Thêm hy vọng cho thanh toán phi tiền mặt
Thẻ Flexicard có hai tính năng, trả trước (Prepaid) và ghi nợ (Debit). Có 2 loại thẻ FlexiCard trả trước. Thứ nhất là FlexiCard trả trước vô danh – tức người dùng mua thẻ ngay tại các cửa hàng xăng dầu, các điểm chấp nhận thẻ mà không cần đăng ký thông tin. Tuy nhiên thẻ vô danh không được nạp tiền vào thẻ và không được tham gia các chương trình khuyến mại. Loại thứ hai là thẻ FlexiCard trả trước định danh. Nghĩa là người dùng khi mua thẻ phải đăng ký thông tin. Lúc đó, họ sẽ được nạp tiền vào thẻ cũng như tham gia các chương trình khuyến mãi khi thanh toán xăng dầu tại tất cả các cửa hàng xăng dầu của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Trong khi thẻ FlexiCard trả trước không yêu cầu người dùng phải có tài khoản tại ngân hàng PG Bank, thẻ FlexiCard ghi nợ nội địa (Debit) lại yêu cầu người dùng phải có tài khoản tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), bởi nó được PG Bank phát hành trên cơ sở tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng. Với thẻ này, người dùng có thể nhận lương, thu nhập qua thẻ, thanh toán hàng hóa dịch vụ tại các điểm chấp nhận thẻ như ở nhà hàng, khách sạn, siêu thị, rạp chiếu phim, các điểm vui chơi giải trí…, đặc biệt là thanh toán chi phí mua xăng dầu tại hơn 1.700 điểm phân phối xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex cho biết thẻ FlexiCard đem lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về giảm chi tiêu bằng tiền mặt. Ông Nguyễn Quang Định, Tổng giám đốc PG Bank, cũng cho biết lợi ích nổi bật của FlexiCard là người dùng dễ dàng kiểm soát chi tiêu, giảm thời gian chờ đợi thanh toán và tránh được các rủi ro như nhầm lẫn, mất mát… khi thanh toán bằng tiền mặt.
Hiện nay, PG Bank là ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam cung cấp cho khách hàng giải pháp mua xăng dầu không dùng tiền mặt tại các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc.
Chỉ là cuộc đua của từng ngân hàng
Không chỉ PG Bank mà hiện nay các ngân hàng đều chạy đua tích hợp các dịch vụ giá trị gia tăng lên thẻ ATM. Mới đây, vào đầu tháng 10, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific đã ứng dụng tiện ích thanh toán tiền vé máy bay thông qua gần 1.000 máy ATM của BIDV. Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ các giải pháp công nghệ thanh toán từ Công ty Onepay. Ông Lê Huy Tường, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Trực tuyến OnePAY, cho biết ngoài BIDV, OnePay đang hợp tác với Vietcombank và Vietinbank và sắp tới sẽ hợp tác với một số ngân hàng khác như Ngân hàng Đông Á, Agribank. “Với tốc độ phát hành thẻ ATM tăng nhanh, từ 13,4 triệu thẻ cuối năm 2008, lên tới 17 triệu thẻ hiện nay, tiềm năng thị trường thẻ ATM tại Việt Nam rất lớn”, ông Tường nói.
Thực tế, việc tích hợp khả năng thanh toán vào thẻ ATM đã được triển khai khá lâu tại Việt Nam, như thanh toán hóa đơn điện, nước qua ATM… Một đại diện của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết Vietinbank đang phối hợp với cơ quan thuế để triển khai nộp thuế thu nhập cá nhân qua thẻ ATM. Cách đây khoảng 2 năm, Vietinbank đã hợp tác với Công ty Đường sắt Sài Gòn để mang lại tiện ích thanh toán qua ATM cho khách hàng mua vé tàu. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ này mới chỉ triển khai tại miền Nam.
Thanh toán vé tàu qua ATM, hay thanh toán hóa đơn điện, nước qua ATM, đều là những dịch vụ rất gần gũi với người dân. Tuy nhiên, các dịch vụ này vẫn chỉ “mang tiếng là có” mà chưa phổ biến với đại đa số người Việt Nam. Mặc dù tính đến cuối tháng 6/2009, toàn thị trường Việt Nam đã có khoảng 8.800 máy ATM, hơn 17 triệu thẻ ATM đang được lưu hành, và có trên 1,132 triệu người nhận lương qua tài khoản, nhưng thẻ ATM vẫn chỉ là phương tiện để người dùng rút tiền mặt và dùng tiền mặt thanh toán cho các dịch vụ, hàng hóa.
Ông Hoàng Thế Miên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP chuyển mạch tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) cho biết mặc dù các ngân hàng nỗ lực gia tăng tiện ích thanh toán cho thẻ ATM, song mục tiêu “phi tiền mặt” vẫn còn nhiều vướng mắc. “Một trong những vướng mắc là khâu chuyển khoản liên ngân hàng”, ông Miên nói.
Theo ông Miên, thẻ FlexiCard vẫn chỉ là bước đầu của nỗ lực phổ biến thanh toán phi tiền mặt, bởi hiện nay chỉ có người có tài khoản tại ngân hàng PG Bank mới có thể “rót” tiền vào thẻ FlexiCard, nếu không lại phải dùng tiền mặt để mua thẻ, như hình thức mua thẻ của thuê bao di động trả trước. Tuy nhiên, ông Miên cho rằng những người ưa công nghệ mới sẽ thử nghiệm, và khi dùng quen sẽ cảm thấy “dễ chịu”, do thời gian mua xăng dầu sẽ nhanh hơn, không phải lo ngại chuyển trả lại tiền thừa rách, giả. Mấu chốt của vấn đề và mong muốn của người dùng là dù có tài khoản ở bất kỳ ngân hàng nào cũng có thể dùng FlexiCard. Và giải pháp vẫn là: chuyển khoản liên ngân hàng. “Khi việc chuyển tiền liên ngân hàng khả thi, hệ thống mới thuận lợi, mới thực sự dẫn đến phi tiền mặt”, ông Miên nói.
Hiện nay các ngân hàng tại Việt Nam vẫn tích cực kết hợp các giá trị gia tăng vào thẻ ATM, song hầu hết chỉ là những nỗ lực độc lập của chính ngân hàng đó, chứ chưa có sự liên kết, liên ngân hàng với nhau. Ông Miên dự đoán trong 5 năm tới mọi cái có thể sẽ thuận lợi hơn.
Một đại diện của PG Bank cho biết thẻ FlexiCard cũng có thể hiểu như một loại thẻ ATM của PG Bank, vì thế nếu có tài khoản tại ngân hàng khác, không mở được FlexiCard. Hoạt động liên ngân hàng tại Việt Nam hiện mới chỉ dừng lại ở việc rút tiền.
Theo Ictnews