Đó là hai dòng ý kiến tranh luận để đi tìm “Đại học nào cho thế kỷ 21?” trong hội thảo cùng tên, vừa kết thúc ngày 17/10 tại TP.HCM với sự tham gia của hơn 60 giáo sư, nhà quản lý ĐH... trong nước và các nước thuộc châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Phải có tính chọn lọc và "đẳng cấp"
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển giáo dục Trí Việt, trường ĐH trong tương lai phải có tính chọn lọc và đẳng cấp.
“Trường ĐH dĩ nhiên không để đào tạo đại trà cho công chúng. Mà ĐH là đào tạo mang tính bậc cao” - bà Ninh nhấn mạnh.
|
Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tham gia ý kiến tại hội thảo. |
Đồng quan điểm đó, ông Altbert Chen, Giám đốc Hội Văn hóa - truyền thông Pháp cũng cho rằng trường ĐH là nơi cung cấp kiến thức và giá trị tầm cao cho SV vươn tới, tạo điều kiện để SV tiếp cận với những triết lý cao hơn. “Đó mới là mục tiêu, nhiệm vụ không thể thiếu của trường ĐH” - ông Altbert Chen nói.
Bà Ninh cũng cho biết thêm, trong xu hướng hiện nay, phải làm sao đưa “nét quốc tế” vào ĐH ở Việt Nam, hướng tới xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế theo chuẩn quốc tế.
Nói rõ hơn về “chuẩn quốc tế”, bà Ninh giải thích: “Chuẩn quốc tế”, là quá trình tích tụ những gì hay, tiến bộ được thừa nhận rộng rãi của nhiều nước trên thế giới và từ đó lấy nó làm mục tiêu để hướng đến.”
Theo bà Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao lưu văn hóa giáo dục quốc tế (ĐH Sư phạm TP.HCM) thì: kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy không thể xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế bằng cách bắt chước những thành tựu mà những trường ĐH phương Tây lừng danh đã đạt được.
“Nếu bắt chước theo các nước, như một trường nước ngoài có bao nhiêu tiến sĩ, ta có bấy nhiêu thì sẽ thất bại. Quan trọng là nhìn vào thành công của những trường đó và hiểu được vì sao họ thành công” - bà Ly chia sẻ.
Bà Ninh cũng cho rằng, mang “nét quốc tế” vào Việt Nam không phải theo một chiều mà Việt Nam phải biết làm chủ, tức có sự chọn lọc và cân nhắc xem có phù hợp hay không.
Cần ĐH đỉnh cao hay “Bán lẻ tri thức”?
Ông Bùi Văn Quỳ, đại diện Công ty Tân cảng Sài Gòn lại cho rằng: ĐH đẳng cấp quốc tế là quá xa vời đối với Việt Nam. Chúng ta phải biết nhu cầu của mình là gì?.
|
ĐH luôn là kì vọng của nhiều người. (Ảnh chờ con thi tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, kì thi ĐH, CĐ 2009) |
Theo ông Quỳ, trên thực tế, SV ở các trường ĐH ra trường, thậm chí còn không thể đáp ứng yêu cầu công việc của các doanh nghiệp trong nước.
Vì vậy, ĐH của thế kỷ 21 là phải tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và dự báo những gì sẽ xảy ra để đáp ứng cho xã hội, đoán trước được những môn học nào cần thiết cho tương lai... - ông Quý nói thêm.
Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng cho rằng, ĐH Việt Nam theo chuẩn nào thì cũng vẫn phải làm sao để SV ra trường có việc làm.
Còn ông Đào Thế Tuấn, Hội Khoa học phát triển nông thôn lo ngại : “Nước ta là nước nông nghiệp, thế nhưng, có mấy trường đào tạo về nông nghiệp? Và ở các trường có đào tạo liên quan đến nông nghiệp, SV ra trường cũng không về nông thôn để làm việc” - ông Tuấn băn khoăn.
Ông lưu ý: “Chúng ta phải nghĩ đến vấn đề này. Nếu không, đào tạo con người ra để làm gì? Và vấn đề cần nhấn mạnh là chất xám ở nông thôn đang bị hút ra thành thị”.
Bà Phạm Thị Ly lại cho rằng nếu mục tiêu là đào tạo ra những người ra trường để đi làm thì ĐH đó không thể nói là "có đẳng cấp".
Thực tế cho thấy, ở Ấn Độ, với cung cách “bán lẻ tri thức”, tức trường ĐH đào tạo để có lao động với kỹ năng dùng được ngay nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đã không giúp nước này có được trường ĐH đỉnh cao.
ĐH kiểu mới: SV có tư duy phản biện
Bà Kathryn Mohrman, Giám đốc Dự án “Tổ hợp thiết kế Đại học” cho thấy trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở Mỹ với 4 đặc điểm chính: Ưu tú về nghiên cứu, cơ sở vật chất, kinh phí đầy đủ và được tự do trong hoạt động học thuật.
Và bà cho rằng, Việt Nam không nên xem mô hình trường ĐH chuyên nghiên cứu là tốt nhất.
Theo thống kê năm 2007, số cơ sở giáo dục đào tạo nghiên cứu ở Mỹ chiếm tỷ lệ 6%, trong khi cơ sở đào tạo CĐ chiếm tới 42% và cơ sở đào tạo cử nhân chiếm 17%.
Số SV ghi danh vào các trường đào tạo bậc CĐ chiếm tỷ lệ cao nhất với 39%, các trường đào tạo nghiên cứu chiếm 28%.
Điều đó cho thấy, các trường ĐH nghiên cứu nổi danh không phải là nơi đa số SV ghi danh.
Từ đó, bà Kathryn Mohrman cho rằng: “ở Việt Nam, nên thiết lập một số định chế đa dạng, trong đó, chỉ cần một trường ĐH chuyên về nghiên cứu”.
Còn ông Brian Murphy, Hiệu trưởng Trường ĐH Cộng đồng De Anza, Califonia, Hoa Kỳ gợi ý: “Xây dựng trường ĐH mới là một chuỗi lựa chọn”.
Ông đưa ra 2 lựa chọn: Các nhà sáng lập có thể lập ra những trường ĐH lớn truyền thống nếu có đủ nguồn lực cần thiết hoặc một trường ĐH kiểu mới, thoát khỏi mô hình ĐH nặng tính hành chính với cơ cấu chính thống.
Trường ĐH kiểu mới này theo ông Brian Murphy sẽ được biết đến qua kết quả thực thụ: SV ra trường thông thạo nhiều thứ tiếng, có kỹ năng thực tiễn và tư duy phản biện, có khả năng làm chủ các công nghệ...
Theo Vietnamnet