Theo chia sẻ của ông Tuấn Hoa - GĐ Ngân hàng Dữ liệu tại TPHCM, hiện cả nước có hai mô hình chính phủ điện tử tiêu biểu đáng để học tập là tại Đà Nẵng và TPHCM.
CPĐT tại TPHCM đã được bắt tay xây dựng từ năm 1996. Đến năm 2005, các ứng dụng về mô hình CPĐT được liên tục nâng cấp về công nghệ, tính năng. Hiện CPĐT tại TPHCM đã kết nối với 24 quận, huyện và các sở ngành thông suốt.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó GĐ Sở TTTT TPHCM, trong 3 năm tới, TPHCM sẽ tập trung xây dựng CPĐT ở các lĩnh vực y tế, giáo dục sau khi hoàn thành ở các lĩnh vực hành chính đối với doanh nghiệp, nhà đất... Đến tháng 3.2010, tận dụng thế mạnh của dịch vụ 3G, thành phố sẽ triển khai CPĐT di động thông qua ĐTDĐ để người dân thuận tiện sử dụng.
Hiện, TPHCM đang triển khai mạnh "hệ thống thông tin CPĐT" của FPT tại 4 sở có khối lượng công việc lớn nhất trong việc phục vụ người dân là Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch-Đầu tư và Sở Giao thông-Vận tải.
Tuy nhiên, vấn đề chính trong hội thảo là thông qua mô hình ứng dụng bước đầu thành công, Sở TTTT TPHCM muốn chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ phần mềm lõi để các tỉnh triển khai mô hình CPĐT. Đại diện Sở TTTT tỉnh Long An cho biết, tỉnh Long An học tập mô hình TPHCM và đã triển khai tại 5 huyện và 1 thành phố. Với 8 huyện tiếp theo đang được triển khai, tỉnh Long An coi như đã ứng dụng cơ bản tại các ban ngành và cơ sở. Sở dĩ TPHCM ứng dụng thành công là còn nhờ vào cơ chế.
UBND TPHCM đã có Quyết định 61 giao toàn quyền về triển khai cho Sở TTTT. Sở làm đầu mối đấu thầu mua sắm giải pháp thiết bị cho đồng bộ, đồng thời làm đầu mới triển khai và kết nối với các sở ngành. Còn đối với các tỉnh, chuyện xét duyệt kế hoạch và tiền nong thuộc thẩm quyền của sở KHĐT. Sở TTTT lập xong phương án, nhưng sở KHĐT bảo là không có kinh phí thì cũng đành chịu. Vì vậy, điều quan trọng trước tiên là cần có được cơ chế thuận lợi.
Một số sở ngành đã bày tỏ mong muốn được Sở TTTT TPHCM chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ ứng dụng. Tuy nhiên theo ông Tuấn Hoa, tốt nhất là có chỉ đạo từ Chính phủ, vì CPĐT là phạm vi cả nước, từ cơ quan hành chính cao nhất là Chính phủ, chứ không phải chỉ đối với một số tỉnh, thành.
Cũng theo ông Tuấn Hoa, các tỉnh sẽ không đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ mọi thứ cùng lúc như TPHCM. Phương án tốt nhất là học tập kế hoạch tổng thể, sau đó triển khai dần ở từng lĩnh vực bức thiết nhất.
Cùng ngày, Sở TTTT TPHCM đã phát động "Giải thưởng CNTT-TT TPHCM năm 2009". Giải năm nay gồm 5 nhóm giải thưởng: DN có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu; DN có sản phẩm phần cứng tiêu biểu; DN cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu; DN ứng dụng CNTT-TT tiêu biểu; đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT thành phố (mới bổ sung vào giải năm nay). Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 30.1.2010.
|