|
Bàn giao Hệ thống mua sắm Chính phủ điện tử thử nghiệm - Ảnh: Chinhphu.vn
|
Hệ thống mua sắm Chính phủ điện tử thử nghiệm (EPPS) được xây dựng dựa trên hệ thống đấu thầu thầu điện tử của Hàn Quốc (Koneps) và được tối ưu hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Đây là hợp phần cốt lõi phục vụ cho công tác đấu thầu chuyên nghiệp, với 7 chức năng cơ bản được thực hiện qua mạng internet: Chuẩn bị đấu thầu, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, công bố kết quả đấu thầu, tìm kiếm và quản lý nhà thầu. Các quy trình đấu thầu truyền thống dựa trên giấy tờ như đăng tải kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, lập biên bản mở thầu, v.v… sẽ được thay thế bằng quy trình tự động hóa trên máy tính qua internet.
Tổng khối lượng mua sắm công của một quốc gia phát triển thường chiếm từ 10 - 20% GDP và ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam mua sắm công chiếm tới 40% GDP. Với GDP năm 2009 của Việt Nam dự kiến là 1675,7 – 1683,2 nghìn tỷ đồng, nếu 10% của tổng số mua sắm công được thực hiện bằng hình thức điện tử với khả năng giảm 10% giá thành thì có thể tiết kiệm được hơn 6,7 nghìn tỷ đồng (gần 0,4 tỷ USD).
|
Trong giai đoạn thử nghiệm, EPPS sẽ triển khai 3 hình thức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu áp dụng cho các gói thầu tư vấn, sơ tuyển, mua sắm hàng hóa, xây lắp và tổng thầu EPC.
Cục Trưởng Cục Quản lý đấu thầu Đặng Huy Đông nhận định, triển khai hệ thống đấu thầu tiện tử sẽ đem lại nhiều lợi ích. Trước hết, với việc tạo ra luồng thông tin thông suốt, minh bạch cũng như khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ một cách dễ dàng, thuận tiện, đấu thầu điện tử góp phần thúc đẩy cạnh tranh trên cả 2 phương diện số lượng và chất lượng. Người được hưởng lợi ở đây không chỉ là Chính phủ và các nhà thầu mà người dân cũng dễ dàng hơn trong giám sát hoạt động chi tiêu công của Chính phủ.
Bên cạnh đó, một hệ thống đấu thầu điện tử có thể tự động hóa các quy trình đấu thầu bắt buộc, do đó cả bên mời thầu và nhà thầu không thể làm chệch hướng được các quy trình này, đồng thời, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu, nhờ đó, giúp giảm thiểu cơ hội móc ngoặc, tham nhũng trong đấu thầu.
Ngoài ra, đấu thầu điện tử sẽ giúp giảm 10 – 20% chi phí giao dịch trong đấu thầu cho cả bên mời thầu và nhà thầu thông qua việc tự động hóa các quy trình đấu thầu. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, nhờ thực hiện đấu thầu điện tử, hàng năm, Hàn Quốc đã tiết kiệm được gần 4,5 tỷ won (tương đương 3,2 tỷ USD), trong đó, tiết kiệm 4,1 tỷ won cho thời gian và chi phí đi lại; 0,4 tỷ won từ việc loại bỏ giấy tờ theo quy trình đấu thầu truyền thống. Đặc biệt, mức giảm giá sau đấu thầu có thể cao hơn, nhờ vào 3 đặc điểm của đấu thầu điện tử: Minh bạch về giá, kích thích cạnh tranh và đổi mới quy trình.
Ngoài những lợi ích có thể định lượng được như trên, đấu thầu điện tử còn được kỳ vọng là mang lại những tác dụng lan tỏa khác như tạo thuận lợi cho công tác giám sát; góp phần phát triển thương mại điện tử; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin trên phạm vi toàn quốc… ông Đông cho biết thêm.
Giai đoạn 1, Hệ thống đấu thầu điện tử sẽ được áp dụng thử nghiệm tại 3 đơn vị UBND TP.Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại địa chỉ: https://muasamcong.mpi.gov.vn hoặc https://publicpropocurement.mpi.gov.vn; giai đoạn 2 (2011-2015) sẽ mở rộng và áp dụng từng bước với các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp và sau đó mở rộng cho mọi thành phần kinh tế.
Dự án Xây dựng hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm do Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA) viện trợ không hoàn lại, là một phần của đề án Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ. Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT) - Bộ KH&ĐT - được giao là chủ dự án. Nhà thầu chính là SAMSUNG SDS.
Dự án “Xây dựng hệ thống mua sắm Chính phủ điện tử thử nghiệm tại Việt Nam” có tổng mức đầu tư 3.370.766 USD, trong đó KOICA tài trợ không hoàn lại 3.000.000 USD và 370.766 USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Mục tiêu của dự án là xây dựng hợp phần e-bidding (đấu thầu điện tử). Đây là hợp phần cốt lõi phục vụ cho công tác đấu thầu chuyên nghiệp, đảm bảo tối đa hiệu quả và minh bạch.
|