Giá vẫn cao
Ngày 15-10, Microsoft VN tiếp tục đưa ra chương trình "hợp thức hóa bản quyền phần mềm" với tên gọi iCafe, nhằm khuyến khích các cửa hàng kinh doanh Internet mua hệ điều hành Windows 7 và bộ ứng dụng văn phòng Office với giá ưu đãi còn 30%.
Trước đó, ngày 18-9, một chương trình tương tự có tên Microsoft Open Value, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại VN mua bản quyền phần mềm của Microsoft. Chuỗi động thái này cho thấy Microsoft đang ráo riết và cụ thể hóa việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ và bản quyền phần mềm "giúp" Chính phủ VN. Đây cũng được xem như những bước đệm cần thiết trước khi Microsoft chính thức tung ra Windows 7 vào ngày 22-10.
Phải thừa nhận đây là cách tiếp cận chiến lược nhưng nhẹ nhàng, nhằm thúc đẩy việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ nói chung và thúc giục tổ chức, cá nhân ở VN mua bản quyền phần mềm. Với mức giá 49 USD cho Windows 7 và 20 USD cho bộ Office đúng là rẻ "chưa từng có tại VN".
Tuy nhiên, nếu so thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1.000 USD/năm thì giá này vẫn chưa phải là "sốc". Ngoài ra, cũng nên biết Microsoft từng chào giá 3 USD với ngành giáo dục Trung Quốc (năm 2007) cho cả Windows XP Starter Edition, Office Home & Student 2007. Tại Thái Lan, với "quy mô" chỉ như VN, năm 2003 Microsoft từng chào nước này Windows XP với giá chỉ 40 USD.
Vậy, bên cạnh những lý do về quy mô thị trường, đâu là lý do mà Microsoft phải nhượng bộ giảm giá cho các thị trường nêu trên? Trung Quốc có hệ điều hành Red Flag (Hồng Kỳ) và KingSoft Office, Thái Lan có OpenTLE (phát triển từ Ubuntu), Hàn Quốc có Hancom-Linux, Nhật Bản có TurboLinux... Các nước đều phát triển cho mình một hệ điều hành dựa vào nguồn mở (Linux) nhằm tạo sức ép về giá với Microsoft.
Việt Nam chưa có đối trọng
Ngay từ trước cũng như tại thời điểm VN gia nhập WTO, vấn đề bản quyền phần mềm với con số lên cỡ 3 tỉ USD đã được đặt ra (ước tính khoảng 6 triệu máy tính phải mua bản quyền phần mềm). Hội Tin học đề xuất xây dựng những trung tâm nghiên cứu, phát triển và phổ cập phần mềm nguồn mở. Từ năm 2000 đã khởi động các hội thảo quốc gia về phần mềm nguồn mở với các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tháng 3-2004, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 235/QĐ-TTg phê duyệt dự án "Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở VN giai đoạn 2004-2008" với chín tiểu dự án. Các đơn vị CNTT cũng sốt sắng vào cuộc và cho ra đời những Linux Distro như VNLinux, CMC-Linux, Vietkey-Linux, Hacao-Linux...
Tháng 12-2007, Bộ TT-TT cũng đã yêu cầu sử dụng các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được ngay như trình duyệt web, duyệt thư điện tử của Mozilla, phần mềm văn phòng OpenOffice trong các cơ quan, tổ chức nhà nước để làm quen.
Nhưng sau gần 10 năm với năm hội thảo quốc gia về phần mềm nguồn mở, kết quả triển khai, ứng dụng phần mềm nguồn mở ở VN quá mờ nhạt. Và trong khi không có một đối trọng nào, hàng loạt cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Bộ Tài chính, VCB, BIDV, VMS, FPT, SSI, Petrolimex... đã phải bỏ ra hàng triệu USD để hợp thức hóa bản quyền phần mềm của Microsoft theo đúng lộ trình.
Bên cạnh đó, để tăng cường kiểm soát và siết chặt Luật sở hữu trí tuệ, cả Bộ VH-TT&DL và Bộ TT-TT cùng nhận thẩm quyền thanh tra vi phạm bản quyền phần mềm. Hôm 12-10 vừa qua, thanh tra Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KHCN đã phải báo cáo sơ kết ba năm hành động, hợp tác và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời Cục Sở hữu trí tuệ cũng sẽ kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ lên 500 triệu đồng để đủ sức răn đe. Tuy đây là những bước đi cần thiết thể hiện quyết tâm, cam kết của VN với thế giới về lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng lại chưa đủ khi chỉ có "chống" mà quên "xây" một nền CNTT tương xứng, mà cụ thể là tạo ra làn sóng ứng dụng phần mềm nguồn mở trường học và đặc biệt là trong doanh nghiệp lớn của Nhà nước, vốn lâu nay vẫn ì do thói quen, sợ thay đổi và được "tiếp thị" chu đáo khi mua bán phần mềm thương mại.
Theo Tuổi trẻ