Chủ nhật, 28/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 15/08/2009
Thị trường di động: Đua nhau “tranh bá”

Khi câu chuyện ai là số 1 tạm lắng thì những “chiêu thức” giành khách hàng, những “đòn” kinh doanh theo kiểu “ăn miếng trả miếng” được dịp nở rộ trên thị trường.

Ngày 20/7/2009, Beeline chính thức khai cuộc. Như vậy, thị trường di động hiện tại đang là “cuộc điểm binh” đầy đủ nhất và cũng khắc nghiệt nhất. Một kịch bản đầy bi thương rằng sẽ có “kẻ ở người đi” trên thị trường di động đã đến lúc được mọi người nhắc đến.

Viettel và MobiFone vẫn giành giật thị trường

Khi câu chuyện ai là số 1 tạm lắng thì những “chiêu thức” giành khách hàng liên tiếp được các đại gia di động tung ra. Những “đòn” kinh doanh theo kiểu “ăn miếng trả miếng” trên thị trường cho đến thời điểm này vẫn là “cuộc chiến tay đôi” của Viettel – MobiFone. Câu chuyện về cuộc chiến của hai nhà cung cấp này liên tục “nóng” trên truyền thông trong suốt thời gian qua. Sau nhiều năm ấm ức, lần đầu tiên trong lịch sử ngành di động, anh em nhà VNPT là MobiFone và VinaPhone “xuất chiêu” quyết đưa Viettel tụt hạng khỏi vị trí “Nhà cung cấp dịch vụ di động rẻ nhất”. Sau cuộc đại giảm cước mà Viettel khơi mào, MobiFone và VinaPhone đã đồng loạt đưa ra mức cước của mình thấp hơn mức cước của Viettel là 10 đồng/phút. Tất nhiên, cuộc chạy đua giảm cước đối với cả 3 đại gia di động này là việc “cực chẳng đã” còn khách hàng là người được lợi nhiều nhất. Trên phương diện truyền thông, Viettel đang là mạng di động chiếm giữ ngôi vị “có số thuê bao nhiều nhất”, có bước đi mạnh bạo nhất bằng việc liên tục đầu tư ra nước ngoài. Thế nhưng, MobiFone vẫn chắc chắn với danh hiệu nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng và chăm sóc khách hàng tốt nhất. Trên thực tế, MobiFone hiện vẫn là mạng di động đi đầu trong việc tung ra nhiều chương trình chăm sóc khách hàng cũng như nhiều dịch vụ tiện ích khác.

Việc bị đẩy xuống vị trí thứ 3 trên thị trường di động đối với VinaPhone như một điều tất yếu bởi hàng loạt các hệ lụy. Thế nhưng, cũng phải ghi nhận trong thời gian gần đây, VinaPhone đã có những thay đổi rất lớn để chặn đà “tụt dốc”. Sau nhiều năm “mất tích” trên bản đồ mạng di động chất lượng, thì năm nay lần đầu tiên trong lịch sử, VinaPhone đã có nhiều chỉ số đo kiểm đứng đầu trong 3 mạng di động. Nhưng tất cả những điều chưa đủ để cho mạng di động này hiện thực được giấc mơ trở về vị trí ngày xưa.

S-Fone, EVN Telecom trầm lắng

Liên tục “thay tướng”, nhưng EVN Telecom vẫn là mạng di động ít thay đổi. Đành rằng, nhà khai thác này đang chịu cảnh “trâu chậm uống nước đục”, sẽ vô cùng khó khăn để đứng trên thị trường di động với tần số quá nhiều can nhiễu, nhưng EVN Telecom vẫn còn vận hành ít có yếu tố sáng tạo. Vào thời điểm khi EVN Telecom nhảy vào lĩnh vực viễn thông, VNPT đã từng lo ngại về thế mạnh của Tập đoàn Điện lực và đây là mối lo ngại lâu dài. Thế nhưng, EVN Telecom giờ đây đã không còn là mối lo ngại của các “đại gia” di động.

Trái ngược với EVN Telecom, S-Fone được giới truyền thông đánh giá cao về tính sáng tạo trong việc thiết kế các gói cước và hình ảnh dịch vụ. Thế nhưng, những điều đó chưa đủ để S-Fone vươn lên trở thành đại gia trong làng di động Việt Nam. Những bất đồng quan điểm đã dẫn đến chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong dự án S-Fone của SPT và SK, khiến nhiều cơ hội kinh doanh vàng đã vội tuột qua trước mắt. Hệ lụy là “đứa con” S-Fone vật vã dài trong cơn bất đồng của “bố mẹ”. Khi thị trường đã quá khốc liệt, nhiều người không khỏi nuối tiếc cho mạng di động mở đường phá thế độc quyền trong lĩnh vực di động tại Việt Nam. Giới truyền thông cảm nhận rằng, S-Fone không còn mạnh mẽ trong cuộc chạy đua với các mạng di động lớn. Sự “khai tử” công nghệ CDMA của HT Mobile và sự trầm lắng của EVN Telecom đã phá vỡ đối trọng CDMA – GSM trên thị trường Việt Nam. Thực tế phũ phàng đó đang đẩy S-Fone thành kẻ độc hành trong đường đua không cân sức.

Vietnamobile trong thế “thập diện mai phục”

Sau cú tai nạn công nghệ tốn kém hàng trăm triệu USD đã khiến Hutchison và Hanoi Telecom phải cắn răng phế mạng HT Mobile nhằm “làm lại cuộc đời”. Những gấp gáp trong cuộc rượt đuổi thị trường di động đã khiến Hutchison lại một lần nữa dốc hầu bao cho cuộc “thai nghén” mới với công nghệ GSM. Một năm sau ngày “khai tử” HT Mobile, tháng 4/2009 Hutchison và Hanoi Telecom cho ra “đứa con” thứ hai mang tên Vietnamobile trong khi thị trường ở thế “thập diện mai phục” quá đỗi khốc liệt. Thế nhưng, sau khi “lột xác”, Vietnamobile chưa thực sự tạo được nhiều ấn tượng đối với thị trường di động Việt Nam. Những “chiêu thức” mà Hutchison thể hiện trên thị trừng di động thế giới đã khiến nhiều mạng di động quốc tế lớn không khỏi sợ hãi. Thế nhưng, tại thị trường mới nổi như Việt Nam, Hutchison lại quá đỗi “hiền từ”. Theo suy luận của giới chuyên môn, lẽ ra sau cuộc “tái sinh”, Hutchison phải gây được chấn động trên thị trường di động Việt Nam, nhưng điều đó đã không xảy ra. Nhiều người lại cho rằng, phải chăng Hutchison đang “giấu bài”? Không rõ Hutchison sẽ có “chiêu thức” gì mới, nhưng trước mắt người ta chỉ thấy rằng mạng di động này đã “thay tướng” chỉ sau một thời gian ngắn. Người điều hành mạng HT Mobile trước đó đã được quay trở lại. Cho dù được hậu thuẫn bởi “gã nhà giàu” Hutchison, nhưng cuộc chiến trên thị trường di động của Vietnamobile vẫn đầy cam go.

Beeline chấp nhận cuộc chơi sát ván

Ngày 20/7/2009, mạng di động thứ 7 Việt Nam mang thương hiệu Beeline chính thức ra mắt. Đây là mạng di động được thành lập từ liên doanh Gtel (Bộ Công an) và Vimpelcom của Nga. Beeline được nhận định là yếu tố gây bất ngờ lớn nhất trên thị trường di động. Khác hẳn với dự đoán ban đầu của giới chuyện môn rằng mạng di động này sẽ rút kinh nghiệm của các mạng di động khác sẽ tăng tốc mở rộng vùng phủ sóng toàn quốc rồi mới cung cấp dịch vụ, và như vậy, nhanh nhất phải đến đầu năm 2010 mạng di động này mới có thể cung cấp được dich vụ. Thế nhưng, chỉ sau 9 tháng được cấp phép, Beeline đã tuyên bố cung cấp dịch vụ di động khi mới phủ sóng được tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Phía Beeline giải thích rằng, trong vòng 1,5-2 năm nữa, thị trường viễn thông di động Việt Nam sẽ phát triển rồi chuyển sang ngưỡng bão hòa nên cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này . Ý thức được điều đó nên Beeline đều không cố tấn công vào các phân khúc khách hàng cụ thể này mà đưa ra chiến thuật “vô chiêu” với 1 gói cước duy nhất đơn giản với giá cước “sốc” khiến các “đại gia” di động buộc phải “để mắt đến”. Beeline đã tung ra mức giá cước miễn phí gọi nội mạng từ phút thứ 2 của cuộc gọi trong thời gian tối đa 20 phút (không giới hạn số cuộc gọi miễn phí) và cước gọi đến nội và mạng khác là 1.199 VND/phút. Ở cái thế “không có gì để mất”, Beeline cũng đã sẵng sàng chấp nhận có APRU thấp hơn các mạng di động khác để có thể theo sát ván cuộc chơi giành khách hàng. Mạng di động này đang theo đuổi tham vọng trở thành nhà khai thác lớn ở Việt Nam và có được 15-20% thị phần và quyết không đứng vị trí thứ 7 trên thị trường di động Việt Nam. Một chuyên gia về viễn thông nhận xét, một cuộc chiến về cước nổ ra rất có thể mạng nhỏ sẽ có được một lượng khách hàn nhất định, xong có điều chắc chắn là họ không thể trở thành mạng di động lớn được.

Giờ đây thị trường di động Việt Nam đang có đủ mặt anh hào cạnh tranh, nhưng cũng được dự báo sẽ xảy ra xu hướng các mạng di động bị phá sản hoặc sáp nhập để còn từ 3-4 mạng di động như xu hướng chung trên thị trường trong khu vực. Xu hướng này được dự báo sẽ xảy ra ở Việt Nam vào năm 2011, bởi thời điểm đó các mạng di động nào không trụ hạng trên thị trường sẽ bị đào thải.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0