Theo ông Tuấn, Bộ Thông tin & Truyền thông đang trình Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi Quỹ Viễn thông công ích, theo đó, kinh phí của Quỹ này sẽ không chỉ dành để chi cho viễn thông công ích mà cho cả phát triển CNTT, phát triển nguồn nhân lực.
Trên thực tế, Kế hoạch hoạt động đến năm 2010 của Quỹ Viễn thông công ích đã được hoàn thành sớm hơn từ 2 năm trước (từ năm 2008 đã đạt mục tiêu 70% số xã có điểm truy cập Internet công cộng và 5 máy cố định/100 dân tại từng xã), và kinh phí của Quỹ còn dư khá nhiều. “Nếu chỉ dành cho viễn thông thì hiệu quả sẽ giới hạn”, ông Tuấn nhận định.
Được biết, để thực hiện “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT”, theo đề xuất của Bộ Thông tin & Truyền thông, từ nay đến năm 2020, Chính phủ cần duyệt chi 144.148 tỷ VND (tương đương 8 tỷ USD). Nguồn kinh phí này được phân bổ theo 6 chương trình: Chương trình phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng - 131.000 tỷ VND (chiếm 90,8% tổng kinh phí Đề án); Chương trình bảo đảm an toàn thông tin quốc gia - 850 tỷ VND (chiếm 0,6%); Chương trình đưa điện thoại, thiết bị nghe nhìn đến hộ gia đình - 9.910 tỷ VND (chiếm 6,9%); Chương trình hỗ trợ ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước - 783 tỷ VND (chiếm 0,5%); Chương trình xây dựng Quỹ thúc đẩy phát triển CNTT hỗ trợ sản xuất phần cứng máy tính, phát triển các sản phẩm phần mềm và nội dung số, phát triển nguồn nhân lực CNTT và quảng bá thương hiệu - 1.450 tỷ VND (chiếm 1%); Chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT - 210 tỷ VND (chiếm 1,4%).
Việc hình thành Quỹ phát triển nhân lực sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT.
Theo taichinhdientu.vn