|
(Nguồn: crownheights.info) |
Dù có suy thoái hay không thì nước Mỹ vẫn là sân chơi tuyệt vời nhất để các công ty công nghệ "làm ăn", nghiên cứu mới nhất của Economist Intelligence Unit cho biết.
Kết quả trên được EIU đưa ra sau khi phân tích dữ liệu của 66 quốc gia và vùng lãnh thổ, chẳng hạn như môi trường kinh doanh nói chung, mức độ phổ cập của cơ sở hạ tầng công nghệ, sức mạnh và độ minh bạch của hệ thống pháp lý, năng lực con người (có trình độ cao và tay nghề kỹ thuật).
Là mái nhà của những tập đoàn công nghệ có tiếng nhất thế giới như IBM, Oracle, Intel, Apple, HP và Google, năm nào Mỹ cũng đứng đầu danh sách. Tuy nhiên, xứ sở Nữ thần Tự do vẫn khá yếu trong một số lĩnh vực then chốt, chẳng hạn như về hạng mục nghiên cứu và phát triển (chiếm tới 25% tổng số điểm), Mỹ chỉ đứng ở vị trí số 5, thua xa Quán quân Canada và hai nước khác là Singapore và Israel.
Phần Lan nhảy vọt
Việc Phần Lan vươn lên ngoạn mục để chiếm lĩnh vị trí á quân, thay thế Đài Loan là một sự kiện rất đáng chú ý. Quốc gia Bắc Âu với dân số vẻn vẹn 5,3 triệu người này chính là quê hương của gã khổng lồ di động Nokia. Việc Phần Lan nhảy từ vị trí 13 trong bảng xếp hạng năm ngoái lên vị trí số 2 năm nay một phần là do EIU đã thay đổi phương pháp nghiên cứu.
Các tác giả đã sử dụng dữ liệu của Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu để xem mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ khảo sát có bao nhiêu bằng sáng chế được cấp, tính trên mật độ 100 người dân. Năm ngoái, cuộc nghiên cứu chỉ lấy số liệu ước tính mà thôi. Ngoài ra, nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ (cả từ nhà nước lẫn các doanh nghiệp tư nhân) cho R&D, kết hợp với môi trường kinh doanh lành mạnh nói chung, Phần Lan đã có sự tăng tốc chóng mặt.
Thụy Điển, quốc gia láng giềng của Phần Lan và cũng là mái nhà của đại gia mạng không dây Ericsson đứng ở vị trí số 3. Đài Loan đã trượt dốc từ vị trí Á quân năm ngoái xuống hạng 15. Đồng cảnh ngộ là Hàn Quốc khi nước này tụt từ hạng 8 xuống hạng 16.
Ngoài sự sảy chân nổi bật của Đài Loan và Hàn Quốc, 19 cái tên trong Top 20 của năm ngoái vẫn được xướng lên. Quốc gia duy nhất rớt ra khỏi Top 10 là Áo (bị thay thế bởi Bỉ).
Đứng ở vị trí thứ 4 là Canada, "nguyên quán" của RIM, hãng sản xuất ra thương hiệu smartphone BlackBerry danh tiếng. Nhờ vào phong độ xuất sắc ở hạng mục R&D mà thứ hạng của Canada đã được cải thiện 2 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái.
Mỹ tụt hạng
Việc Mỹ chỉ đứng thứ 5 trong hạng mục R&D nhiều khả năng sẽ đổ thêm dầu vào cuộc tranh luận nảy lửa về vai trò của chính phủ, trong việc khuyến khích, hỗ trợ và đầu tư cho các công trình nghiên cứu, sáng tạo.
Thứ hạng của Mỹ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng công nghệ thậm chí còn bi đát hơn, khi nước này chỉ đứng thứ 7, xếp sau một loạt quốc gia châu Âu như Đan Mạch, Thụy Sĩ và Hà Lan. Một phần căn nguyên là do tỷ lệ phổ cập băng thông rộng tại Mỹ còn ở mức thấp. "Họ có nhiều máy tính nhưng khả năng truy cập băng rộng lại bị giới hạn. Thực tế này đã ảnh hưởng rất nhiều tới sức cạnh tranh của Mỹ", EIU cho biết.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn có thể hiện khá tốt ở khâu đào tạo nguồn nhân lực. Các trường đại học của Mỹ vẫn là cái nôi kỹ sư và nhân sự công nghệ tốt nhất thế giới. Cuộc nghiên cứu đã chấm cho Mỹ 75,6 trên tổng số 100 điểm, bỏ khá xa nước đứng ở vị trí thứ hai là Hàn Quốc (58,9 điểm). Đứng sát sau lưng Hàn Quốc là Anh và Trung Quốc. Theo EIU thì Trung Quốc đang đặc biệt cố gắng trong việc đào tạo kỹ sư IT ở môi trường đại học.
Cuối cùng, Mỹ cũng đứng đầu thế giới về chất lượng của môi trường pháp lý khi đạt 92 trên tổng số 100 điểm, đánh bại đối thủ gần nhất là Úc. Sức mạnh của môi trường pháp lý được thể hiện ở các cơ chế bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ và việc thực thi luật chống tội phạm mạng. Ba nước còn lại góp mặt trong Top 5 bao gồm Bỉ, Thụy Sĩ và Đan Mạch.
Theo Vietnamnet