|
Nguồn lực CNTT là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại Diễn đàn CNTT thế giới. (Ảnh: LAD) |
Trao đổi tại diễn đàn, Vụ phó Vụ CNTT, Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Tuyên cho hay, trong chiến lược phát triển CNTT và truyền thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam rất chú trọng khâu đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực với hơn 200 cơ sở đào tạo, giảng dạy.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực đáp ứng tại chỗ cho ngành CNTT đang đứng trước thách thức thiếu cả nhân lực từ tay nghề cho đến quản lý, nhất là thiếu hụt các chuyên gia hàng đầu. Kỹ năng nhân lực CNTT của Việt Nam vẫn còn thấp, thiếu kinh nghiệm, ngoại ngữ, dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao nói chung.
Do đó, một trong những chương trình hành động đó là chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực CNTT đông đảo và có chất lượng cao.
Ông Tuyên cho hay, Việt Nam đang tiến hành đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các ngành kinh tế - xã như hội, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, theo đó giúp củng cố năng lực quản lý cho các bộ ngành, xây dựng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin...
Với cơ cấu và quy mô thị trường CNTT nội địa còn nhỏ, ông Tuyên cũng cho rằng dù có nhiều văn bản pháp lý tạo điều kiện cho ngành CNTT phát triển nhưng tiến trình cải cách thủ tục hành chính chậm cũng là một trong những thách thức lớn hiện nay. Do đó, việc đẩy nhanh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đang được Chính phủ chỉ đạo ráo riết sẽ sớm góp phần tháo gỡ thách thức cho ngành CNTT.
Chính phủ đã phê duyệt khoản ngân sách cho giai đoạn phát triển 2009-2015 khoảng 900 tỷ đồng, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực giải quyết những thách thức để trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư CNTT nước ngoài.
Chia sẻ những kinh nghiệm, bài học phát triển CNTT 40 năm qua của Hàn Quốc, Cựu Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Hàn Quốc Yang Seung-taik cho hay nước này đã sớm hoạch định 4 giai đoạn phát triển rõ ràng, bắt đầu từ thập niên 80.
Hiện nay, đóng góp của ngành CNTT cho tăng trưởng GDP của Hàn Quốc khoảng 30%, số điện thoại di động nước này hiện có hơn 43 triệu, 90% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc sử dụng băng thông rộng internet.
Để đạt được thành quả này, ngay từ đầu, Hàn Quốc đã xác định xây dựng một nền tảng công nghệ bền vững. Chính phủ điện tử của nước này đã bắt đầu được thực hiện từ năm 1984. Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên thành công trong việc biến ADSL thành một sản phẩm thương mại, trong đó, việc cung cấp mạng băng thông rộng thông qua điện thoại đã trở thành một nhiệm vụ hoàn toàn khả thi.
Với những thành công, Hàn Quốc đang mong muốn sáng tạo ngành công nghiệp số mới, trong đó thúc đẩy sự tham gia của mọi công dân, xây dựng hệ thống giáo dục trong kỷ nguyên thông tin.
Tại diễn đàn, đại diện quan chức cấp cao các nước trong khu vực cũng trao đổi các vấn đề, chia sẻ kinh nghiệm việc thực hiện tốt các chính sách liên quan đến CNTT và truyền thông ở mỗi nước.
Theo Vietnamnet