Ảo có giá hơn thực
Cùng với trào lưu phát triển của các trang mạng xã hội, game online, một thế hệ “tiền” mới đã ra đời và mặc dù chỉ được lưu thông một cách khá hạn chế trong một mạng xã hội hay một game nhất định nhưng những đồng tiền ảo này đang có một tốc độ tăng giá đến “chóng mặt” trong thời gian qua.
Lấy ví dụ tại Mỹ, riêng trong quý II năm nay, một lượng tiền ảo có tên gọi “đô-la Linden” trị giá tới 144 triệu USD đã được các thành viên của mạng xã hội Second Life trao đổi với nhau thông qua LindeX – sàn giao dịch tiền tệ của mạng này. Con số này cho thấy giá trị đồng tiền và “nền kinh tế ảo” của Second Life đã đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20%, các hoạt động giao dịch tăng khoảng 6% so với năm ngoái, trong khi đó nền kinh tế Mỹ vẫn đang chịu cảnh tốc độ tăng trưởng âm 1%.
Mới đây, các chuyên gia nghiên cứu của tổ chức Inside Network và Virtual Goods Summit (Mỹ) đã công bố một bản báo cáo cho biết, trong năm 2009, thị trường hàng hóa ảo tại Mỹ đã đạt doanh số 1 tỷ USD - cao gấp đôi so với năm 2008 và dự tính đến năm 2010 sẽ đạt giá trị 1,6 tỷ USD.
Theo số liệu của Trung tâm Internet Trung Quốc (CINIC), trong năm 2008, một lượng tiền ảo trị giá khoảng 2 tỷ USD đã được trao tay giữa những người dùng Internet nước này với nhau. Hầu hết số tiền ảo đó được dùng để mua bán những vật dụng ảo trong game online nhưng cũng có một lượng không nhỏ được dùng để thanh toán cho hàng hóa hay dịch vụ thực.
“Những ý tưởng mới về tiền tệ đã bắt đầu nảy sinh”, Dave Birch, giám đốc hãng tư vấn đầu tư và thương mại điện tử Consult Hyperion nói, “Sẽ rất khó để thuyết phục một ai đó rằng đồng bảng Anh hiện nay có giá trị “thực” hơn những đồng vàng trong game online World of Warcraft”.
Nan giải bài toán quản lý
Linden Lab – hãng phát hành Second Life cũng đã phải sử dụng nhiều biện pháp để tự kiểm soát “tỷ giá hối đoái” và giữ cho đồng tiền trong Second Life luôn ổn định ở mức 265 đô la Linden “ăn” 1 USD. Thậm chí những thành viên của Second Life ở châu Âu còn phải chịu thuế VAT theo đúng quy định của luật pháp. Theo các nhà chức trách châu Âu, trong tương lai, các nền kinh tế ảo có thể cũng sẽ phải chịu thêm nhiều khoản thuế khác giống như trong nền kinh tế thực và điều này cho thấy một số quốc gia đã bắt đầu coi các đồng tiền ảo là một thực thể kinh tế chứ không đơn thuần là một thứ “trò chơi” nữa.
“Châu Âu đang đưa ra thảo luận vấn đề liệu có nên áp dụng thuế thu nhập nếu một cá nhân nào đó có quyền sở hữu tài sản ảo hay không”, Vili Lehdonvirta, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ và Thông tin Helsinki (Phần Lan) cho biết.
Tuy đã được giám sát chặt chẽ như thế nhưng chính thế giới ảo cũng không thể tránh khỏi những vụ bê bối, những mánh khóe gian lận tài chính. Mới đây, vụ một nhà sáng lập của ngân hàng ảo EBANK đánh cắp 250 tỷ ISK (trị giá khoảng 5.120 USD) của các game thủ đã khiến nhiều chuyên gia tài chính phải lên tiếng đề nghị chính quyền có thêm những quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực ngân hàng tiền ảo.
Việc ngày càng nhiều mạng xã hội phát hành “đồng tiền” của mình và người dùng Internet ngày càng “nghiện” những loại tiền này khiến các nhà quản lý kinh tế của các quốc gia không khỏi lo lắng. Người dùng mua hàng hóa ảo bằng tiền ảo nhưng số hàng hóa ảo đó lại sinh ra lợi nhuận thực nên một câu hỏi lớn đang được đặt ra: Liệu có nên “ép” tiền ảo vào trong các quy định kinh tế thực của quốc gia hay không?
Theo Ictnews