Hơn 4 năm vẫn ở... giai đoạn 1
Hiện nay, CGTĐT Hà Nội đã có các mục: giới thiệu về chính quyền thành phố, văn bản pháp quy, TTHC, thông tin quy hoạch, giới thiệu về Hà Nội, thông tin từ các đơn vị... CGTĐT mới chỉ đăng tải thông tin về 5 loại hình dịch vụ cộng đồng là bưu chính - viễn thông, điện, nước, vận tải công cộng, lao động - việc làm.
Ông Lê Ngọc Dân, Phó Giám đốc CGTĐT Hà Nội cho biết: CGTĐT hiện cung cấp hơn 580 TTHC thuộc 6 nhóm: Nội chính (85 thủ tục), Kinh tế tổng hợp (144), Đô thị (117), Văn hóa - Xã hội (111), nhóm quận - huyện (64) và nhóm phường, xã, thị trấn (51). Khi tiếp cận, người dân có thể biết đơn vị có thẩm quyền giải quyết; nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ; các hồ sơ, giấy tờ cần có; thời gian tiếp nhận và trả kết quả; các khoản phí, lệ phí và cơ sở pháp lý. Bên cạnh đó, CGTĐT đã đăng tải hơn 4.000 biểu mẫu TTHC về các lĩnh vực như công chứng, chứng thực, đăng ký kinh doanh, xây dựng, quy hoạch kiến trúc, đô thị, đầu tư nước ngoài, khoa học, công nghệ, y tế... Người dân có thể tải các biểu mẫu này về tham khảo trước khi tiến hành làm các TTHC.
Trong năm 2008, qua 2 đợt khảo sát trang thông tin điện tử của các địa phương, Bộ Thông tin - Truyền thông đánh giá CGTĐT Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu về mức độ cung cấp thông tin và cung cấp dịch vụ hành chính công. Tuy nhiên, so với tiến độ đặt ra ban đầu thì CGTĐT chưa phát triển đúng kế hoạch; còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai nên vẫn ở giai đoạn 1 sau 4 năm mặc dù giai đoạn thử nghiệm, hoàn thiện, dự kiến chỉ kéo dài 2 năm.
Công nghệ hay con người là quyết định?
CGTĐT chỉ là công cụ tạo ra môi trường để các đầu mối có thể triển khai theo lộ trình đã được vạch ra. Để người dân, các tổ chức có thể khai thác tiện ích từ CGTĐT thì điều cần thiết nhất chính là sự tương tác giữa các đầu mối thông tin tới người dân, nói khác là nhân dân sẽ được lợi gì do CGTĐT mang lại. Cụ thể là việc cung cấp dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến trên CGTĐT phải được thông suốt. "Tuy nhiên, việc phối hợp công khai các TTHC giữa một số sở, ngành với CGTĐT còn chậm, dẫn đến một số trong hơn 580 TTHC được công bố đã lạc hậu hoặc không cập nhật" - ông Lê Ngọc Dân cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của Hànộimới, dịch vụ công trên CGTĐT hiện nay quá ít và chỉ được một số đơn vị như các sở Công thương, Ngoại vụ, GD-ĐT, Tư pháp, các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình thực hiện trên một số lĩnh vực. Tại đây, người dân, doanh nghiệp cũng mới chỉ được hỗ trợ bằng cách cung cấp bảng biểu, biểu mẫu chứ không thể thay thế được thủ tục giấy tờ. Như vậy, dùng CGTĐT người dân chỉ tránh được việc phải đi lại nhiều lần tới các cơ quan công quyền. Trong khi đó, việc tra cứu trạng thái TTHC trên CGTĐT được Sở Thông tin - Truyền thông thừa nhận là chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện tại đã có 37 bộ phận "một cửa" tại các sở, ngành, quận, huyện được kết nối với CGTĐT nhưng việc tra cứu hồ sơ chưa thật sự hiệu quả.
Trong khi "việc lớn" là cung cấp dịch vụ công chưa thực hiện được nhiều thì "việc nhỏ" là phúc đáp những câu hỏi của người dân qua CGTĐT cũng còn ít ỏi. Theo thống kê, đến hết tháng 9-2008, đã có 1.818 câu hỏi gửi đến CGTĐT và số được trả lời chỉ là 688 câu, đạt 37%. Có thể "vin" vào bối cảnh Thủ đô được mở rộng nhưng rõ ràng những con số đó đáng để suy nghĩ. Lý giải về sự chậm trễ trên, ông Dân cho biết thêm, việc cung cấp thông tin lên CGTĐT thuộc trách nhiệm của các đầu mối được UBND thành phố quy định. Tuy nhiên, các đơn vị này hiện không có cán bộ chuyên trách đủ thẩm quyền làm công việc này hoặc nếu có người làm thì lại cung cấp thông tin đứng trên góc độ cơ quan quản lý cần chứ không hẳn là những vấn đề nóng được người dân quan tâm.
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, CGTĐT thành phố Hồ Chí Minh (www.hochiminhcity.gov.vn) hiện đang phát triển tốt hơn CGTĐT Hà Nội, nhất là việc cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến thực hiện rất bài bản. Đặc biệt, mục đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố được đánh giá cao, trở thành một kênh thông tin để lãnh đạo nắm bắt được ý kiến từ cơ sở. Sở dĩ, TP Hồ Chí Minh được đánh giá cao là do địa phương này có cơ chế vận hành CGTĐT khá linh động. Họ phân cho các đơn vị tự làm website và được quyền tự chủ đối với các dịch vụ cung cấp cho người dân và doanh nghiệp...
CGTĐT Hà Nội chưa phát triển đúng với yêu cầu một phần còn do các dự án đầu tư công nghệ thông tin tại cơ sở còn vướng mắc về thủ tục nên việc ứng dụng gặp nhiều hạn chế, khó "ra tấm, ra món".
Có ý kiến cho rằng, thành phố đang đẩy mạnh cải cách hành chính, có nghĩa là TTHC vẫn đang trong quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện. Điều đó đồng nghĩa với việc chưa thể cung cấp nhiều thông tin, dịch vụ công lên CGTĐT. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, công nghệ được tạo ra và vận hành thế nào đều phụ thuộc vào con người!
Theo Hà Nội mới