Sau ý kiến nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về “Nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhà trường và doanh nghiệp phải giải quyết dứt điểm vấn đề đào tạo không đúng nhu cầu, đồng thời trong lĩnh vực CNTT cần quốc tế hoá trình độ đào tạo” tại phiên họp của BCĐ quốc gia về CNTT ngày 15/9, Báo BĐVN đã phỏng vấn PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Viện trưởng Viện CNTT-TT thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội - một trong những đơn vị đào tạo CNTT hàng đầu về việc rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo đại học (ĐH) và nhu cầu doanh nghiệp (DN) CNTT.
Nhiều ý kiến cho rằng, khoảng cách giữa đào tạo ĐH và nhu cầu DN CNTT đang ngày càng xa, đa số sinh viên tốt nghiệp ra trường đều phải trải qua quá trình “đào tạo lại” của DN. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng, vấn đề đào tạo lại của DN khi sử dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường là cần thiết vì mỗi DN có văn hóa doanh nghiệp riêng, có những lĩnh vực công nghệ đặc thù, đòi hỏi các cán bộ có những kỹ năng công nghệ và văn hóa làm việc theo các đặc thù đó. Ngược lại, các sinh viên khi ra trường chỉ được đào tạo các kiến thức cơ bản, các kỹ năng công nghệ mang tính phổ biến. Vì thế, các DN luôn cần phải đào tạo lại tại DN mình. Điều đó là phổ biến, kể cả các nước tiên tiến.
Ý kiến nhận định “khoảng cách giữa đào tạo ĐH và nhu cầu DN CNTT đang ngày càng xa” là không xác đáng, vì theo tôi, cả DN và cả nhà trường đều nhận thức được vấn đề này, và tất cả đều cố gắng làm việc để nguồn nhân lực CNTT của chúng ta không bị tụt hậu so với khu vực.
Xin ông cho biết đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến sự không gặp nhau của nhu cầu DN và công tác đào tạo ĐH ở nước ta hiện nay?
|
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Viện trưởng Viện CNTT-TT thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội |
Tôi cho rằng có 4 nguyên nhân chính dẫn đến sự không gặp nhau của nhu cầu DN và công tác đào tạo ĐH ở nước ta hiện nay. Thứ nhất, chưa có những nghiên cứu đầy đủ và cụ thể về nhu cầu nguồn lực CNTT-TT, kèm theo những yêu cầu về chất lượng, các yêu cầu cụ thể với từng vị trí làm việc trong DN và quy trình đảm bảo chất lượng về nhu cầu của DN CNTT. Để làm được điều này rất cần sự phối, kết hợp của Nhà nước, các tổ chức xã hội, hiệp hội, các DN và các trường ĐH. Thứ hai, cơ chế quản lý giáo dục ĐH của các trường công lập hiện nay có nhiều bất cập, dẫn tới việc đầu tư cho dạy và học đảm bảo chất lượng một cách liên tục rất khó khăn. Ví dụ, với 500 sinh viên CNTT/khóa, theo chế độ học phí như hiện nay, các khoa CNTT sẽ rất khó có kinh phí khoảng 1 tỷ đồng/năm để duy trì, bảo dưỡng các phòng máy khoảng 300 máy tính phục vụ công tác đào tạo công nghệ. Thứ ba, các DN CNTT-TT vẫn chưa quan tâm đúng mức tới việc hỗ trợ các trường ĐH trong đào tạo, hoặc coi việc “đào tạo lại” là một dịch vụ bổ sung trong hoạt động kinh doanh của DN, dẫn tới việc lãng phí thời gian và kinh phí của người học trong quá trình học ĐH. Thứ tư, nhận thức của chính người học trong việc đầu tư cho học tập. Hiện tại tỷ lệ sinh viên không nhận thức được việc cần phải học ngoại ngữ, phải học tập và tìm hiểu công nghệ, không sẵn sàng đầu tư thời gian và kinh phí cho việc học tập những kiến thức bổ trợ này là khá cao. Nhà trường, gia đình và xã hội cần có những giải pháp dài hạn để nâng cao nhận thức cho sinh viên, cho lớp trẻ về sự cần thiết để đầu tư cho học tập có ích.
Theo ông, đâu là mô hình lý tưởng, là giải pháp hữu hiệu mà các đơn vị đào tạo cần thực hiện để có thể rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo ĐH và nhu cầu DN?
Một sinh viên tốt nghiệp ĐH được coi là đáp ứng chuẩn, đáp ứng nhu cầu của xã hội khi sinh viên đó có đủ 4 khối kiến thức và kỹ năng làm việc gồm: kiến thức nền tảng, kỹ năng công nghệ, kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Việc rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo ĐH và nhu cầu DN đặc biệt quan trọng trong nâng cao 3 kỹ năng cho người học: kỹ năng công nghệ, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Giải pháp hữu hiệu theo tôi, cần có sự tham gia của 4 yếu tố - 4 nhà gồm: nhà trường, DN, người học và cơ quan quản lý/Chính phủ với các chính sách phù hợp.
Cụ thể, nhà trường cần theo dõi các dự báo nguồn nhân lực, các xu hướng công nghệ để có thể thay đổi cần thiết một số môn học lựa chọn liên quan đến công nghệ trong chương trình đào tạo. Các DN có thể ký các hợp đồng sớm với người học, để tạo môi trường thuận tiện cho người học tìm hiểu văn hóa DN, kỹ năng mềm, định hướng công nghệ để rút ngắn tối đa thời gian đào tạo lại. Người học có thể tham gia các dự án, thực hiện thực tập, hoặc làm đồ án tốt nghiệp On-Site tại DN theo những đề tài thực tế từ DN. DN phối hợp với nhà trường tạo môi trường như vậy, để trả một phần các kinh phí đào tạo, đồng thời cũng là cơ chế “chọn được người tài”. Các cơ quan quản lý tạo các chính sách phù hợp để tạo mối quan hệ hữu cơ giữa 3 yếu tố trên.
Đồng thời, hàng năm viện/trường cần có một khoản kinh phí thích hợp để làm các nghiên cứu thị trường, dự báo những nhu cầu của thị trường về nguồn lực để có những điều chỉnh phù hợp trong chương trình đào tạo và thực hiện giảng dạy. Trên thực tế, để tạo môi trường đào tạo tốt, chi phí đào tạo sinh viên ngành CNTT có thể lên khoảng 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng (thời giá năm 2009). Thời gian 4-5 năm học ĐH sẽ mất học phí khoảng 40-50 triệu đồng. Ngoài các hình thức vay ngân hàng hiện nay, các em sinh viên có thể vay trước những DN sẽ nhận mình vào làm việc. Khi ra trường, các em sẽ có mức lương từ 5-10 triệu đồng/tháng. Có nghĩa là thu nhập 1 năm sẽ hoàn trả được học phí ĐH.
Nhận định của ông về mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và DN trong hoạt động đào tạo? Mối quan hệ này góp phần như thế nào vào việc đào tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội?
Chúng ta có thể hình dung là người học ở bậc ĐH sẽ đi qua công đoạn cuối trong quá trình đào tạo, sau đó đến với DN làm việc. Tất nhiên, trong quá trình làm việc, họ vẫn không ngừng phải tiếp tục học. Như vậy, có thể coi giai đoạn đào tạo ĐH là giai đoạn đặc biệt quan trọng, hoàn thiện các kiến thức và kỹ năng. Mối quan hệ hợp tác giữa DN và nhà trường đặc biệt quan trọng, giúp cho người học được định hướng và hoàn thiện tốt nhất dưới góc độ sản phẩm đào tạo.
Theo đặc thù ngành CNTT, Viện CNTT-TT (ĐH Bách Khoa Hà Nội) có quan điểm chia DN thành 2 lớp là: DN “đẩy” và DN “kéo”. Các DN “đẩy” là các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như IBM, Microsoft, Sun, Oracle, Intel... Họ cung cấp rất nhiều công nghệ tiên tiến, thay đổi nhanh chóng (3-6 tháng lại thay thế các phiên bản) và rất mong muốn nhà trường hỗ trợ để sinh viên sử dụng công nghệ của họ. Hiện tại, Viện phát triển rất tốt mối quan hệ với các DN này, khuyến khích sinh viên sử dụng những chương trình hỗ trợ của các công ty, lấy các công cụ để học tập. Hàng năm, số lượng sinh viên Viện CNTT-TT thi đạt các chứng chỉ công nghệ không ngừng tăng lên. Còn các DN “kéo” là các DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, sẽ sử dụng nguồn nhân lực là các kỹ sư, cử nhân của chúng tôi sau khi tốt nghiệp. Việc kết hợp với các DN “kéo” giúp đỡ nhà trường trong định hướng việc làm cho sinh viên đang học, hỗ trợ các em trong học tập kỹ năng công nghệ, trong thực tập, trong tìm hiểu thực tế và hấp thụ văn hóa DN để nâng cao kỹ năng mềm làm việc.
Xin cảm ơn ông!
Theo Ictnews