Một hình ảnh vui tươi trong game giáo dục.
Từ game giáo dục cho trẻ nhỏ
Hiện nay trên thị trường và trên mạng Internet đang có rất nhiều game dành cho trẻ nhỏ. Có thể kể đến Jump.Start (Knowledge Adventure - Mỹ), Learning Center Series (Davidson & Association - Mỹ), Reader Rabbit’s (The Learning Company - Anh), Disney s Series (Walt Disney - Mỹ)...
Thị trường này khá đa dạng và hấp dẫn, giá cả cũng tương đối phù hợp bởi phụ huynh chỉ cần mua đĩa chương trình về cài đặt vào máy tính tại nhà là có thể chơi được.
Các PC game trên thị trường hiện nay đều chia ra những trò chơi với nội dung, độ khó tuỳ theo lứa tuổi của trẻ (từ 9 tháng - 8 tuổi). Hầu hết các game này đều có giao diện thuận tiện và hấp dẫn, trẻ có thể sử dụng dễ dàng và chủ động trước các tình huống trong game.
Nội dung và phương pháp giáo dục trong các game được nghiên cứu kỹ lưỡng và kết hợp chặt chẽ, chia theo 3 nội dung “chơi mà học”: Khám phá, nhận biết và sáng tạo; làm quen tư duy logic thông qua toán học; làm quen bảng chữ cái và tiếng Anh.
Các game giáo dục này có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng như khám phá thế giới, suy luận và phán đoán theo logic, tưởng tượng và sáng tạo…
Đến game dành cho mọi cộng đồng
Bên cạnh game giáo dục dành cho trẻ nhỏ, các nhà sản xuất game cũng có tham vọng phát triển game giáo dục cho lứa tuổi học sinh và game tri thức tổng hợp dành cho mọi đối tượng trong xã hội.
Ông Craig Mundie, Giám đốc nghiên cứu và chiến lược của Microsoft khẳng định: “Công nghệ có đầy đủ khả năng để thay đổi toàn bộ quy trình giáo dục và giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn khi học các môn khô cứng”.
Lý giải cho quan điểm này, ông Ken Perlin, Giáo sư trường ĐH New York đồng thời là người điều hành Viện nghiên cứu ứng dụng game vào giáo dục cho biết: Trung học là một giai đoạn tối quan trọng trong quá trình học tập của học sinh.
Đó là giai đoạn mà học sinh được tiếp cận với toán và các khái niệm khoa học cao cấp. Tuy nhiên, rất nhiều học sinh cảm thấy không mấy thích thú với các vấn đề này và thường dành thời gian học tập vào việc chơi game.
“Chính vì thế chúng tôi mới nảy ra ý nghĩ rằng game hoàn toàn có thể là điểm khởi đầu giúp lôi cuốn học sinh đến với toán, các môn khoa học và công nghệ” - GS. Ken Perlin khẳng định.
Giống như các game online, Game giáo dục cũng có những nhân vật ảo mà qua đó người chơi có thể hóa thân và hành động theo nhân vật. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản là loại hình này không dừng lại ở mục đích giải trí đơn thuần mà thông qua các màn chơi, người chơi có thể lựa chọn và tiếp thu được những kiến thức bổ ích.
Hiện tại Trung Quốc và nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, game giáo dục đang rất được ưa chuộng bởi nội dung các game này có ảnh hưởng tích cực không nhỏ tới tầng lớp học sinh, sinh viên.
Tiềm năng tại Việt Nam
Từ năm 2003, game trực tuyến đã phát triển ở Việt Nam và đến nay đã có hơn 40 game các loại (2/3 là game nhập vai, hành động). Tuy nhiên, trong các trào lưu game trực tuyến vẫn chưa có chỗ đứng cho game giáo dục.
Nhìn thấy tiềm năng lớn, sau 2 năm chuẩn bị, tháng 9/2008, Công ty Egame chuyên phát triển và cung cấp các trò chơi giáo dục trực tuyến đã ra đời. Egame xác định mục tiêu phát triển game giáo dục cho đối tượng học sinh THPT, một thị trường còn bỏ ngỏ.
Mới đây Egame đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển game giáo dục trực tuyến với đối tác Tose Software (nhà phát triển phần mềm game hàng đầu thế giới của Trung Quốc) để tháng 9/2009 cho ra mắt sản phẩm game giáo dục đầu tiên, dành cho đối tượng ôn luyện thi đại học.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Tổng Giám đốc Egame cho biết: Đối với học sinh, việc học tập luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất, tuy nhiên giải trí cũng là một nhu cầu cần thiết để lấy lại thăng bằng sau những giờ học căng thẳng.
“Xuất phát từ nhu cầu này, chúng tôi quyết định phát triển sản phẩm game giáo dục trực tuyến tại Việt Nam. Với tính tương tác cao, giải pháp “chơi mà học” của game này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lớn cho cả học sinh và doanh nghiệp game ” - ông Thủy tự tin nói tại lễ ký kết.
Chưa biết nội dung game giáo dục sẽ hấp dẫn đến đâu nhưng việc một công ty tiên phong trong thị trường còn bỏ ngỏ này sẽ hứa hẹn một khởi đầu mới cho thị trường game trực tuyến tại Việt Nam.
“Bộ Giáo dục - Đào tạo đang khuyến khích đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng sự tương tác giữa người học và người truyền thụ kiến thức, đồng thời có những cách thức mới bổ trợ cho phương pháp dạy và học truyền thống.
Ý tưởng game giáo dục rất phù hợp với cuộc vận động đổi mới này của Bộ nhưng để làm được điều này, đòi hỏi trò chơi phải thực sự hấp dẫn”.
(Ông Nguyễn Duy Kha, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục - Đào tạo).
|