Cập nhật: 12/10/2009 |
Việt Nam tăng 5 điểm năng lực cạnh tranh CNTT |
|
Ghi điểm nhiều nhất ở nhóm hạ tầng và môi trường pháp lý, chỉ số cạnh tranh về CNTT của Việt Nam cải thiện nhiều trong năm 2009 trong khi các nước trong khu vực có xu hướng giảm và dậm chân tại chỗ.
|
|
|
Ông Atty Claro Parlade: “Việt Nam là một trong rất ít các quốc gia Châu Á – TBD thăng hạng trong năm 2009 và tăng tới 5 bậc”. |
Kết quả trên được thông báo trong Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh CNTT Toàn cầu năm 2009 do Cơ quan Gián điệp Kinh tế (EIU) thực hiện tại 66 quốc gia và vùng lãnh thổ theo yêu cầu của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA).
“Việt Nam là một trong rất ít các quốc gia Châu Á – TBD thăng hạng trong năm 2009 và tăng tới 5 bậc”, ông Atty Claro Parlade, Giám đốc phụ trách Chính sách phần mềm của BSA, cho biết.
Đóng góp vào thành công này là sự trưởng thành đáng kể của cơ sở hạ tầng CNTT Việt Nam trong năm 2009, thể hiện qua số người dùng máy, số người sử dụng Internet băng rộng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, lượng người dùng điện thoại di động (yếu tố mới được đưa vào trong cuộc nghiên cứu năm nay) tại Việt Nam lên tới 78,7% (tính đến hết Quý 4/2008) là bổ sung đáng kể về điểm số.
Song song với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Chính phủ Việt Nam cũng có những nỗ lực đáng kể nhằm cải thiện môi trường pháp lý, chính sách chiến lược để phát triển CNTT. Cụ thể bằng việc Quốc hội thông qua và ban hành Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, Chiến lược phát triển CNTT, có những hoạt động cụ thể, nghiêm túc trong thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền phần mềm.
Điều đáng tiếc là điểm cạnh tranh về nhân công tại Việt Nam đã giảm so với năm 2008. Lý giải điều này, ông Atty Claro Parlade cho rằng một phần do trọng số dành cho yếu tố nhân công giá rẻ được điều chỉnh thấp xuống so với năm ngoái. Việt Nam hiện vẫn thiếu nhân sự cấp cao trong lĩnh vực CNTT.
“Giá rẻ phải được thay thế bằng năng lực sáng tạo. Điều đó mới có ý nghĩa về cạnh tranh lâu dài”, ông Parlade nói. Điểm vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam vẫn giữ nguyên như năm 2008 mặc dù Chính phủ đã có những bước đi quyết liệt. Ông Đào Anh Tuấn, Trưởng đại diện BSA tại Việt Nam, cho rằng những hoạt động của Chính phủ đã tác động mạnh mẽ tới môi trường doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, mức độ gia tăng máy tính tại các doanh nghiệp nhỏ và người dùng cá nhân trong năm 2009 rất cao. Những phần mềm cài đặt trái phép tại nhóm người dùng này khiến tỷ lệ vi phạm BQPM ở VN vẫn duy trì ở mức 85% trong năm 2009.
Đây là năm thứ 3 EIU thực hiện bản nghiên cứu đánh giá Năng lực Cạnh tranh CNTT nhằm đánh giá và so sánh môi trường phát triển công nghệ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Bản nghiên cứu nhằm mục đích xác định những lĩnh vực mà quốc gia cần chú trọng để nâng cao tính cạnh tranh cho ngành CNTT.
Theo bản báo cáo năm 2009, Mỹ, Phần Lan và Thụy Điển là 3 quốc gia có chỉ số cạnh tranh CNTT cao nhất. Tại khu vực Châu Á – TBD, “số ít” quốc gia vẫn tăng hạng trong năm nay là Trung Quốc (Đại lục) và Ấn Độ, mặc dù chỉ số cao nhất khu vực vẫn thuộc về Australia, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
Theo Vietnamnet |