Mỗi sáng đến cơ quan, Đặng Kim Long, Phó trưởng Ban thường trực Ban Thư ký Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009 (Vietnam ICT Awards 2009) nhận được hàng tá e-mail nhận xét, góp ý kiến cho Thể lệ Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009. Tiếp đó là chạy như con thoi tới các cuộc tiếp xúc lấy ý kiến trực tiếp các chuyên gia, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề. Công đoạn cuối cùng anh Long phải làm - nhưng tưởng như kéo dài vô cùng bởi không ngày nào là không có ý tưởng mới, đóng góp đầy nhiệt huyết - là soạn dự thảo thể lệ mới dựa trên thể lệ năm 2008 và các ý kiến đóng góp để Ban chỉ đạo Giải thưởng thảo luận, điều chỉnh trước khi ban hành.
“Năm đầu tiên có cái khó của lần đầu tiên. Năm tiếp theo dù được kế thừa sự thành công của lần đầu nhưng việc đánh giá xét trao Giải thưởng đứng trước sức ép phải có dấu ấn của sự đổi mới, sáng tạo và tất nhiên là bám sát định hướng phát triển CNTT-TT của Chính phủ”, anh Đặng Kim Long nói. Anh Long đồng thời là Trưởng Ban CNTT-TT của Báo Bưu điện Việt Nam, đơn vị được Bộ TT&TT giao trách nhiệm là cơ quan thường trực Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam.
Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam được trao vào tháng Ba hàng năm nhằm tôn vinh các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT có thành tích xuất sắc trong năm trước, có các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ phục vụ khách hàng với chất lượng cao nhất; và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT hiệu quả để phục vụ nhân dân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Giải thưởng 2008 lần đầu tiên được trao vào tháng 3/2009 tại Hà Nội.
Huy động các cơ quan của Bộ TT&TT vào cuộc
Vào cuối tháng Năm, trong thông báo của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT Nguyễn Thiện Nhân có đặt ra yêu cầu trong năm 2009 đối với Bộ TT&TT là thăm dò ý kiến về kết quả và tác dụng của Giải thưởng CNTT-TT quốc gia năm 2008 để hoàn thiện cho các năm tiếp theo.
Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp cũng nhấn mạnh Giải thưởng là một trong những hoạt động lớn của Bộ, yêu cầu các cơ quan của Bộ, các Sở TT&TT vào cuộc, xem đó là một phần trong nhiệm vụ của mình. Bộ trưởng đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ngoài hoạch định cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch, thanh tra, kiểm tra thì hoạt động thưởng, phạt phải kịp thời, nghiêm minh và công bằng. Chính vì vậy, Giải thưởng cũng là một trong những nội dung hoàn thiện tốt chức năng nhiệm vụ của Bộ.
Với tinh thần huy động các cơ quan của Bộ tham gia vào hoạt động tổ chức, Giải thưởng, Bộ trưởng giao trách nhiệm Trưởng ban chỉ đạo Giải thưởng cho mỗi Thứ trưởng lần lượt theo năm. Thứ trưởng Trần Đức Lai là người “lĩnh ấn tiên phong”, làm Trưởng ban Chỉ đạo Giải thưởng đầu tiên. Đến năm nay, trọng trách Trưởng ban Chỉ đạo được trao lại cho Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng. Các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Cục, Vụ và Viện trực thuộc Bộ, có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng Thể lệ trao tặng Giải thưởng và triển khai các hoạt động tổ chức Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam năm 2009. Trong đó, Cục Ứng dụng CNTT, Vụ Viễn thông, Vụ CNTT và Viện Tin học Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đơn vị phối hợp) trực tiếp xây dựng tiêu chí xét giải cho năm 2009.
Một điều không thể không kể tới là vai trò của các Sở TT&TT. Là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT-TT ở địa phương, các Sở tiếp tục là một giám khảo vòng sơ loại đầu tiên bằng cách lựa chọn giới thiệu cơ quan, doanh nghiệp ở địa phương tham gia Giải thưởng và hỗ trợ các Hội đồng xét giải thẩm định thực tế những hồ sơ doanh nghiệp cơ quan nhất định.
Có thể nói, mặc dù việc xây dựng tiêu chí, xem xét, đánh giá những doanh nghiệp, cơ quan tham gia Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam trên nguyên tắc là do Ban chỉ đạo, các Hội đồng sơ khảo, chung khảo quyết định nhưng trên thực tế, đó là cả một quá trình liên tục, mang dấu ấn của các cơ quan của Bộ TT&TT, từ trung ương cho đến địa phương.
Thách thức vươn tới sự hoàn thiện
Thể lệ là linh hồn của Giải thưởng hay nói cách khác, Giải thưởng thành công hay không trước hết phụ thuộc và thể lệ. Mặc dù Thể lệ Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam năm 2008 đã được soạn thảo công phu, bám sát thực tế và định hướng của Nhà nước về phát triển CNTT-TT nhưng yêu cầu đổi mới để hoàn thiện hơn là một tất yếu. Ngay sau khi trao Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam năm 2008, Ban Chỉ đạo Giải thưởng đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến cho Giải thưởng năm 2009. Ngoài ra, có nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi đến Cơ quan thường trực Giải thưởng đóng góp cho thể lệ. Tất cả đều có lý lẽ hợp lý, xác đáng và thể hiện nhu cầu của xã hội.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong mỏi Giải thưởng mở rộng đối tượng tới các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài có đóng góp cho sự phát triển CNTT-TT tại Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh an ninh mạng đang ngày càng “nóng” hiện nay, thì nên có giải thưởng cho sản phẩm hoặc dịch vụ an ninh mạng. Việt Nam là một thị trường tiêu thụ sản phẩm CNTT lớn, việc đánh giá chất lượng dịch vụ phân phối, bảo hành rất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng, vậy nên sao không trao giải thưởng cho các nhà phân phối. Hoặc như CNTT-TT là một lĩnh vực non trẻ và sự phát triển của ngành có sự đóng góp quan trọng của nhiều doanh nghiệp mới năng động, sáng tạo. Những doanh nghiệp như vậy rất đáng được tôn vinh và khuyến khích.
Song trong quá trình xây dựng thể lệ, có hai vấn đề nổi bật được đặt ra đối với Giải thưởng năm 2009 là có nên tiếp tục duy trì giải “xuất sắc nhất” và làm thế nào để Giải thưởng không phải chỉ là sân chơi của những “ông lớn” như FPT, Viettel, VDC, MobiFone… mà chia đều cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp hay cơ quan dù ở quy mô nào. Tất nhiên, không thể hạn chế việc doanh nghiệp, cơ quan đạt nhiều giải trong một năm hoặc đoạt giải liên tục trong các năm bởi họ thực sự xứng đáng như vậy.
Điều này thể hiện ngay ở lĩnh vực viễn thông, một lĩnh vẫn là “nóng” nhất từ khi xây dựng thể lệ. Bởi lẽ, thực tế tuy thị trường di động, Internet hay điện thoại cố định cạnh tranh khốc liệt nhưng số lượng doanh nghiệp có hạn và đã phân chia thành hai nhóm có quy mô thị phần đối lập. Các doanh nghiệp lớn cạnh tranh sát sao nên việc đánh giá giải thưởng không đơn giản, trong khi đó các doanh nghiệp mới hay có quy mô thị phần nhỏ cũng xứng đáng được khích lệ bởi họ góp phần làm thị trường cạnh tranh hơn, cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, chưa kể họ cũng có sự sáng tạo trong kinh doanh mà thậm chí các doanh nghiệp lớn cũng phải dè chừng. Chính vì thế, thể lệ, tiêu chí đối với lĩnh vực viễn thông được các cán bộ Vụ Viễn thông trực tiếp tham gia soạn thảo. Tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo, lĩnh vực viễn thông thường được để lại sau cùng và mất nhiều thời gian thảo luận nhất.
Cuối cùng, sau nhiều lần bàn thảo, tiếp thu hàng trăm ý kiến, Thể lệ Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam năm 2009, bản dự thảo lần thứ 7, đã được Trưởng Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng ký quyết định ban hành. “Có nhiều điểm mới và đảm bảo mục tiêu khuyến khích sáng tạo, đổi mới trong ngành CNTT-TT”, anh Đặng Kim Long nói về bản Thể lệ mới, “CNTT-TT là ngành vận động, phát triển không ngừng và chúng tôi tin rằng Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam phản ánh được đúng thực tế đó”.
Chúng tôi rất vui mừng khi là một trong những nhà tài trợ chính cho Giải thưởng CNTT - TT Việt Nam 2009 và tin tưởng rằng đây là một cách thiết thực nhất để tham gia thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của ngành công nghiệp CNTT-TT Việt Nam.
Nhiều tổ chức tại Việt Nam đã và đang xây dựng cho mình một hạ tầng CNTT mạnh để cải thiện hiệu quả hoạt động, cải thiện hiệu quả của các chi phí và phát triển dịch vụ của họ trên một phạm vi địa lý rộng lớn hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi những xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, những công nghệ, những giải pháp và dịch vụ hiện đại chắc chắn sẽ đưa lĩnh vực CNTT-TT Việt nam phát triển lên một tầm cao mới. Và Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam là một bước quan trọng trong việc nhận diện và khuyến khích sự phát triển này.
(Bà Suzie Tan, Giám đốc Symantec tại Việt Nam)
Giải thưởng CNTT – Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Awards) là sự cổ vũ động viên rất lớn và cũng là hình thức khẳng định vụ thế của các mạng di động. Đây cũng là động lực để tất cả các mạng di động cùng hoàn thiện hơn, để phục vụ tốt hơn cho xã hội.
Đối với MobiFone sau khi đoạt được giải thưởng Mạng di động xuất sắc nhất năm 2008 và Mạng di động chăm sóc khách hàng tốt nhất do Vietnam ICT Awards trao tặng đã không ngừng phấn đấu hoàn thiện mình.
(Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone)
Sau khi VDC lập “hat trick” trong giải thưởng Vietnam ICT Awards, đây là sự vinh danh và ghi nhận của cơ quan quản lý đối với một doanh nghiệp. Tôi cho rằng, giải thưởng Vietnam ICT Awards đã đem lại lợi thế về maketing cho doanh nghiệp, thế nhưng cái quan trọng hơn là chính bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực hơn để nâng cao năng lực phục vụ khách hàng và sức cạnh tranh trên thị trường.
(Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc VDC)
Giải thưởng Cơ quan Nhà nước Trung ương ứng dụng CNTT hiệu quả nhất năm 2008 do Bộ TT&TT trao tặng có ý nghĩa lớn đối với Tổng cục Hải quan. Đó là một dấu mốc nhấn mạnh sự phát triển liên tục và bền vững của ngành, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, hoạt động nghiệp vụ Hải quan. Ngành Hải quan đặt mục tiêu đến năm 2010 mở rộng hệ thống thông quan điện tử trong phạm vi cả nước, phấn đấu đạt 90% thực hiện khai báo hải quan qua mạng, cung cấp các dịch vụ công qua giao dịch điện tử như cổng thông tin điện tử tương tác với doanh nghiệp…
(Ông Chu Văn Nhân, Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan)
Theo Ictnews