“Tình hình có vẻ ngày càng xấu đi, bởi nếu năm 2007 Việt Nam đứng thứ 10 thì năm 2008 Việt Nam đã đứng hàng thứ 8 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về các hoạt động phát tán mã độc”, bà Suzie Tan, Giám đốc Symantec tại Việt Nam nhận xét.
Các hoạt động phát tán mã độc, theo Symantec, gồm các máy tính bị kích hoạt vào mạng máy tính ma (botnet), lưu ký các website lừa đảo (phishing), các loại mã độc, các ổ phát tán spam (spam zombies) và những căn cứ thực hiện các vụ tấn công mạng.
Thống kê của hãng bảo mật Symantec cũng cho thấy trong giai đoạn 2007-2008, số lượng spam trên toàn cầu đã tăng với tốc độ chóng mặt – 192%. Riêng trong năm 2008, các chuyên gia Symantec đã phát hiện 5.471 lỗ hổng bảo mật mà 80% trong số đó đã bị giới tội phạm mạng khai thác rất dễ dàng. Số lượng máy tính gia nhập “đội quân” botnet cũng trong năm 2008 là khoảng 75.000 máy, tăng tới 31% so với năm 2007.
Có khoảng 285 triệu bản ghi dữ liệu đã bị đánh cắp trên mạng chỉ trong năm 2008, lớn hơn rất nhiều so với con số 230 triệu bản ghi bị đánh cắp từ năm 2004 đến năm 2007, theo thống kê của Symantec. Thông tin chi tiết về thẻ tín dụng chiếm khoảng 32% số lượng hàng hóa được quảng cáo rao bán trên các máy chủ của nền kinh tế ngầm. Còn những vụ chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ (các phát minh, sáng chế, công thức pha chế…) qua mạng đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp trên toàn cầu khoảng 600 tỉ USD mỗi năm.
“Có 4 nguyên nhân chính khiến các mối đe dọa bảo mật ngày càng gia tăng. Thứ nhất là sự quản lý yếu kém trong cơ sở hạ tầng mạng thông tin. Thứ hai là các tổ chức, doanh nghiệp và cả các cơ quan chính phủ không xây dựng đầy đủ các chính sách về CNTT. Thứ ba, bản thân thông tin cũng không được bảo vệ một cách nghiêm ngặt và đúng quy trình. Và cuối cùng là sự yếu kém trong việc quản lý các thiết bị đầu cuối”, bà Suzie Tan nói. Cũng theo bà Suzie Tan, có đến 90% các sự cố an ninh mạng có thể tránh được nếu người dùng cập nhật các bản vá lỗi một cách thường xuyên.
Theo Ictnews