Từ thành công ban đầu đó và những bước phát triển tiếp theo cho đến khi CNTT thực sự là nền kinh tế mũi nhọn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, không thể thiếu vai trò của lãnh đạo từng đơn vị.
Kỹ sư Hoàng Minh Biểu, hiện công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cách đây hơn 10 năm, khi còn ở Quảng Bình đã kể một câu chuyện mà đến nay tôi vẫn nhớ như in:
“Cơ quan tôi là cơ quan mạnh của tỉnh nên 10 năm có đến 4 vị giám đốc được điều về.
Vị thứ nhất vốn mê bóng đá, khi về, ông lập tức tuyển quân, xây dựng một đội bóng mạnh, mấy lần suýt vô địch thành phố. Không khí cơ quan bao giờ cũng phấn khích “dzô dzô dzô, à lề a lế a lê!”.
Vị thứ hai vốn mê văn nghệ nên khi về, ông lập tức giải thể mấy chục cầu thủ sân cỏ, thay bằng mấy chục người đàn giỏi hát hay. Không khí cơ quan bao giờ cũng sực nức mùi son phấn, rộn ràng tiếng hát lời ca.
Vị thứ ba vốn con nhà võ, ông từ quân đội chuyển ngành nên lập tức giải thể đội văn nghệ, thay vào đó là một đại đội tự vệ, không khí cơ quan lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu.
Vị thứ tư, cái gì ông cũng yêu cũng thích. Nhưng than ôi, cái sự thích của ông mới “lưu thủy hành vân” làm sao. Cuối cùng, ông chỉ trung thành nhất với hình ảnh ca sĩ Nhã Phương đang hát, vì thế ra lệnh xóa hết tất cả những gì ba vị kia để lại. Trong cơ quan tràn ngập hình ảnh Nhã Phương. Họp cơ quan ông nói: Tình hình thế giới khó khăn, Việt Nam ta cũng thế, nhưng nhờ sự chèo chống của ban lãnh đạo, nên tình hình đơn vị ta cứ thế trôi êm trôi êm...
Và ông cao hứng hát bài mà ca sĩ Nhã Phương thường hát: “Một trưa hè trôi êm trôi êm...”.
Câu chuyện này tôi đồ không phải cụ thể ở cơ quan nào mà đã được khái quát hóa thành “tính vấn đề” về “cái sự thích” của thủ trưởng cơ quan. Vì thế, trong buổi đối thoại trực tiếp trên VTC chiều ngày 27.8 về chủ đề xây dựng nước ta thành một quốc gia mạnh về CNTT, một khán giả đã gửi tới Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp một ý kiến, có thể coi như hiến kế và có gì đó giống với câu chuyện trên nhưng ở khía cạnh tích cực hơn... Ý kiến đó đại để là, muốn phát triển CNTT thì việc đầu tiên phải bắt đầu từ các… thủ trưởng, vì (ví dụ) nếu thủ trưởng cơ quan nào ưa tennis, ông có thể xây dựng cả một sân tennis trong khuôn viên cơ quan, sau đó thì tổ chức được cả một giải tennis. Vì thế nếu ông mê CNTT, nhất định CNTT cơ quan ông sẽ phát triển… Mỗi cơ quan phát triển thì đất nước tất nhiên sẽ phát triển...
Nhớ lại chuyện Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, lúc làm Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ VH-TT kể, hồi đó internet mới du nhập, một lần Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư) hỏi có tài liệu gì về vấn đề này cho ông mượn đọc. Ông Doãn cho người in thành một tập chuyển cho Bộ trưởng. Một tuần sau, Bộ trưởng trả tập tài liệu cũ và hỏi lại, còn gì mới nữa không? Ông Doãn giở tập tài liệu ra, thấy Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm dùng bút bôi xanh bôi vàng những đoạn, những câu cần thiết, không sót một trang nào... Ông Doãn kết luận, tự học nhưng Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm rất giỏi về việc sử dụng thành tựu của CNTT, sức đọc của ông thì vô bờ bến... Tôi tin chuyện này, vì bây giờ ông đã về hưu, đến nhà vẫn thấy hằng ngày ông đọc, đọc và đọc...
Nói thế để nói rằng,“cái sự thích” ở đây không phải “lưu thủy hành vân” lúc này lúc nọ, mà là thích có mục đích rõ ràng. Đối với các thủ trưởng thì mục đích ấy càng rõ ràng hơn. Khi “cái thích” chuyển thành đam mê cần thiết không thể tách rời công việc, thì cái sự thích của người đứng đầu đơn vị sẽ tác động đến rất nhiều người. Đó là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến trình đưa CNTT thành nền kinh tế mũi nhọn của nước ta.
Theo Thanh niên