Từ 1/10, Luật sửa đổi luật Sở hữu trí tuệ chính thức có hiệu lực. Sách giáo khoa, giáo trình hoặc các bài giảng… cũng là loại hình tác phẩm được bảo hộ. Tuy nhiên, người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên với số tiền ít ỏi của mình đành chấp nhận mua bản photo các giáo trình, bài giảng dù biết vi phạm Luật.
Ra ngõ gặp vi phạm
Dạo một vòng quanh các quán photo gần những trường đại học lớn tại Hà Nội, lượng sinh viên đi sao chép các tài liệu tham khảo, giáo trình đứng chen chật lối đi. Đinh Thị Hải Yến (ĐHKHXH&NV) cho biết: “Đầu năm học bọn mình có rất nhiều giáo trình học, lượng sách trong thư viện không thể đáp ứng đủ, nên mình thường mượn bạn đi photo lại. Nhưng đa phần, chỉ cần ra hiệu photo cạnh trường, hỏi có giáo trình không, mình mua lại cho nhanh”.
Anh Cường, chủ một quán photo cạnh trường ĐHKHXH&NV giải thích: “Chúng tôi làm ở đây bao nhiêu năm, dĩ nhiên nắm được quy luật sinh viên cứ vào năm học mới là thiếu giáo trình. Cũng là sách photo, mình bán lại nhanh và tiện hơn nên sinh viên mua với số lượng khá đông”.
Tại các quán photo ở đây, quán nào cũng treo bìa những quyển sách đã được photo để bán lại. Chỉ cần sinh viên có nhu cầu thì giáo trình nào cũng có, thậm chí, nhiều đề tài khoá luận của sinh viên các khoá trước cũng bị sao chép lại một cách vô tội vạ.
Không chỉ riêng tài liệu tham khảo, sách giáo trình, hầu hết các đĩa học tiếng Anh và phần mềm tin học ở quanh khu vực này đều là đĩa sao chép nên có giá khá mềm, từ 7-20 nghìn đồng/cái.
Anh Minh, chủ hiệu sách lớn ở trường Đại học Hà Nội cho hay: “Do đĩa gốc học tiếng Anh được bán với giá quá cao, khoảng 10USD/cái, người học khó mua nổi. Hơn nữa một số đĩa học tiếng Anh tại Việt Nam chưa có bản quyền nên nhà sách đành bán đĩa sao chép từ Internet. Giá của loại đĩa này cũng chỉ bằng 1/10 so với giá gốc, nên nhiều người mua”.
Tình trạng đói giáo trình, đói tài liệu tham khảo trong học sinh sinh viên khiến vấn nạn sách lậu, sách photo trái phép gần như không thể dẹp bỏ vì khi nó liên quan đến lợi ích của cả người bán và người mua .
Đúng luật sinh viên lấy gì học?
Đối với vấn nạn sao chép, việc nghiêm cấm cũng không thật sự dễ dàng dù đã có Hiệp Hội quyền sao chép Việt Nam (VIETPRO) đứng ra quản lí. Nếu “xiết” các cửa hàng photocoppy thì những sinh viên nghèo sẽ khó có cơ hội được tiếp cận với những giáo trình mới, sách tham khảo. “Theo tôi, tổ chức này cần liên hệ với các cơ quan, trường học để quản lí quyền sao chép. Mức đóng góp dành cho sinh viên sẽ không nhiều, các em có thể đóng một số tiền nhỏ để có thể sao chép 1 bản sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo phục vụ học tập”. PGS.TS Vũ Quang Hào (ĐH KHXH&NV) bày tỏ ý kiến.
Nhìn nhận từ thực tiễn, luật sư Nguyễn Trường An (Văn phòng luật sư Phạm và liên danh) cho biết: “Các tác giả mới chỉ nhận được 1/10 thù lao so với mức đáng lẽ ra họ được hưởng, vậy làm sao có thể kích thích được sáng tạo? Nếu quản lí được những hoạt động sao chép này thì thù lao đó có thể coi là tiền thưởng cho những tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, việc quản lí được sự sao chép tài liệu của sinh viên là rất khó. Họ có thể mượn người này người kia để photo lại. Hoặc những người kinh doanh lậu cũng có thể mượn được những quyển sách như thế để photo bán lại. Theo tôi, Luật sửa đổi lần này chúng ta mới chỉ xử lí được 1/3 những bất cập của Luật 2005”
Để khắc phục tình trạng này, theo luật sư An, ngoài việc sửa đổi chế tài luật chặt chẽ hơn, thiết thực hơn, cần tăng cường kiểm tra hoạt động của các cửa hàng photocoppy, hiệu sách. Về lâu dài, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề sở hữu trí tuệ.
Theo Ictnews