Dự thảo chương trình này đặt ra các mục tiêu rất tham vọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam từ nay đến 2015.
Đó là các mục tiêu 100% cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp xã sử dụng mạng truyền dẫn tốc độ cao và được cung cấp dịch vụ bảo mật bằng chữ ký số; 70% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; 100% các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ và các địa phương có thể được thực hiện trên môi trường mạng; 100% hồ sơ cán bộ công chức được quản lý trên mạng.
Trong hoạt động phục vụ người dân, dự thảo này đặt mục tiêu đến năm 2015 có 80% người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế qua mạng; 90% cơ quan hải quan các tỉnh/thành trên cả nước triển khai thủ tục hải quan điện tử; 30% các đấu thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn cho các cơ quan nhà nước được thực hiện qua mạng; 100% hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam phục vụ công tác xuất, nhập cảnh là hộ chiếu điện tử; 30% công dân Việt Nam trên 14 tuổi được cấp chứng minh nhân dân sản xuất trên dây truyền hiện đại, với một số chứng minh nhân dân duy nhất không trùng lặp, chống được làm giả.
Đối với các cơ quan nhà nước, dự thảo nêu ra mục tiêu 90% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử thường xuyên trong công việc; 90% cơ quan nhà nước các cấp sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng; 90% cán bộ, công chức có máy tính; 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử.
Thời gian góp ý cho chương trình này sẽ kéo dài trong hai tháng từ 16/10 đến 16/12/2009.
Tham khảo toàn văn và góp ý kiến cho dự thảo này tại đây.
Theo Ictnews