Tháo gỡ như thế nào?
Trong suốt thời gian dài qua, việc triển khai các DA ứng dụng CNTT tại các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân cơ bản là do trong lĩnh vực này chưa hề có một quy định, văn bản hướng dẫn đầu tư chính thức nào. Các DA CNTT chỉ biết dựa vào hệ thống văn bản hướng dẫn đầu tư trong xây dựng cơ bản. Nhưng các DA CNTT nói chung và DAPM nói riêng có rất nhiều khác biệt so với xây dựng cơ bản. Chẳng hạn, trong xây dựng cơ bản, chi phí tư vấn, vận hành thử nghiệm thường chiếm tỷ trọng rất nhỏ, nhưng trong DA CNTT chi phí này lại rất lớn. Lĩnh vực CNTT thường biến đổi rất nhanh, nhưng các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản lại không cho phép điều chỉnh sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán...
Theo kết quả khảo sát của Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT tại 140 cơ quan bộ, ngành, tỉnh, thành, doanh nghiệp (DN), hiệp hội CNTT, bên cạnh những vướng mắc như lập DA đầu tư, trình tự thẩm định, phê duyệt DA... khó khăn lớn nhất đối với các đơn vị này khi triển khai DA CNTT là vấn đề định giá PM ứng dụng (PM may đo) và xác định tổng dự toán đầu tư. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có định mức chi tiêu, đơn giá áp dụng cho việc lập dự toán để xây dựng các DAPM ứng dụng, chưa có hướng dẫn chi tiết hoặc cho phép áp dụng tương tự về trình tự, thủ tục lựa chọn đối tác thực hiện quá trình xây dựng và phát triển PM.
Những vướng mắc trên có thể được giải tỏa sau khi Bộ BCVT hoàn thành bước đầu bản dự thảo hướng dẫn quản lý đầu tư các DAPM ứng dụng. Bên cạnh hướng dẫn chi tiết toàn bộ quá trình xây dựng DA PM, từ tiền khả thi, phân tích khả thi đến giai đoạn đấu thầu - hợp đồng, xây dựng, kiểm thử, chuyển giao - bảo hành, bản dự thảo còn đưa ra biện pháp giải quyết các vướng mắc mang tính đặc thù của lĩnh vực đầu tư CNTT.
Một trong những nội dung quan trọng là những vướng mắc, "bế tắc" về định giá PM, định giá chi phí DAPM sẽ được giải quyết qua việc sử dụng phương pháp phân tích điểm chức năng (Function Points) - lượng hóa PM theo số lượng điểm chức năng. Như vậy, nhà đầu tư sẽ mua sản phẩm PM ứng dụng theo tính năng. Họ chỉ cần quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm, mà không cần xác định nhà cung cấp PM phải bỏ ra bao nhiêu chi phí, nguồn nhân lực, số ngày công... Chẳng hạn một sản phẩm PM có 500 function points (FP) thì giá của nó sẽ là giá của một FP nhân với tổng số 500 FP được thiết kế. Trong mỗi giai đoạn xây dựng PM, tùy thuộc mức độ phức tạp, quy mô, cũng sẽ có thể có những mức giá cho một FP khác nhau. Bộ BCVT đưa ra một con số định giá tham khảo tại Pakistan (đất nước có điều kiện kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tương đương VN) là 200 USD/1FP. Tại Úc, chi phí cho một FP dao động từ 300 đến 1000 USD.
Đại diện Bộ BCVT cho biết, việc ước tính chi phí xây dựng PM quản lý trong các cơ quan chính phủ dựa trên phương pháp điểm chức năng hiện đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng như Hàn Quốc, Hồng Kông, Canada, Anh, Pakistan… Phương pháp này cũng đã được chuẩn hóa theo chuẩn ISO/IEC 20926:2003.
Đối với việc xác định tổng mức vốn đầu tư DA CNTT, do đặc thù của lĩnh vực này là biến đổi nhanh, các công nghệ đã lựa chọn nhiều khi phải nâng cấp, thay đổi… nên tổng chi phí xây dựng DA CNTT sẽ được dự trù thêm 10%. Hệ số 10% này sẽ được thay đổi tùy theo tình hình thực tế tại Việt Nam.
Một quy định quan trọng khác là tỷ lệ tư vấn và kiểm thử trong DA CNTT cũng được điều chỉnh đáng kể. Theo phương án đưa ra, tỷ trọng tư vấn trong DA CNTT được xác định là 6%, giai đoạn kiểm thử, chấp nhận DA được quy định là 17% tổng dự toán chi phí...
Chưa đủ!
Theo ý kiến của một số chuyên gia CNTT, bản dự thảo hướng dẫn quản lý đầu tư các DA PM ứng dụng về cơ bản đã giải quyết phần lớn bức xúc trong lĩnh vực đầu tư CNTT. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần bổ sung.
Ông Đặng Kim Giao, giám đốc Trung Tâm Tin Học Bộ Xây Dựng cho biết, dự thảo hướng dẫn đầu tư các DA PM ứng dụng chưa đề cập đến vai trò của nhà tư vấn giám sát CNTT. Còn theo ông Nguyễn Trọng Dương, phó cục trưởng Cục Tin Học và Thống Kê Tài Chính (Bộ Tài Chính), dự thảo này mới chỉ giải quyết các quy trình xây dựng DAPM, các vấn đề về nâng cấp, chỉnh sửa PM vẫn chưa được đề cập. Trong hoàn cảnh quy trình quản lý nghiệp vụ, chính sách, mô hình tổ chức... thường xuyên thay đổi, sau một thời gian (1 – 3 năm), các chương trình PM ứng dụng lại phải được nâng cấp, chỉnh sửa. Quy mô nâng cấp, chỉnh sửa các chương trình PM cũng lớn không kém các DAPM xây dựng từ đầu.
Theo Luật Đấu Thầu mới được ban hành (từ 1/4/2006), các DA phải được đấu thầu công khai và nhiều DA không được chỉ định thầu. Như vậy, những đơn vị có DAPM nâng cấp, chỉnh sửa nếu không được chỉ định thầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì các DA này phải trải qua tất cả các thủ tục đấu thầu rất mất thời gian. Trên thực tế, ngoài DN đã xây dựng chương trình PM ứng dụng cần phải nâng cấp, các DN khác rất khó thực hiện việc nâng cấp PM đó. Do vậy, vấn đề chỉ định thầu trong nâng cấp PM - mang tính đặc thù của lĩnh vực PM cũng rất cần có một quy định riêng phù hợp.
Đối với ông Nguyễn Nhật Quang, giám đốc công ty Hài Hòa, việc đưa ra phương pháp định giá PM theo điểm chức năng cùng đơn giá của các nước có điều kiện như Việt Nam là bước "đột phá” trong quản lý đầu tư DAPM. Để tránh lãng phí trong đầu tư PM, nhà đầu tư phải xác định rõ nhu cầu ứng dụng và hiệu quả cuối cùng cần hướng tới. Bởi vì, nếu theo phương pháp định giá PM theo điểm chức năng, lãng phí lớn nhất chính là các chức năng PM được thiết kế, xây dựng nhưng lại không được sử dụng.
Dự kiến sau khi hoàn chỉnh (trong năm 2006) và áp dụng thử nghiệm với một số DAPM đã triển khai (khoảng 20 DA), văn bản này sẽ được Bộ BCVT, Bộ Tài Chính, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư ban hành tạm thời qua hình thức thông tư liên tịch, sau đó sẽ được điều chỉnh dần cho phù hợp với thực tế.