Thứ hai, 13/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 04/09/2009
'Đầu tư vào nguồn mở nếu bạn muốn giữ lại tiền'

Cân bằng thương mại, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ và phát huy năng lực cộng đồng là những yếu tố quan trọng của phần mềm nguồn mở (PMNM) được chia sẻ tại Diễn đàn CNTT thế giới (WITFOR) 2009.

t
Ông Jon "maddog" Hall: "Nếu lấy tiền mua bản quyền chi cho các chuyên gia PMNM của Việt Nam, số tiền đó sẽ ở lại đất nước các bạn". Ảnh: H.P.

"Tôi muốn khuyến khích ngành CNTT của các bạn quyết định: Tự hỏi mình rằng tại sao ta phải chi tiêu rất nhiều tiền ra nước ngoài để trả phí bản quyền cho các công ty Mỹ, Canađa hay Châu Âu trong khi ta có thể sử dụng phần mềm miễn phí lấy từ trên mạng và dùng tiền đó để trả cho các lập trình viên Việt Nam để chỉnh sửa phần mềm theo nhu cầu của mình hay phát triển thêm phần mềm đó vào những mục đích khác. Số tiền các bạn mua bản quyền phần mềm sẽ được chuyển về các công ty mẹ ở nước ngoài. Còn nếu số tiền đó được chi cho các chuyên gia người Việt, làm việc tại Việt Nam, khả năng chúng sẽ được ở lại và tiêu dùng trong nước", Jon Hall "Maddog" - người nổi tiếng với thương hiệu "Chó Điên" từ thời còn là sinh viên, hiện là Giám đốc Điều hành Linux International, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về PMNM, chia sẻ.

Trong tham luận của mình tại Diễn đàn WITFOR 2009, ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó Giám đốc TT CNTT - Giám đốc BQL Dự án PMNM thuộc  Bộ KH&CN, đã khái quát những thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian vừa qua. Trong đó, quan trọng nhất là việc PMNM đã được nhìn nhận một cách tích cực hơn trong cả giới lãnh đạo và cộng đồng người dùng.

"Trong 5 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng PMNM và đã có những kết quả bước đầu. Tiên phong là việc ứng dụng PMNM trong hệ thống 14.000 máy tính, hơn 1.000 máy chủ tại các cơ quan Đảng. PMNM đến nay cũng đã dần tiến vào trường học", ông Quỳnh nói. "PMNM ngày nay đã phát triển nhiều, mạnh mẽ và dễ sử dụng hơn. Tuy nhiên, chúng cần được tùy biến và chỉnh sửa theo hướng bản địa hóa mới có thể triển khai rộng rãi trong thực tế".

Theo quan điểm trên, ông Jon Hall cho rằng những quốc gia đang phát triển nếu thực sự muốn nắm bắt công nghệ "để phát triển bền vững" thì nên quan tâm đến PMNM và sử dụng chúng "theo những cách ta thấy có ích".

Chẳng hạn như sử dụng trình duyệt Firefox, một trình duyệt miễn phí trên nền Windows, hoặc Open Office, một bộ phần mềm văn phòng, sử dụng những phần mềm cơ sở dữ liệu miễn phí như My SQL, Quest SQL thay vì các cơ sở dữ liệu mã nguồn đóng khác. Khi thay thế từng bộ phận trong môi trường bản quyền bằng phần mềm miễn phí, mã nguồn mở thì cuối cùng thứ còn lại duy nhất sẽ là hệ điều hành.

 

"Chỉ có rất ít người thực sự tương tác với hệ điều hành, và nó là một thứ gần như vô hình vậy. Cái ta sử dụng tương tác là ứng dụng", Jon Hall nói. "Đồng thời, khi ta chọn các ứng dụng, ta cũng nên chọn những ứng dụng chạy trên cả Windows và Linux để có được mức độ linh hoạt cao nhất".

Jon Hall cũng minh chứng bằng thực tế tại châu Á có rất nhiều công ty sản xuất các thiết bị như lò nướng, lò vi sóng, TV,... Nếu ta lập một công ty mới để sản xuất một loại thiết bị mới thì điều đầu tiên ta phải nghĩ đến là thuê luật sư để đàm phán về hệ điều hành ta sẽ mua từ một công ty và cài đặt vào trong thiết bị. Sau khi có luật sư rồi ta sẽ phải có một người phụ trách kinh doanh để đàm phán giá cả và rồi ta còn cần nhiều luật sư hơn nữa vì một người không thể đủ được, chẳng hạn nếu làm ăn với Microsoft thì phải cần 10 người ấy chứ.

Nếu so sánh với Linux thì sao? Với Linux, ta không cần luật sư nào cả vì bạn có thể sử dụng ngay miễn là tuân thủ điều khoản của giấy phép đi kèm. Như vậy, ngay từ đầu đã dễ dàng hơn nhiều khi muốn mở doanh nghiệp nếu sử dụng Linux và phần mềm mã mở làm cơ sở thay vì đi đàm phán với một loạt công ty về việc giao hàng ra sao, chi phí thế nào...

Điểm quan trọng hơn nữa là khi ứng dụng các phần mềm thương mại, người dùng chỉ có thể học cách sử dụng chúng. Ngược lại với các sản phẩm PMNM, người ta có thể học cách sử dụng chúng cộng thêm cơ hội nghiên cứu sản phẩm đó hoạt động như thế nào và làm ra chúng như thế nào. Điểm này đặc biệt có ý nghĩa đối với công tác giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học.

Mô tả ảnh.
(Ảnh: H.P)

Phải vượt được rào cản thói quen

 

"Nếu ta nhìn lại thời trước khi Microsoft khởi nghiệp, ta sẽ thấy họ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lý do duy nhất khiến họ thực sự thành công được là có IBM hậu thuẫn với sản phẩm IBM PC", Jon Hall chia sẻ. "Người ta thường sử dụng những gì quen thuộc với mình. Ta thích những gì hàng xóm của ta cũng có vì nếu gặp trục trặc gì thì ta có thể sang hàng xóm để hỏi xem họ làm thế nào. Đây chính là kiểu quan niệm tạo ra sức ỳ".

Nguồn gốc của sức ỳ nằm ở thói quen của người sử dụng. Thậm chí, chính Jon Hall cũng thừa nhận "Linux rất khó cài đặt và sử dụng" trong lần đầu ông sử dụng cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của nó, hệ điều hành này đã trở nên nhanh nhẹn và đẹp đẽ hơn nhiều. Khi trình diễn Linux cho nhiều người, ông thường nhận được nhận xét "À, cái này giờ đã tốt hơn nhiều so với cái tôi biết lần trước".

Trong môi trường doanh nghiệp, một số lãnh đạo vẫn ngại ngùng vì lý do bảo mật với quan điểm "PMNM đã được tung hê hết ruột gan lên mạng, làm sao mà "bảo mật" được?". Thực tế lchứng minh điều ngược lại.

"Hầu hết các cơ quan đòi hỏi mức độ bảo mật cao như quân đội Mỹ, FBI và CIA đều không sử dụng phần mềm thương mại cho những tác vụ liên quan đến an ninh, bảo mật. Nếu chỉ đầu tư tiền vào những phần mềm thương mại kiểu "bỏ trứng 1 giỏ" sẽ rất nguy hiểm", ông Lê Trung Nghĩa, một trong những thành viên "quyết liệt" của cộng đồng PMNM tại Việt Nam, chia sẻ. "Khi đó, mọi hoạt động của người dùng sẽ phụ thuộc vào công ty sản xuất. Và vì lý do nào đó, tác động của sự sáng tạo đổi mới không được thúc đẩy, hệ thống sẽ bị nguy hiểm".

Đơn cử như những máy tính bị tấn công botnet tại Mỹ và Hàn Quốc vừa rồi. Đó là những máy tính Windows và bị điều khiển bởi sâu MyDoom được phát hiện từ tháng 2/2004. Trong hơn 5 năm sau đó với hơn 60 bản vá khác nhau, lỗ hổng vẫn không bịt được và MyDoom vẫn hoạt động để gây cuộc tấn công diện rộng vào tháng 6/2009. 

"Nếu đưa ra một giải pháp bảo vệ, ta chỉ biết nó làm việc gì chứ không xem được nó làm ra sao, như thế nào mới là điều nguy hiểm", ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, ông Maddog cũng khẳng định rằng "Giống trong vật lý, những vật nặng nề đang đứng yên thì khó di chuyển, nhưng một khi tác động đủ mạnh thì nó sẽ vận động và rất khó dừng lại".

Dễ thấy nhất là những sản phẩm netbook đang rất nóng bỏng hiện nay, nhiều loại đã cài sẵn các phần mềm PMNM. Người dùng dần quên việc sử dụng trình duyệt mà thậm chí không hay biết phần mềm gốc là gì, cũng chẳng bận tâm tìm hiểu làm gì. Như vậy, họ đang dần từ bỏ quan niệm cho rằng phần mềm lúc nào cũng phải của một công ty. Dần dần điều người ta cần biết: là tôi chỉ muốn phần mềm của tôi hoạt động được mà thôi, tôi không quan tâm phần mềm đó là của một công ty nào đó.

"Nếu ta thực hiện một tác vụ của công ty hay nếu ta muốn khởi động một dự án chẳng hạn thì ta sẽ phải quan tâm đến mã mở. Các bạn nên sử dụng mã mở trong dự án mới đó. Các dự án cũ thường sẽ ít khả thi nếu ta cố chuyển đổi sang mã mở. Nhưng nếu mọi dự án mới đều miễn phí và có mã mở thì sau khi ta kết thúc hết các dự án cũ, ta sẽ không còn phải lo chuyển đổi nữa và sẽ có phần mềm miễn phí và mã mở", Jon Maddog nói.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0