|
Thứ trưởng Trần Đức Lai: "Ngành Bưu điện đã mạnh dạn đi thẳng vào công nghệ hiện đại". (Ảnh: Vương Long) |
- Thưa Thứ trưởng, trải qua 64 năm, ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) đã có những chuyển đổi - phát triển như thế nào để có một ngành Thông tin Truyền thông (TT&TT) lớn mạnh như hiện nay?
Thứ trưởng Trần Đức Lai: Trước hết có thể nói về mặt tổ chức và nhiệm vụ của ngành, từ Bưu điện đến BCVT và nay là TT&TT đã có sự phát triển lớn mạnh cả về chất và lượng.
Cách đây đúng 64 năm, từ một Ban giao bưu do Đảng thành lập, trải qua hai cuộc kháng chiến với sứ mạng lịch sử được giao là xây dựng và gìn giữ mạch máu thông tin liên lạc của đất nước không phân biệt phục vụ dân sự hay quân sự, các chiến sỹ giao bưu của ngành Bưu điện lúc ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã có trên 10.000 liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp thông tin liên lạc của đất nước. Đến thời kỳ xây dựng đất nước, Tổng cục Bưu điện được thành lập với chức năng vừa sản xuất kinh doanh vừa quản lý nhà nước, rồi tách nhiệm vụ quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh hoạt động độc lập (Tổng cục Bưu điện và Tổng công ty BCVT Việt Nam). Sau đó Bộ BCVT được thành lập trên cơ sở Tổng cục Bưu điện, được giao thêm quản lý nhà nước về CNTT, DN chủ đạo được nâng cấp thành Tập đoàn BCVT Việt Nam và từ năm 2007 tới nay, theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ TT&TT ra đời có nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 5 lĩnh vực: bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí và xuất bản.
|
Hình ảnh đẹp của những chiến sĩ giao bưu vượt sông trong kháng chiến. (Ảnh tư liệu TTXVN) |
Trải qua mỗi thời kỳ, ngành Bưu điện đều xây dựng từng chiến lược phát triển khoa học phù hợp. Ví dụ, chiến lược của giai đoạn 1975 – 1985 là xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin liên lạc thống nhất trong cả nước. Từ 1986 – 1990: chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chiến lược mới phù hợp với chiến lược đổi mới toàn diện của đất nước theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ VI. Giai đoạn 1991 – 2000 là nhiệm vụ hiện đại hoá, tăng tốc độ phát triển. Bản chất của chiến lược này là loại bỏ công nghệ lạc hậu (analog) chuyển nhanh sang công nghệ mới (digital) hay còn gọi là “số hoá” và đẩy nhanh tốc độ phát triển (nâng nhanh mật độ điện thoại/100dân), mở rộng vùng phục vụ, điện thoại không chỉ cung cấp cho các cơ quan nhà nước, các DN mà đã cung cấp cho toàn xã hội tới người dân.
"Chiến lược hội nhập và phát triển" được xây dựng cho giai đoạn 2001-2010, với nhiệm vụ chiến lược là đổi mới phương thức quản lý và kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, chuyển từ độc quyền DN sang cạnh tranh, mở cửa cạnh tranh từng loại hình dịch vụ, để vừa làm, vừa thử nghiệm và vừa hoàn thiện các hệ thống lập pháp, tiến tới cạnh tranh hoàn toàn. Do đó, số lượng DN đã tăng lên đáng kể, từ 2, 3, 4 DN cho đến bây giờ đã là 9 DN viễn thông có cơ sở hạ tầng mạng lưới cùng tham gia thị trường, cạnh tranh với nhau để tạo ra một thị trường viễn thông Việt Nam phát triển và mang lại lợi ích cho người dân.
Việc mở cửa, chuyển đổi từ độc quyền DN sang cạnh tranh thời gian này, đặt yêu cầu rất lớn là môi trường quản lý nhà nước phải thay đổi, hệ thống hành lang pháp lý đi kèm để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các DN, các thành phần kinh tế. Đồng thời, các DN phải tự vận động, tự cạnh tranh để vươn lên có chỗ đứng trên thị trường. Và kết quả là tất cả các DN đều lớn mạnh, phát triển, kể cả DN độc quyền trước đây, và phát triển từ sâu trong nội lực của mỗi DN: công nghệ, nguồn nhân lực, phương thức quản lý, kinh doanh. Điểm mốc để đánh dấu sự phát triển trong giai đoạn này, đó là mức độ phục vụ đối với người dân tốt hơn hẳn, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người sử dụng (người dân – DN - nhà nước).
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, công trình lớn đầu tiên của ngành Bưu điện là xây dựng hệ thống đường trục bằng dây trần từ Bắc đến Nam, thực hiện nhiệm vụ thống nhất, đồng bộ hệ thống thông tin liên lạc của quốc gia. Có thể coi đây là một công trình vĩ đại trong bối cảnh công nghệ còn rất còn lạc hậu thời đó. Sau thời kỳ này, ngành tiếp tục tiếp cận với những công nghệ mới như: Xây dựng trạm vệ tinh mặt đất Hoa Sen (thuộc hệ thông tin vệ tinh Sputnik của Liên Xô) rồi tới các hệ thống viba analog.
Dấu ấn tiếp theo của sự phát triển ngành là từ năm 1986, khi Đảng và Nhà nước có chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, ngành Bưu điện đã mạnh dạn đi thẳng vào công nghệ hiện đại.
|
Hạ tầng thiết bị viễn thông đơn sơ thiết lập ngay tại giao thông hào phục vụ chiến đấu. (Ảnh tư liệu TTXVN). |
Tôi cũng muốn điểm lại những mốc công nghệ và sự chuyển đổi kịp thời, cập nhật với những công nghệ mới của thế giới của ngành BCVT Việt Nam:
Công nghệ tổng đài: bắt đầu từ điện thoại nhân công chuyển sang điện thoại tự động; từ tổng đài ngang dọc đến tổng đài tự động analog và cuối cùng là tổng đài kỹ thuật số bắt đầu từ năm 1988 và những năm gần đây là tổng đài kỹ thuật số (digital) đa dịch vụ.
Về truyền dẫn: đầu tiên là dây trần, kéo dài trên hàng nghìn cột suốt từ Bắc đến Nam, chỉ có thể đồng thời chuyển từ 2- 3 đến tối đa 12 cuộc điện thoại/1 đôi dây, sau đó là hệ thống viba analog, digital, rồi đến cáp quang, vệ tinh và năm 2008 vừa qua, Việt Nam đã tự phóng vệ tinh riêng của mình - vệ tinh VINASAT-1. Có thể khẳng định rằng cả 3 hệ thống truyền dẫn hiện đại nhất (viba số, cáp quang, vệ tinh) đã được Việt Nam xây dựng và làm chủ trong quản lý và khai thác.
Các loại hình CDMA dịch vụ cũng phát triển từ đơn sơ như điện thoại, điện báo bằng telex...đến di động GSM, 2G và hiện đang là 3G với xu hướng đa dịch vụ, tích hợp trong một thiết bị đầu cuối.
|
"Để viễn thông và CNTT Việt Nam phát triển nhanh, mạnh phải tìm ra được giải pháp để kích cầu sức mua của dân và tăng năng lực của các DN". (Ảnh: LAD)
|
- Thưa Thứ trưởng, với những thành công lớn lao của 64 năm như vậy, ngành Thông tin Truyền thông sẽ có những đột phá gì để tiếp tục truyền thống đổi mới, sáng tạo, đưa CNTT và truyền thông trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa Việt Nam cất cánh?
Thứ trưởng Trần Đức Lai: Tiếp tục phát huy truyền thống của ngành trong 64 năm qua, tập thể Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ TT&TT đang xây dựng những chương trình nhằm kế thừa và phát triển, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Đặc thù của giai đoạn hiện nay là công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, với xu hướng hội tụ công nghệ, tích hợp mọi dịch vụ trên một thiết bị đầu cuối và yêu cầu phải tiếp tục mở cửa thị trường và thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao nội lực của DN. Bám vào 2 đặc thù đó và để tiếp tục có đột phá, Bộ TT&TT đang xây dựng một chiến lược tăng tốc mới, chúng tôi gọi là: "Chiến lược tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thông và CNTT" cho giai đoạn: 2011- 2020.
Tiêu chí đầu tiên cần thực hiện trong chiến lược tăng tốc là về phát triển hạ tầng, cần một hạ tầng viễn thông, viễn thông và CNTT hiện đại, đồng bộ, dung lượng lớn.
Thứ hai là đa dịch vụ: đa dịch vụ ở giai đoạn này là phải đưa dịch vụ đó đến tận người dân được hưởng thụ, kể cả người dân ở vùng sâu vùng xa biên giới hải đảo. Phấn đấu cung cấp điện thoại, Internet, truyền hình, phát thanh...đến hộ gia đình. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành nữa, mà ngành phải đề xuất với Chính phủ để cùng hỗ trợ, sao cho người dân đều có thiết bị nghe nhìn và sử dụng dịch vụ viễn thông. Chủ trương Quỹ viễn thông công ích bắt đầu từ năm 2006 đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ này: Hiện không còn huyện nào ở vùng sâu vùng xa đạt mật độ dưới 8 máy điện thoại/100 dân, vượt chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra ( 5máy/100 dân vào năm 2010).
Tiêu chí thứ 3 nằm trong chiến lược tăng tốc của ngành CNTT Việt Nam là tiếp tục có cơ chế chính sách, đẩy mạnh công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó xác định phần mềm và công nghiệp nội dung số là thế mạnh.
Tiêu chí thứ 4 là phải đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực để sớm thực hiện thành công Chính phủ điện tử, làm sao thông qua công cụ CNTT để Chính phủ gần với dân hơn, phục vụ tốt hơn đối với người dân.
Tiêu chí thứ 5 là phát triển mạnh chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo phổ cập cho người dân, đào tạo đội ngũ kỹ thuật, có tay nghề vững vàng để đáp ứng nhu cầu lao động hiện nay, đào tạo đội nguồn nhân lực công nghệ cao.
Tiêu chí thứ 6 cần làm để góp phần đưa Việt Nam cất cánh là xây dựng được một số tập đoàn kinh tế mạnh trong lĩnh vực viễn thông, CNTT.
- Bộ TT&TT nhận thấy có những khó khăn gì trong chiến lược tăng tốc này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Đức Lai: Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện thành công chiến lược này, tuy chúng ta có rất nhiều thuận lợi và cơ hội song cũng không ít những khó khăn và thách thức, đó là: nguồn nhân lực về CNTT và truyền thông của ta vừa thiếu về số lượng vừa hạn chế về chất lượng; thị trường viễn thông và CNTT của chúng ta phát triển về bề rộng khá tốt song về chiều sâu, về chất lượng còn có nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh để tạo sự phát triển đồng bộ và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, có ảnh hưởng tới Việt Nam, để viễn thông và CNTT Việt Nam phát triển nhanh, mạnh phải tìm ra được giải pháp để kích cầu sức mua của dân (mở rộng dịch vụ) và tăng năng lực của các DN.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.
Theo Vietnamnet