
Cùng chia sẻ quan điểm với ông Nghĩa, ông Aryeh Sternberg, giám đốc công ty GroupM Interaction nhận xét: "Google Ad Planner là cách nhanh chóng và đơn giản nhất để người lập kế hoạch quảng cáo trực tuyến tìm ra được các website phù hợp với chiến dịch quảng cáo của mình. Công cụ này cung cấp rất nhiều chỉ số quan trọng của 1 website: số khách xem, số lượt truy cập, lượt trang xem trong tháng vừa qua, độ phủ (tỉ lệ % người dùng trong một quốc gia), các định dạng và kích thước quảng cáo được hỗ trợ...".
Theo ông Aryeh Sternberg, Google Ad Planner vẫn còn một số vấn đề như phân loại sai và thống kê đôi chỗ thiếu nhất quán, nhưng đang được cải thiện dần.
Vừa lòng kẻ bán
Phùng Thanh Quý, thành viên ban quản trị của website gametuoi.com cho biết, gần đây cô liên tục có khách mua quảng cáo và khách hàng biết tới website gametuoi.com chủ yếu là từ Google Ad Planner.
Cô Thanh Quý nói: "Website của chúng tôi chỉ ở mức trung bình, khoảng 12 triệu pageviews mỗi tháng, xếp ngoài top 200 Việt Nam trên Alexa. Trước đây, việc bán quảng cáo là khá khó khăn vì các advertiser chỉ nhắm tới top 100 Alexa. Còn giờ đây, với sự trợ giúp của Google Ad Planner, khách hàng không chỉ nhắm tới thứ hạng website mà còn quan tâm tới các con số cụ thể về số lượng users, số lượt truy cập, số lượt trang xem...".
"Và từ các con số đó họ có thể dự kiến tương đối chính xác kết quả đạt được của chiến dịch quảng cáo như CPM (chi phí tiếp cận 1.000 khách hàng), CPC (chi phí cho mỗi click)... Website của chúng tôi có cơ hội "lọt vào mắt xanh" nhiều nhà quảng cáo cũng như ads network (mạng quảng cáo) vì đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản đó, thể hiện trên "thước đo" của Google", cô Thanh Quý nói.
Cô Thanh Quý cho biết thêm ngoài việc khách hàng tự tìm đến thì việc chào bán quảng cáo của cô cũng tốt hơn nhiều. Số liệu Google Ad Planner gần như là một sự bảo chứng có tín nhiệm bởi "Alexa có thể cheat (ngụy tạo kết quả), Google Analytics có thể cheat, còn Google Ad Planner thì không, hoặc ít nhất là chưa", cô nhấn mạnh.
Cô Thanh Quý cho rằng với sự chính xác và độ tin cậy cao hơn hẳn, không lâu nữa Google Ad Planner sẽ "đẩy chiếc thước đo méo mó Alexa vào dĩ vãng". Nhiều nhà quảng cáo và đại lý cũng cùng chung ý kiến với cô.
MINH LONG
Một số phương pháp thống kê dữ liệu web của bên thứ ba (third party tracking)
* Alexa: Thu thập thông tin trong tệp khách hàng sử dụng toolbar Alexa bằng phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên. Cách làm này sẽ có kết quả tương đối chính xác với điều kiện diện lấy mẫu đủ lớn và không bị tác động bởi các yếu tố nhân tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Alexa là phương pháp đo rất dễ bị làm sai lệch và thường xuyên bị lạm dụng ở Việt Nam.
* ComScore: Thông qua tuyển dụng, cài đặt phần mềm thống kê trên máy tính của các tệp người dùng đại diện cho các nhóm có thói quen lướt web giống nhau, kết hợp với thống kê truy cập trên máy chủ (dùng "con bọ" của ComScore hoặc tích hợp dịch vụ quảng cáo của Omniture).
Có tên gọi Media Matrix 360, phương pháp này được đánh giá cao bởi tính khoa học và các phân tích rất sâu về hành vi và đặc điểm người dùng như độ tuổi, giới tính, thu nhập... Nhược điểm của nó là sự phức tạp, khó tiếp cận, đồng thời dịch vụ này cũng chưa sẵn sàng ở Việt Nam.
* Google Ad Planner: Thống kê dựa trên dữ liệu tìm kiếm trên Google, thông tin chia sẻ ẩn danh trên Google Analytics, dữ liệu do người dùng tự nguyện chia sẻ, nghiên cứu thị trường của các bên thứ ba, kết hợp với các thuật toán của Google. Do hầu hết các website Việt Nam đều đặt Google Analytics, số liệu do Google Ad Planner đưa ra là khá đáng tin cậy. Nhược điểm: Phân loại trang web chưa chính xác, chưa hỗ trợ thống kê đặc điểm nhân khẩu học của người dùng tại Việt Nam.
|
Theo Tuổi trẻ