Thứ tư, 31/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 14/09/2009
Mã bưu chính và hội nhập

Trong số hàng chục triệu người sử dụng Internet và hàng trăm ngàn người đi lao động và học tập ở nước ngoài, chắc phải đến cả triệu người chẳng biết điền gì vào mục mã bưu chính của mình trong các đơn đăng ký loại nào đó.

Với mã số an sinh xã hội cũng vậy. Khi đối mặt với các tình huống như vậy chúng ta mới cảm thấy nước ta chưa hội nhập thật sự với thế giới.

Hội nhập với thế giới không chỉ liên quan đến những vấn đề vĩ mô lớn như thương mại, đầu tư trong hội nhập kinh tế, tích cực tham gia vào các tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế trong hội nhập chính trị, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực tưởng chừng "nhỏ nhặt" nhưng cũng rất quan trọng như đánh địa chỉ (số nhà, tên đường), mã bưu chính, mã an sinh xã hội, v.v...

Do bị coi (một cách sai lầm) là những vấn đề "nhỏ nhặt" nên người ta thường không để ý đúng mức đến những khía cạnh phát triển và hội nhập của những vấn đề đó.

Chúng ta thường kêu ca về "nhà không số, phố không tên". Các "đề tài nghiên cứu đặt tên đường, đánh số nhà" đôi khi bị nhìn nhận một cách miệt thị. Cách nhìn nhận như vậy cũng hoàn toàn đúng khi xét đến tình trạng "loạn" đề tài nghiên cứu, song chưa thật đúng về tầm quan trọng của việc đặt tên đường, đánh số nhà một cách khoa học và có hệ thống.

"Nhà không số, phố không tên" cản trở sự định vị tài sản, quyền sở hữu tài sản và những quyền lợi cũng như nghĩa vụ kinh tế-xã hội đi kèm, cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội. Không định vị được nơi cư trú, tài sản và quyền sở hữu tài sản thì không thể có phát triển kinh tế và xã hội.

Những cư dân sống ở đó khó tiếp cận được với các dịch vụ công (điện, nước, trường học, viễn thông), khó truy cứu trách nhiệm kinh tế và xã hội của họ (khó thu cước, thu thuế,...), khó tiến hành các giao dịch kinh tế (giảm cơ hội tiếp cận đến khách hàng chẳng hạn).

Tìm kiếm địa chỉ (để gặp người thân, để tiến hành giao dịch kinh tế, để thu cước, thu thuế,...) là việc làm thường xuyên của mọi người. Nếu địa chỉ được đánh một cách khoa học, thì việc tìm kiếm đó dễ dàng hơn và chúng ta có thể tiết kiệm được thời gian, xăng dầu, tiền bạc và đầu óc đỡ căng thẳng do bực bội.

Nói cách khác địa chỉ không rõ ràng hay không được đặt ra một cách khoa học cản trở đáng kể đến sự phát triển kinh tế và xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của công dân. Xét như vậy thì vấn đề thật trọng đại chứ không hề nhỏ nhặt chút nào.

Cũng có thể nói tương tự về đánh số đăng ký xe cộ, cấp số chứng minh nhân dân, số bằng lái xe, số mã an sinh xã hội, v.v... Những chuyện đời thường như thế có những tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của toàn xã hội, đến hoạt động kinh tế và đến hội nhập và phát triển của đất nước.

Muốn có nước Việt Nam giàu, mạnh và ngày càng hội nhập với thế giới văn minh chúng ta không thể không chú ý đến những chuyện tưởng chừng như "nhỏ nhặt" này. Đấy là một phần không thể tách rời của sự biến đổi to lớn của đất nước mà mỗi người, mỗi cơ quan đều có phần trách nhiệm tham gia và thực hiện.

Quay lại chuyện mã bưu chính. Ngày 20-1-2004 Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn Thông đã có Quyết định số 05/2004/QĐ-BBCVT ban hành quy định về mã bưu chính quốc gia. Theo Quyết đinh này, "mã bưu chính là tập hợp các ký tự thể hiện dưới dạng số dùng để xác định một cụm địa chỉ phát hoặc một địa chỉ phát cụ thể", và "được xây dựng trên cơ sở thông lệ quốc tế và Hướng dẫn của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU)".

"Cơ cấu mã bưu chính phải bao gồm tối thiểu tập hợp 06 kí tự số xác định vị trí địa lý của tỉnh/thành phố, của quận/huyện và của cụm địa chỉ phát hoặc một địa chỉ phát cụ thể trong phạm vi toàn quốc".

Sau hơn 4 năm, ngày 29/8/2008, Bộ Thông tin Truyền thông mới ban hành được 4 số đầu của mã bưu chính quốc gia chi tiết tới 100% quận, huyện, đồng thời giao cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam ban hành 2 số tiếp sau để mã bưu chính quốc gia có đủ 6 số chi tiết tới 100% cụm địa chỉ nhận.

Cho đến nay người ta thường ghi địa chỉ chi tiết bằng chữ theo số nhà, tên phố, phường, quận, tỉnh... và người dân chưa hề quen biết với mã bưu chính và rất khó xử khi phải điền các mẫu biểu, đơn từ có yêu cầu phải điền mã bưu chính. Thí dụ, chắc rất ít người ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) biết quận này có mã bưu chính từ 1100xx đến 1119xx. Hai con số xx chi tiết cho một khu vực nhỏ cũng chưa được xác định. Tổng công ty Bưu chính Việt Nam đang xây dựng kế hoạch để triển khai áp dụng bộ mã bưu chính quốc gia, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn tất.

Khi có mã bưu chính khách hàng cần điền mã bưu chính của mình cùng với địa chỉ. Đấy là cách thông dụng mà người dân của gần 120 nước trên thế giới vẫn làm.

Với mã bưu chính, việc chuyển thư tín và bưu phẩm được nhanh chóng và đỡ lầm lẫn do có thể tự động hoá được nhiều khâu trong phân loại, phân tuyến, theo dõi thư và bưu phẩm.

Khi có bộ mã đầy đủ được ban hành, thì việc tuyên truyền, phổ biến và có những khuyến khích để người dân có thể tiếp cận dễ dàng và sử dụng chính xác mã bưu chính vẫn là vấn đề không nhỏ.

Chỉ xét những việc "nhỏ nhặt" như vậy mới thấy quá trình hội nhập đâu có đơn giản và cần sự nỗ lực liên tục của các cơ quan nhà nước và mọi người dân.

Theo Lao động

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0