Trước đó một ngày, trường Đại học Sư phạm TP.HCM cũng đã phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM, chương trình Fulbright VN và Báo Tia Sáng tổ chức hội thảo “Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo đại học-Cơ hội và thách thức”. Cùng lúc đó, diễn ra tại Hà Nội là một hội thảo do Hội đồng Anh phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức mang tên “Hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học”.
Chỉ trong 3 ngày đã có 3 cuộc hội thảo liên quan đến lĩnh vực đại học nhưng với một lĩnh vực hẹp là “mô hình - sự vận hành và hội nhập”, điều đó cho thấy sự quan tâm của các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia... chỉ hướng đến nền giáo dục phía bên ngoài lãnh thổ đất nước.
Phải chăng hai từ “quốc tế” đang là cứu cánh?
Một cựu quan chức cao cấp của Bộ GD-ĐT được mời tham dự hội thảo thứ nhất nhưng đã khéo léo từ chối và cho chúng tôi biết: “Xem qua chương trình với hơn 10 tham luận nhưng chỉ có 2 bài đề cập đến những vấn đề thiết thực mà VN cần rút kinh nghiệm nên tôi thấy mình có tham dự cũng không có tác dụng gì!”. Ở hội nghị cuối cùng, giáo sư Drummond Bone (Chủ tịch Ban Giám sát chương trình liên kết đào tạo Vương quốc Anh) cũng chỉ gây chú ý bằng một nhận định là khi các trường hợp tác quốc tế thì phải chú ý đến mục tiêu của sự hợp tác (!).
Chúng ta không đóng cửa trước sự hội nhập quốc tế. Sự hội nhập ngày nay sẽ giúp cho các trường đại học VN sớm và nhanh tiếp nhận được nhiều kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng và rất nhiều cơ hội khác. Tuy nhiên, chọn lựa cái gì để tiếp nhận và vận dụng những thứ tiếp nhận được vào thực tiễn như thế nào mới chính là điều cần bàn.
Cần biết rằng, các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay đều phải dạy theo một “chương trình khung” giống nhau đến 60-70%. Từ 30-40% còn lại là phần các trường có thể “mềm hóa” thông qua những nỗ lực của riêng mình như: cơ sở vật chất “hoành tráng”, trang thiết bị dạy học phong phú, hiện đại, giảng viên chuẩn (hoặc người nước ngoài), chương trình có yếu tố ngoại nhập - đặc thù cũng như giá trị bằng cấp có liên thông quốc tế hay không. PGS–TS Trần Thượng Tuấn (nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ) cho rằng số giờ lên lớp ở “trường ta” nhiều hơn khoảng 1,5 lần so với “trường tây”, nhưng lại thiên về chuyên ngành hẹp, ít gắn kết với thực tế xã hội nên sinh viên thường thiếu kỹ năng để tự làm việc và tự tích hợp kiến thức lâu dài. Chính vì thế, xu hướng của đa số các trường hiện nay là mong muốn “mềm hóa” ở khâu chương trình bằng chính sự hợp tác với bên ngoài. Thế nhưng sự hợp tác này đang bị vướng rất nhiều về thủ tục. Nếu liên kết theo dạng “mua” chương trình của nước ngoài thì bị khống chế bởi tỷ lệ 40% “chương trình khung”. Nếu liên kết theo dạng hợp tác đào tạo thì bị khống chế bởi “luật” của VN là chỉ được “liên kết ngang cấp”, tức là trường trung cấp của VN không được liên kết với trường cao đẳng, còn trường cao đẳng thì không được liên kết với trường đại học! Một yếu tố nữa làm các nhà đầu tư nước ngoài và lãnh đạo các trường trong nước đau đầu chính là thời gian hoàn thành được thủ tục liên kết mất ít nhất cũng vài năm. Khi đó, liệu tính hiện đại của chương trình liên kết có còn giá trị?
Xem ra giáo dục đại học VN rõ ràng đang ở trong một tình thế nhiều mâu thuẫn: mở cửa ra thì thấy cái gì cũng (tưởng là) hay nên ồ ạt nhập vào thiếu chọn lọc; nếu đóng cửa lại thì thiệt thòi cho sinh viên; muốn liên kết thì vướng đủ loại thủ tục; để cạnh tranh được thì chỉ có nước hoặc liên kết “lách luật”, hoặc liên kết “chui”.
Theo Thanh niên