Ứng dụng CNTT trong hoạt động chăm sóc, khám chữa bệnh đang là một xu thế tất yếu của ngành Y tế. Nhiều bệnh viện đã có một mô hình hoạt động khoa học, hiệu quả hơn khi triển khai phần mềm công nghệ hợp lý, phù hợp với đặc điểm, năng lực đơn vị. Và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một ví dụ.
Nhờ phần mềm, “cò” bệnh viện hết tung hoành
Từ lâu nay, do tình trạng quá tải trong khám chữa của nhiều bệnh viện, đã xuất hiện các “cò” bán số xếp hàng. Thế nhưng, với Bệnh viên Đại học Y Hà Nội, có muốn, “cò” cũng không làm được gì.
Một ngày khám chữa bệnh như bao ngày khác. Ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, dù mới thành lập cách đây hai năm song đã được cái tiếng công tác khám, chữa bệnh được triển khai nền nếp, không có cảnh chen lấn dù lượng người bệnh tới khá đông.
Ở những bệnh viện quá đông người bệnh tới khám, đội ngũ “cò” thường chà trộn vào xếp hàng, lấy sẵn số rồi bán lại cho người tới muộn nhưng không muốn phải chờ đơi lâu. Người bệnh sẵn sàng bỏ ra 5-10 ngàn cho cò số để được một số xếp hàng khám chữa bệnh sớm hơn, đỡ phải chờ đợi.
Với phần mềm ứng dụng tại Bệnh viện ĐH Y mặc định chỉ sau ba lần gọi, trong vòng 15 phút không có người bệnh vào sẽ huỷ số. Đây là khoảng thời gian quá ngắn khiến các cò khó mà có thể “ôm” cả nắm phiếu số thứ tự kịp bán quay vòng.
Không chỉ tiện lợi ngay ở vòng xếp hàng chờ khám, ở mỗi công đoạn tiếp sau khám bệnh, việc ứng dụng CNTT cũng thể hiện những sự tiện lợi thực sự. Khi phần mềm đã nhận thông tin số bấm thì tự động nhảy sang số khác. Nhờ phần mềm, thông tin dữ liệu cập nhật của mỗi số thứ tự tương đương với một bệnh nhân được phân phối đều vào các quầy đón tiếp trong bệnh viện.Từ đó lại tiếp tục được phân loại đi các phòng khám, xét nghiệm tuỳ từng nhu cầu khác nhau của bệnh nhân.
Nhiều tiện ích
Phần mềm triển khai tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội được thiết kế là một kiến trúc hệ thống tổng thể đảm bảo về mặt kỹ thuật công nghệ cũng như nghiệp vụ để quản lý hệ thống y tế tại mỗi địa phương, cho cả vùng và trên toàn quốc. Phần mềm cung cấp khả năng tin học hoá nghiệp vụ của từng bệnh viện tỉnh, thành cũng như trung ương và đồng bộ hoá dữ liệu để đưa ra đầy đủ các báo cáo tại các cấp, trao đổi thông tin và giám sát dịch bệnh.
Với bệnh viện, mọi công tác kiểm tra dữ liệu của người bệnh từ việc khám bằng thẻ bảo hiểm hay không có thẻ bảo hiểm, thậm chí việc kiểm tra thẻ còn hạn dùng hay không cũng được phần mềm thực hiện chứ không phải cần tới nhân công. Mọi dữ liệu về một bệnh nhân cần phải có khi khám chữa bệnh được cập nhật và phần mềm sẽ tự phân loại bệnh nhân nội trú, ngoại trú, có bảo hiểm hay không có bảo hiểm, khám bệnh gì thì vào phòng nào, khoa nào…
Còn bệnh nhân, sau khi xếp theo số thứ tự, khai báo thông tin, nhu cầu khám, chữa bệnh với nhân viên tiếp đón, chỉ cần nhìn lên màn hình vi tính được trang bị ngay phòng chờ là người bệnh có thể biết mình đang xếp thứ tự bao nhiêu tại phòng khám đó và khi nào đến lượt.
Một bệnh nhân ngồi chờ ở phòng xét nghiệm của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, trong vòng 1 giờ đồng hồ, chị đã làm được khá nhiều “công đoạn”: lấy máu, siêu âm, khám tổng quát. “Khám ở Bệnh viện này rất nhanh, hơn hẳn một số bệnh viện lớn mà trước đây tôi đã tới” - chị nói.
Hiện nay, những mô hình quản lý bằng phần mềm tương tự như Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã được triển khai ở khá nhiều các bệnh viện tuyến trung ương và cả địa phương. Hệ thống quản trị bênh viện là một tập hợp của các dịch vụ chuyên biệt. Trên nền dịch vụ này, các ứng dụng lại chạy riêng rẽ đồng thời có khả năng tích hợp dễ dàng.
Hệ thống quản trị bệnh viện thường được xây dựng để đảm nhận thực hiện các quy trình nghiệp vụ trong bệnh viện bao gồm nhiều lĩnh vực nghiệp vụ: Quản lý bệnh nhân (PMIS), nhân sự (HuMIS), tài chính (FMIS), dược (MedMIS). Hệ thống ở bệnh viện được thiết kế với định hướng lấy công tác khám và điều trị bệnh nhân làm trung tâm.
Việc áp dụng CNTT trong bệnh viện được đánh giá là rất cần thiết, bắt buộc người sử dụng khi làm bất cứ việc gì đều phải nhập vào máy, kể cả một đôi găng, bông băng, một viên thuốc nhập, xuất khỏi kho... Hệ thống sẽ lưu giữ toàn bộ quá trình điều trị, chi phí.. của bệnh nhân để bệnh viện có thể dễ dàng quản lý.
Sử dụng phần mềm, công tác khám chữa bệnh được tối ưu hoá rất nhiều khâu, từ việc quản lý và điều hành về công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu đến những dự báo về dịch bệnh… Phần mềm cũng giúp quản lý bệnh nhân tức thời; quản lý viên phí đến từng bệnh nhân. Từng viên thuốc đến mỗi bệnh nhân cũng được quản lý khoa học, tránh nhầm lẫn, sai sót.
Bài 2: Hệ thống y tế thông minh Việt Nam: Bao giờ?
Theo Vnmedia