Thứ tư, 31/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 18/09/2009
Góp ý cho “Dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin” ?

(VAIP, 18/9) TS. Nguyễn Quang A nguyên Chủ tịch Hội  Tin học Việt Nam nhiệm kỳ III vừa rồi đã gửi góp ý cho “Dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin”. VAIP hân hạnh được giới thiệu toàn văn góp ý quan trọng này cùng các hội viên.

Ngày 4-9-2009 trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin Truyền thông bắt đầu lấy ý kiến góp ý cho “Dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin”. Thời hạn góp ý là ngày 30-9-2009. Cho đến 16-9-2009 vào trang thông tin điện tử đó chỉ thấy vẻn vẹn 3 ý kiến.

Trên trang thông tin này có thể thấy dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án, và  có thể thấy 3 ý kiến vừa nêu. Song không thể tìm thấy bản thân Đề án, cái đối tượng mà quyết định của thủ tướng phê duyệt, ở đâu cả.

Tôi thực sự  phân vân. Người ta lấy ý kiến của người dân góp ý cho Đề án hay cho Dự thảo quyết định phê duyệt đề án? Đọc đi đọc lại thấy chính xác là lấy ý kiến về dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt đề án.

Tôi nghĩ quyết  định của Thủ tướng, phê duyệt một đề  án nào đó không phải là đối tượng để lấy ý kiến góp ý của dân, đối tượng phải chính là đề án. Có lẽ có sự lẫn lộn về khái niệm ở đây.

Một đề  án là một công việc cộng tác, thường kéo theo việc nghiên cứu và thiết kế, được lên kế hoạch cẩn trọng nhằm đạt một mục tiêu cụ thể nào đó. Theo Wikipedia, một đề án tốn trên 1 tỷ USD, thu hút rất nhiều ý kiến của công chúng vì nó có những tác động lớn lên cộng đồng, môi trường và ngân sách thì đề án được gọi là siêu đề án (megaproject).

Theo phụ lục gắn với dự thảo quyết định, đề án này có tổng kinh phí dự kiến là 144.148 tỷ đồng (tương đương cỡ 8 tỷ USD) chia ra hai giai đoạn: 2010-2015 dự kiến 54.998 tỷ đồng (cỡ 3 tỷ USD) và 2016-2020 dự kiến 89.150 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD). Tác động của đề án này lên cộng đồng, xã hội và ngân sách thật to lớn.

Như thế  dù ở giai đoạn nào, theo tiêu chuẩn quốc tế, đề án này đều được liệt vào loại siêu đề án. Đề án ấy ở đâu? Tôi không thể tìm thấy trên trang thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phê duyệt  đề án là việc người có thẩm quyền xem xét và đồng ý thông qua đề án do cấp dưới trình lên.

Không hiểu các cơ  quan cấp dưới của Thủ tướng đã trình đề  án đó lên chưa? Nếu có cái đề án như vậy, tôi nghĩ, nó phải là một tài liệu cỡ mấy trăm trang, nếu không dài hơn, bao gồm: những nghiên cứu về thực trạng; các mục tiêu; các biện pháp chính để đạt các mục tiêu đó xuất phát từ hiện trạng; các kế hoạch; các kết quả dự kiến; những cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện; những dự kiến thay đổi; dự trù kinh phí và nguồn kinh phí, v.v.

Nội dung chính của  đề án được nêu trong điều 1 của dự thảo Quyết định (phần này có 817 chữ); rồi đến các quan điểm chính; 6 nhiệm vụ chính; và 4 giải pháp chính (tổng cộng phần nội dung nêu trong điều 1 dự thảo có 3.803 chữ tất cả). Tôi chưa xét đến nội dung của tóm tắt đề án. Hãy chỉ xét về độ dài của tóm tắt, tóm tắt nội dung của một siêu đề án chỉ dưới 4 ngàn chữ chắc là ngắn và hẳn phải rất súc tích và cô đọng.

Khó có thể  góp ý kiến cho một bản tóm tắt cô đọng của một siêu đề án. Theo tôi, đó là việc không thể.

Còn góp ý  kiến cho một dự thảo quyết định phê duyệt  đề án là công việc của các quan chức hành chính và pháp lí: xem hình thức của dự thảo quyết định có tuân thủ các quy định hay không. Việc đưa ra cho nhân dân, nhất là các chuyên gia công nghệ thông tin, góp ý kiến là không cần thiết. Họ không phải là các chuyên gia hành chính, họ có thể góp ý kiến nhưng do không là các chuyên gia ý kiến của họ có thể không thỏa đáng. Sự phân công lao động như vậy là không hợp lí, không hiệu quả. Tốn thời gian, công sức mà kết quả thì chắc hẳn là không hay.

Cái mà người dân quan tâm và muốn góp ý kiến là bản thân đề án, tác động của đề án  đến đời sống của họ, đến tương lai của con cháu họ. Các chuyên gia CNTT có thể góp ý kiến về các mặt kỹ thuật và công nghệ của  đề án. Các nhà kinh tế có thể góp ý kiến của họ về tác động kinh tế, về tính hiệu quả, về dự trù kinh phí, v.v. Các chuyên gia về quản trị dự án có thể đóng góp ý kiến của họ về mặt quản trị dự án. Các chuyên gia về đào tạo có thể góp ý kiến xác đáng của họ về nguồn nhân lực. Vân vân và vân vân. Xây dựng đề án là một quá trình cộng tác. Đề án càng lớn càng cần phải được xây dựng một cách cẩn trọng. Hình như tôi chưa thấy quá trình xây dựng đề án này diễn ra.

Chỉ sau khi đã xây dựng xong đề án, thì mới có cái để đệ trình lên và sau đó mới có thể nói đến chuyện phê duyệt. Sự phân công lao động là vậy.

Vậy Thủ tướng sẽ phê duyệt đề án nào? Đề nghị  đưa công khai cái đề án đó ra để người dân góp ý. Hay không có cái đề án mà  tôi tìm mãi không thấy và Thủ tướng sẽ  chỉ kí đúng cái quyết định dựa trên chính bản dự thảo quyết định dài 10 trang, gồm 4 điều và 3 trang phụ lục chứa 6 chương trình/dự án với tổng kinh phí dự trù gần 150 ngàn tỷ đồng?

Lấy ý kiến  đóng góp của người dân, chuyên gia là một việc tuyệt vời. Nhưng nếu lầm lẫn giữa góp ý cho đề án và góp ý cho dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt đề án đó, thì là sự nhầm lẫn tai họa. Có thể biến việc góp ý kiến trở thành hình thức và như thế sẽ chỉ gây tác hại khôn lường.

Đây là một siêu đề án có kinh phí gấp cả trăm lần kinh phí của đề án 112. Bài học 112 còn nhỡn tiền.

Hãy suy ngẫm lại  về quy trình, hãy đóng góp cho đề án. Nếu không thì góp ý kiến chỉ là việc hình thức, tốn công, vô ích và tạo cớ hợp pháp cho sự lãng phí tiền của của nhân dân.

Nguyễn Quang A

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0