Thứ sáu, 26/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 10/09/2009
Khi bản làng có Internet

Du khách truy cập internet tại Tả Van,
Sa Pa. Ảnh TTXVN
Cách thị trấn Sa Pa không đầy 10km, bản Tả Van - một bản làng vùng cao của huyện Sa Pa nằm yên bình dưới thung lũng Mường Hoa. Tả Van ít người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Giáy, Tày, Dao đỏ... với chừng gần 1.000 dân. Bản làng vùng cao này có lẽ sẽ mãi là một vùng quê heo hút nếu như không có Dự án thử nghiệm công nghệ Wimax (công nghệ Internet không dây kết nối qua vệ tinh) do Tập đoàn Intel, Công ty Ðiện toán và truyền số liệu VDC cùng cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đem đến một diện mạo mới cho Tả Van...

Không phải gia đình nào ở Tả Van cũng có điện thắp sáng, điện thoại cố định lại càng hiếm hoi, thậm chí sóng điện thoại di động cũng lúc có, lúc không... thế nhưng họ lại có internet không dây, công nghệ mà ở những nơi thành thị lớn mới được thụ hưởng. Những cô bé, cậu bé Mông, Giáy xúng xính váy hoa, chân đất, mặt mũi lấm lem bùn đất nhưng ngồi gõ bàn phím nhanh thoăn thoắt trong những ngôi nhà mái tranh vách đất, kết nối với mọi nơi trên thế giới nhờ internet không còn là chuyện lạ ở xã Tả Van. Ðiều này khiến Tả Van thật đặc biệt!


Tại Tả Van bây giờ, từ những em bé mới ngoài 14-15 tuổi đến các cụ ông, cụ bà ở tuổi "cổ lai hy" đều không còn quá xa lạ với chiếc máy vi tính. Việc cập nhật thông tin, tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất của các vùng, các nơi khác cho đến việc "chát chít" qua mạng giờ như một phần quen thuộc trong đời sống tinh thần thường ngày của những người dân nơi đây. Khuất sau một ngã rẽ, một tốp bốn bạn gái người Mông mặc váy hoa tay che ô trên đầu vừa đi vừa nói, háo hức kéo nhau vào một ngôi nhà lớn nằm cạnh con đường cái. Trong nhà khá đông người trò chuyện rôm rả. Thật ngạc nhiên khi trước mắt là hình ảnh một nhóm bạn gái Mông đang chăm chú ngồi lướt web, những người chung quanh cùng dán mắt vào màn hình, trao đổi qua lại rất say sưa. Ở một ngôi nhà khác nằm cạnh ngôi trường duy nhất ở bản Tả Van, những cậu bé người Giáy đang dán mắt vào màn hình vi tính. Những ngón tay gõ khá mạnh lên bàn phím, đám trẻ cãi nhau ỏm tỏi bằng tiếng của người Giáy...


Cậu bé người Giáy Phổng Lầu không giấu được vẻ hào hứng nói về internet: "Trước kia mình chẳng biết gì về máy tính hay internet nhưng khi được hướng dẫn thì ngày càng quen dần. Cái máy đó hay thật!". Ngoài giờ đến trường, về nhà Phổng Lầu phải lao động quần quật không ngơi tay: từ việc nặng nhọc như tháo nước trên ruộng bậc thang đến giúp mẹ nấu cơm, nấu cám cho lợn ăn, cắt cỏ cho trâu, vào rừng lấy củi, lấy cọc rào ruộng... Những ngày nghỉ, ruộng nhà đã làm xong, Lầu còn đi cấy, làm cỏ thuê. Sau khi xong việc, niềm vui lớn nhất của Lầu là đến điểm internet chơi game hay chat. Bạn gái người Mông Sinh Phàn cũng chia sẻ: "Ðầu tiên thì mình cũng không biết gì, sau đó được công ty cử người đến hướng dẫn. Rồi mình cũng đi học thêm nữa thế là dần dần biết cách truy cập được tất cả các thông tin cần thiết. Bây giờ một ngày mà không có internet là cảm thấy thiếu điều gì đó. Không chỉ chat thôi đâu mà mình còn vào mạng để tìm những thông tin liên quan đến học hành, đọc báo, tìm hiểu về quê hương mình để có thể giới thiệu với khách du lịch nữa...". Vừa nói, Sinh Phàn vừa đưa tay click chuột mở một trang web có nội dung giới thiệu về Tả Van rất thành thạo.


Khi dự án diễn ra với hầu hết người dân Tả Van, đó là lần đầu tiên họ được nhìn thấy máy tính. Các cán bộ dự án phải bắt đầu đào tạo bằng việc hướng dẫn người dân từ chuyện tắt, mở máy đến dạy họ cách sử dụng internet với những đường link cơ bản.Các cán bộ kỹ thuật đã đặt những đường link này trên màn hình desktop để mọi người có thể dễ dàng truy cập. Nhưng đến nay, nhiều thanh niên và kể cả các cháu nhỏ ở Tả Van đã biết chat, gửi mail, chơi game và gọi điện thoại qua giao thức VoIP... Anh Chẻo A Sình, một cán bộ xã ở Tả Van lý giải: "Ðể sử dụng máy tính thành thạo như vậy, hơn 100 dân bản đã được các tình nguyện viên dạy cách bật máy tính, gõ bàn phím, tìm kiếm thông tin... trong suốt một tháng. Trước đây, người dân ở đây chưa biết gì về máy vi tính, thậm chí có nhiều người còn chưa từng nhìn thấy nữa kia. Vì thế, để giúp họ lấy được thông tin trên toàn thế giới thông qua internet chẳng hề dễ dàng gì... Nhưng, giờ thì khác nhiều rồi, nhiều người đã thành thạo lắm...".


Với 11 điểm có thể kết nối internet, khoảng 700 người dân và khách du lịch đến bản Tả Van có thể truy cập internet băng rộng nhờ sử dụng đồng thời công nghệ truyền dẫn không dây tốc độ cao Wimax và kết nối vệ tinh. Người dân tại khu vực trước đây có mật độ điện thoại thấp nhất của Lào Cai giờ đây đã có khả năng tiếp cận các dịch vụ viễn thông tiên tiến nhất. Khách du lịch cũng tỏ ra rất thích thú với dịch vụ này ở Tả Van. Trước đây, du khách đến xã Tả Van du lịch muốn truy cập mạng thì phải cất công quay lại thị trấn Sa Pa nên mọi việc khá bất tiện. Còn bây giờ nhờ có mạng WIMAX, du khách đến đây có thể an tâm làm việc mình muốn trên mạng, có thể ở lại qua đêm. Những thông tin về lễ hội tại Tả Van, cuộc thi chạy việt dã được tổ chức tại Tả Van cũng nhanh chóng được truyền tải lên mạng. Chính điều này đã giúp Tả Van trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của huyện Sa Pa trong mùa lễ hội năm 2008. Chỉ tính riêng tại lễ hội xuống đồng vừa qua, Tả Van đã đón lượng du khách kỷ lục lên tới gần 5.000 người, đa số du khách là những người nước ngoài. Những hộ nông dân được chọn đặt điểm truy cập đều là những nhà dân có phòng nghỉ dành cho khách du lịch ở qua đêm, được trang bị các thiết bị CPE có tích hợp WiFi. Khả năng cung cấp internet tốc độ cao và các dịch vụ như gọi điện thoại giá rẻ VoIP tại các nhà trọ dành cho khách du lịch đã trở thành một nguồn doanh thu cho các chủ nhà trọ này. Các nhà hàng, khách sạn vì thế cũng có thêm thu nhập. Ðiều đó giúp cho du lịch tại Tả Van trở thành một ngành mũi nhọn, một thế mạnh đáng kể để xóa đói, giảm nghèo cho bản làng nơi đây. Ông Triệu Xuân Phà, một người dân Tả Van hồ hởi cho biết: "Tả Van trước nay chủ yếu phát triển về nông nghiệp, đời sống bà con cũng còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Nhưng từ khi dự án triển khai WIMAX về bản, cuộc sống của bà con chúng tôi đã khác lắm, vui hơn, hiệu quả và được cải thiện nhiều. Du khách đến với Tả Van rất đông nên chúng tôi đã xác định lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn giúp Tả Van xóa đói, giảm nghèo. Hơn nữa, có mạng, người dân còn tích luỹ được thêm nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, trong làm du lịch... Có thể nói WIMAX đã làm thay đổi diện mạo quê hương chúng tôi".


Việc đưa công nghệ đến gần hơn với cuộc sống đã giúp một bản làng đa số người dân tộc như Tả Van từng bước vươn lên. Và khi internet đã đến với một bản làng, nghĩa là những kết nối với kiến thức và con người trên toàn thế giới cũng đã đến. Tại các điểm truy cập internet ở Tả Van, người ta có thể chứng kiến những đứa trẻ chừng 10 - 15 tuổi chụm đầu bên máy tính để chat, chơi game online hay gửi thư điện tử. Cũng như thanh niên thành phố, những cô gái người Dao đỏ, Mông, Giáy xúng xính váy hoa lẫn các cô bé, cậu bé chân đất, mặt mũi lấm lem... ở bản làng xa nhất của tỉnh Lào Cai đang lách cách gõ bàn phím, online kết nối với cả thế giới. Ðã có những icon trên cửa sổ chat Y!M của một bạn gái, đã có những email khởi đầu cho tình bạn giữa những bạn trẻ ở Cà Mau, Cần Thơ, Tây Ninh và những nụ cười sáng bừng ở Tả Van... Ðiều còn băn khoăn hiện tại là làm sao để mô hình thử nghiệm công nghệ internet không dây tại Tả Van được triển khai một cách rộng rãi ở nhiều vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ðiều này xem ra vẫn còn rất khó khăn bởi với mức thu nhập hiện tại, người dân tại các vùng nông thôn không thể tự chi trả cho các dịch vụ công nghệ đắt tiền này. Do vậy, để công nghệ thông tin thực sự trở thành điểm tựa cho phát triển kinh tế các vùng sâu, vùng xa vẫn còn là một bài toán để ngỏ...
Theo Nhân dân
  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0