Thứ hai, 29/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 20/10/2009
Xây dựng mạng 3G tại Việt Nam: Cái bẫy công nghệ?

Vinaphone là DN đầu tiên cung cấp mạng 3G. ảnh: A.X
 VinaPhone đã cung cấp dịch vụ 3G. Viettel, MobiFone, EVN Telecom và Vietnamobile cũng đang ráo riết xây dựng và chuẩn bị cung cấp dịch vụ cao cấp này. Tuy nhiên, liệu 3G có đơn thuần là sự phát triển công nghệ; hay nó sẽ là cái bẫy của cuộc chơi công nghệ đắt giá này?

Đã nhìn thấy "cái bẫy"

Có thể nói, các mạng di động của VN triển khai 3G đúng vào thời điểm nhạy cảm. Đó chính là lúc nền kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế VN rơi vào suy thoái. Đã có lúc, nhiều ý kiến cho rằng trong lúc nền kinh tế và năng lực tài chính khó khăn, việc bỏ ra cả núi tiền để đầu tư cho 3G là sự mạo hiểm.

Tuy nhiên không riêng gì các chuyên gia, mà bản thân các DN di động cũng đã coi đây là sự mạo hiểm. Thậm chí, tại những lần trao giấy phép 3G và tại các cuộc hội thảo, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Viettel và các DN khác đều cho rằng: 3G là điều kiện quan trọng để các mạng di động phát triển. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo và thận trọng, nó sẽ là "cái bẫy" hết sức nguy hiểm cho DN trong quá trình đầu tư và kinh doanh.

Rõ ràng, các DN viễn thông đã nhìn thấy "cái bẫy" này. Trên thực tế, ngay cả cho đến thời điểm này cũng mới chỉ có số ít quốc gia phát triển 3G. Tại Việt Nam, ngay khi nộp hồ sơ thi tuyển, các mạng di động đã phải cam kết đầu tư tối thiểu là 33.822 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD) cho việc triển khai 3G ngay trong 3 năm đầu tiên. Ngoài ra, các mạng di động cũng phải đặt cọc số tiền lên đến 8.100 tỉ đồng (riêng Viettel đã đặt cọc 4.500 tỉ đồng, gấp 3 lần số tiền đặt cọc của VinaPhone và MobiFone).

Đến đây, "cái bẫy" tài chính đã lộ rõ. Theo tính toán từ nay đến giữa năm 2010, Viettel sẽ phải tung ra khoảng hơn 12.000 tỉ đồng, EVN Telecom cũng phải đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng... Đại diện các DN thừa nhận, đây là những suất đầu tư cực kỳ lớn. Nếu chậm triển khai và vi phạm cam kết, các DN có thể bị thu hồi giấy phép và phạt tiền đặt cọc. Nhưng nếu việc triển khai đầu tư và kinh doanh không hiệu quả thì hệ luỵ của "cái bẫy" sẽ phát tác, khi mà năng lực tài chính và năng lực công nghệ của các DN bị suy yếu.

Nhiều thách thức - ít cơ hội

Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng thì 3G là đòi hỏi tất yếu của xu hướng phát triển. Đầu tiên là việc chia sẻ dung lượng, sau đó là đáp ứng các nhu cầu dịch vụ như truyền tải dữ liệu tốc độ cao, truyền tải hình ảnh, ứng dụng thương mại điện tử, ngân hàng, giải trí...

Tuy nhiên, thách thức của 3G nằm trong chính sự "cao cấp" của công nghệ này. Đầu tiên là việc thiết bị 3G khá đắt đỏ. Theo khảo sát từ các Cy phân phối điện thoại lớn như FPT, Thế giới di động, Viễn thông A..., số người mua điện thoại 3G thời gian qua chỉ chiếm từ 3% - 5% lượng điện thoại bán ra. Chính vì thế, các chuyên gia chỉ dám dự báo rằng sẽ chỉ có khoảng 4% số người dùng di động sử dụng 3G.

Với tỉ lệ này, dự báo đến hết năm 2010, VN sẽ chỉ có khoảng 5 triệu thuê bao 3G - chia cho 7 mạng di động hiện có. Một vấn đề khác là trong 2 năm trở lại đây, doanh thu trên thuê bao di động của các DN bị sụt giảm nghiêm trọng. Lý do là khách hàng ngày càng thắt chặt chi tiêu, trong khi DN di động lại phải tăng cường khuyến mãi và gia tăng lợi ích cho khách hàng...

Đặc biệt, trong khi suất đầu tư 3G rất lớn, nhưng các mạng di động lại buộc phải cung cấp 3G với mức giá rẻ và khai thác đa dịch vụ. Thế nhưng hiện nay, dịch vụ nội dung số của VN vẫn nghèo nàn, trong khi các hình thái dịch vụ qua Internet kết nối với máy tính lại có giá rất rẻ, thậm chí là có thể được miễn phí...

Bài học này đã đắt giá đối với China Mobile, khi mạng di động lớn nhất Trung Quốc hy vọng sẽ có 50-80 triệu thuê bao 3G vào cuối năm 2009; thế nhưng cho đến nay, DN này mới chỉ có khoảng gần 1 triệu thuê bao 3G. Điểm mấu chốt của vấn đề này là bởi giá thiết bị 3G rất cao, quá ít dịch vụ cho 3G, khách hàng vẫn quen dùng dịch vụ cơ bản (thoại và nhắn tin), trong khi điện thoại 3G vẫn chưa thể thay thế được máy tính khi cần các dịch vụ Internet, dữ liệu, hình ảnh cũng như các dịch vụ cao cấp liên quan đến hoạt động tài chính, ngân hàng...

Với những phân tích trên đây, các DN viễn thông thừa nhận rằng 3G chỉ là chiếc chìa khoá của giai đoạn phát triển mới. Trong giai đoạn này, thách thức đã trở thành hiện thực, trong khi cơ hội mới chỉ là tiềm năng. 

Những dịch vụ 3G cơ bản: Điện thoại hình ảnh (Video Call); truyền tải đồng thời cả âm thanh và dữ liệu (Multi-call /Rich voice); tải phim ảnh (Video Downloading); video trực tuyến (Video Streaming); tải nhạc (Full track music downloading); thanh toán qua thiết bị di động; WAP/Mobile Internet; quảng cáo qua thiết bị di động; định vị (location-based); truyền tải dữ liệu tốc độ cao (PC data communication); kết nối từ xa tới mạng Intranet của DN.  

Theo Lao động

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0