Từ một người trồng cây cảnh mở website bán hàng hay từ một chàng sinh viên đam mê CNTT mở website giúp bà con nông dân trồng cà phê làm giàu… có thể thấy rằng, những tiện ích số không còn xa lạ với người nông dân và đem lại cho họ những khoản lợi nhuận không nhỏ.
Ra thế giới nhờ web
Ông Võ Văn Tấn Tài sinh ra ở Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre), nơi nổi tiếng về cung cấp giống, cây cảnh cho cả vùng Nam Bộ. Sớm biết quanh năm chăm chút cho nghề ở quê cũng chỉ túc tắc đủ ăn qua ngày, nên năm 1991, ông đã quyết định mạo hiểm rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp với ước vọng đổi đời. Bằng ý chí và nghị lực của mình, sau hơn 10 năm chạy ngược chạy xuôi nơi đất khách quê người, ông Tài đã trở thành ông chủ của cơ sở sản xuất kinh doanh Hoa kiểng và cây giống Cái Mơn ở quận 9, TP.HCM với diện tích hơn 3.000m2. Với hơn 1.000 loại cây khác nhau, trong đó có nhiều loại nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… được lai tạo, nhân giống, vườn ươm của ông đã thu về hàng tỷ đồng từ các hợp đồng trong và ngoài nước. Hiếm ai biết được, thành công ấy một phần là nhờ ở việc quảng bá thương hiệu qua website.
Theo ông Tài, cái duyên đến với web của ông là từ một bài báo. Cuối năm 2000, đọc được bài báo giới thiệu tiện ích, tiềm năng của quảng cáo trên mạng, ngay lập tức, trong đầu ông đã nảy ra ý tưởng phải làm thế nào để quảng bá sản phẩm của mình một cách rộng rãi nhất. Nhưng ngặt một nỗi với người nông dân quanh năm suốt tháng cùng con dao cái kéo chăm bón, tỉa lá triết cành đâu có biết đến máy tính, nối mạng Internet là gì, “mù tin học” như ông thì không hiểu phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào.
Đem thắc mắc hỏi bạn bè, ông tìm đến một công ty tin học thuê họ lập website có địa chỉ: http://caimon-garden.com/ để quảng bá các sản phẩm cho vườn ươm của gia đình. Lúc đầu ông phải nhờ đến sự trợ giúp của công ty tin học. Dần dần theo học các lớp tin học, tự mày mò, tìm hiểu thêm cách sử dụng, đến nay ông đã có thể tự mình đưa thông tin, cập nhật báo giá hoặc trả lời thư của những người quan tâm.
Từ khi trang web được lập đến nay, ông Tài không nhớ mình đã ký bao nhiêu hợp đồng cung cấp cây giống, cây cảnh cho các cơ quan đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước. Trước đó, ông chủ yếu bán hàng qua sự quen biết, giới thiệu lẫn nhau. “Nhờ quảng bá trên mạng, doanh thu bán hàng của vườn ươm Cái Mơn tăng 50%. Và bất ngờ hơn cả, một cơ sở sản xuất cây giống tư nhân nhỏ như chúng tôi lại được cả những khách hàng từ Mỹ, Đài Loan biết tới”, ông Tài nói, “đặc biệt những hợp đồng 30.000 - 40.000 USD ký được không còn là chuyện hiếm”.
Từ ngày có wesite này, cơ sở sản xuất kinh doanh của ông đã ký được những hợp đồng có giá trị với các công ty trong Khu công nghiệp Amata, Tam Phước, Biên Hòa 1 (tỉnh Đồng Nai), khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP. HCM), Khu công nghiệp Sóng Thần, khu công nghiệp Việt Nam - Singapo... Ông Tài cũng không ngờ, sức mạnh của CNTT còn giúp ông ký được hợp đồng với công trình khách sạn 5 sao Micasa Cambodian Hotel (Phnompenh - Campuchia) và một số nước khác trong khu vực…
Hiện tại ngoài việc chăm chút cho vườn ươm của mình, ông Tài cũng dành khoảng thời gian không nhỏ lên mạng tìm kiếm thêm các hợp đồng, đồng thời cũng nghiên cứu thêm thông tin về cây giống, cây cảnh để ươm tạo, cho ra những loại cây có giá trị làm phong phú thêm vườn cây vốn có.
Lập web giúp bà con làm giàu
Khác với ông Tài, chàng trai sinh năm 1985 phải để kinh doanh thu lợi nhuận cho mình. Song website trực tuyến về giá cá phê tại địa chỉ: http://giacaphe.com/Home/ lại giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân trồng cà phê các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng… trong gần 2 năm qua.
|
Nguyễn Công Thịnh lập website giúp bà con trồng cà phê làm giàu. |
Thịnh kể, ý tưởng lập website ra đời từ cuối năm 2007, trong chuyến xuống khảo sát ở tỉnh Lâm Đồng, khi thấy bà con nông dân phải bỏ ra cả triệu đồng để nhận tin nhắn báo giá cà phê trên ĐTDĐ. Thương bà con quanh năm làm ăn vất vả mà lại phải bỏ ra cả một khoản tiền không nhỏ để theo dõi giá cả, thị trường cà phê, trong đầu Thịnh đã nung nấu quyết tâm lập một trang web trực tuyến cung cấp giá cà phê miễn phí giúp bà con nông dân.
Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, Thịnh mới biết công việc thực sự quả không dễ dàng chút nào. Chàng sinh viên năm thứ 3 Đại học Đà Lạt thú nhận mình là kẻ “ngoại đạo” không biết gì về cà phê. Thế là việc trước tiên phải tự mày mò, học hỏi, tìm hiểu về cây cà phê từ lúc nó nảy mầm, chăm sóc, trưởng thành, thu hái ra sao… Nhưng khi có được chút kiến thức rồi, bước vào công đoạn xây dựng trang web với Thịnh lại càng “căng” hơn nhiều. Mọi thứ đều phải cần tiền. Dốc hết tiền túi, kêu gọi bạn bè, thuyết phục gia đình, họ hàng ủng hộ, Thịnh mới gom đủ 500 USD để mở web.
Đi vào hoạt động được khoảng 2, 3 tháng, với các chuyên mục phong phú: Tin cuối phiên, Tin thị trường, Cà phê và cuộc sống, Cà phê Việt, Chăm sóc và Chế biến, Quán Cà phê, Bảng giá trực tuyến… website của Thịnh nhanh chóng được đông đảo bà con đón nhận. Để website duy trì hoạt động, ngoài tiền thu được từ quảng cáo, Thịnh may mắn nhận được sự hỗ trợ từ một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Lạt… Với giao diện bắt mắt, nội dung đa dạng, một số doanh nghiệp ngỏ ý muốn mua lại website song Thịnh không đồng ý vì nó đi ngược lại mục đích ban đầu của việc lập website.
Tuy nhiên, có một trở ngại là không phải bà con nào cũng có thể vào được mạng tra cứu giá cà phê, phần vì bận rộn công việc, phần vì chưa biết cách sử dụng. Bởi thế, để khắc phục tình trạng này, Thịnh cũng triển khai cả dịch vụ nhắn tin báo giá miễn phí. Hàng ngày, mỗi buổi sáng, ngoài việc truy cập vào mạng cung cấp giá cả, thị trường, Thịnh có khi phải nhắn từ 2200 - 2300 tin nhắn báo giá miễn phí qua ĐTDĐ cho bà con.
Cứ người nọ truyền người kia, hiện trung bình mỗi ngày, website thu hút được 7000 lượt người truy cập. Tuy nhiên, với Thịnh đó không hẳn là tất cả, mà quan trọng là web giúp ích cho bà con nắm rõ thông tin, tình hình, diễn biến lên xuống của giá cà phê để có những quyết định kịp thời, chính xác. “Giá cà phê thay đổi liên tục, chậm 5 giây thôi là đã có người thì thu được mòn hời, người thì mất trắng”, Thịnh chia sẻ.
Website của chàng thanh niên 8X đã trở thành diễn đàn tập hợp bà con có thâm niên thâm canh cây cà phê, người giỏi kinh doanh, người thạo thông tin mua bán giá cả, người rành chuyên môn trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực này. Thịnh còn dự định sẽ kết hợp với các công ty chăm sóc, bảo vệ thực vật… nhằm thiết lập kênh hỗ trợ kỹ thuật tới bà con nông dân. Khi được hỏi tại sao lại bỏ ra một khoản tiền lớn để lập website miễn phí, rồi lại dành hầu hết thời gian bên máy tính (từ 5h sáng đến 11, 12h đêm) để chăm chút cho đứa con tinh thần, Thịnh cười: “Có lẽ là do hữu xạ tự nhiên hương”.
Theo Ictnews