Thứ sáu, 26/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 13/08/2009
Thị trường CNTT - Lạc quan cuối năm

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2009 trong ngành CNTT theo đánh giá của một số DN là chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn. Sau đây là một vài ghi nhận từ kết quả hoạt động kinh doanh của một số đơn vị, và dự báo tình hình kinh doanh cuối năm của thị trường CNTT.

MTXT và ĐTDĐ: Kỳ vọng sức mua cuối năm...

 

" Dự báo từ nay đến cuối năm người tiêu dùng tại Phan Khang sẽ có xu hướng gia tăng sử dụng MTXT, sức mua có thể tăng 50% so với sáu tháng đầu năm”,ông Trần Đình Lưu Phong.
 

Tại trụ sở chính Khu mua sắm Đệ Nhất Phan Khang, quận Tân Bình, thống kê cho thấy doanh thu ngành hàng CNTT tăng trung bình 20%/tháng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó máy tính xách tay (MTXT) và màn hình LCD tăng trưởng nhiều. Ngược lại mặt hàng điện thoại di động (ĐTDĐ) sức mua chậm lại. 6 tháng đầu năm, doanh thu ĐTDĐ tăng chậm từ 7% đến 10% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing Phan Khang cho biết mùa mua sắm hiện đang ở giai đoạn thấp điểm. Những tháng cuối năm tình hình ngành hàng CNTT được dự báo sẽ sôi động hơn năm ngoái, đặc biệt là MTXT và màn hình LCD. Dự kiến đối tượng mua hàng đa phần sẽ là giới trẻ, sinh viên.

Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Thế giới Di động (Thegioididong) cho biết, ĐTDĐ và MTXT vẫn luôn là những mặt hàng sôi động của thị trường CNTT hiện nay. Điện thoại có giá từ 4,5 triệu đồng trở lên (thường có hỗ trợ 3G) chiếm khoảng 10% thị phần. Trong phân khúc thị trường ĐT, phần lớn, người tiêu dùng thường chọn sản phẩm có giá dưới 3,5 triệu đồng. Theo kết quả nghiên cứu của Thegioididong về sở thích mua ĐTDĐ tại các cửa hàng , khách hàng lần đầu chủ yếu chọn hàng bình dân (low-end), hàng giá rẻ chiếm 90% thị phần. Đối tượng mua sản phẩm giá cao chú trọng vào thương hiệu, mẫu mã sành điệu, thời trang chứ thực chất vẫn chưa sử dụng hết tính năng hiện có của sản phẩm. Do vậy, doanh thu 6 tháng đầu năm 2009 của Thegioididong ở mảng này đạt khoảng 930 tỷ đồng.

Thegioididong dự kiến, từ nay đến cuối năm 2009 sẽ mở rộng độ phủ của các cửa hàng tại những khu vực tập trung khu dân cư, trung tâm mua sắm và các trung tâm chăm sóc
khách hàng.

Ông Nguyễn Phương Huy, Giám đốc kinh doanh Nhóm sản phẩm MTXT của Thegioididong cho biết, do ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn, dành nhiều thời gian để lựa chọn trước khi mua sản phẩm. Các hãng cũng đưa ra nhiều mẫu mã MTXT mới với giá cạnh tranh kèm nhiều chương trình khuyến mãi như tặng tiền mặt, tặng thẻ cào, rút thăm trúng thưởng... Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm của ngành hàng MTXT tại các cửa hàng Thegioididong khoảng 90 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2008. Số lượng bán chủ yếu tập trung vào các dòng MTXT phổ thông và giá rẻ với giá bán trung bình từ 9 - 10 triệu đồng. Điều này cho thấy tăng số lượng sản phẩm bán được nhưng lại giảm giá trị.

Phần mềm và dịch vụ: Vị trí chủ chốt

 

Cửa hàng thế giới di động

Công ty Cổ phần FPT là đơn vị dẫn đầu kinh doanh trong lĩnh vực CNTT. Năm 2009, đơn vị tiếp tục giữ vững vị trí, với doanh thu năm 2008 đạt gần 17 ngàn tỷ đồng, tăng 25%.

Năm 2009 được dự báo là năm chịu ảnh hưởng của suy thoái nặng nhất nhưng doanh thu 6 tháng đầu năm 2009 của FPT rất khả quan. Doanh thu quý II đạt gần 4.294 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu của 6 tháng đầu năm lên trên 8 ngàn tỷ đồng, đạt 114,08% so với kế hoạch. Để có được kết quả này, trong chiến lược phát triển năm 2009, FPT đã chú trọng đẩy mạnh mảng dịch vụ.

Về doanh số của các mảng: viễn thông, đào tạo, tích hợp hệ thống và xuất khẩu PM tăng so với cùng kỳ năm 2008 lần lượt là: 51,2%; 48,1%; 6,3% và 12,5%. Nếu tính riêng mảng PM và dịch vụ, doanh số đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng 39,2% và hoàn thành 112,3% kế hoạch đề ra. Lãi trước thuế đạt gần 550 tỷ đồng, vượt 26,3% kế hoạch và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2008. Tỷ trọng lợi nhuận của PM và dịch vụ vẫn giữ vị trí chủ chốt, chiếm 69,8% cơ cấu lợi nhuận của toàn tập đoàn.

“Dù mảng phân phối ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nhu cầu trên thị trường, nhưng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của tập đoàn FPT khá tốt, hứa hẹn một năm thành công với những chiến lược và định hướng mới” ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FPT lạc quan cho biết.

Đầu tư bị ảnh hưởng

 

" Ngành hàng MTXT sẽ tăng trưởng mạnh vào 6 tháng cuối năm, đặc biệt là vào Quý IV, thời điểm khai giảng và mùa mua sắm cuối năm (tháng 12) ,ông Nguyễn Phương Huy.

Theo số liệu báo cáo đến 30/6/2009 của công viên Phần mềm Quang Trung (CVPMQT), tổng vốn đầu tư và đăng ký đầu tư là 5.300 tỷ đồng. Tổng số DN hoạt động là 94, so với năm 2008 (là 104) giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu, một số DN gặp khó khăn từ công ty mẹ cũng như thị trường, khách hàng nên phải ngưng hoạt động. Doanh số năm 2008, CVPMQT đạt khoảng 84 triệu USD tăng khoảng 40% so với 2007. Tổng lượng người làm việc và học tập tại CVPMQT là 16.290, tăng 40% so với năm 2008 cho thấy mục tiêu thu hút nhân lực và đào tạo nhân lực đang ngày càng tiến triển tốt hơn. Năng suất lao động của các nhân viên làm việc đạt khoảng 205 triệu đồng/người/năm. Theo báo cáo nghiên cứu độc lập của các chuyên gia kinh tế, vào cuối năm 2008 hàm lượng giá trị gia tăng do các DN tại CVPM Quang Trung tạo ra đạt khoảng 56%.

Chú trọng thị trường trong nước

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM cho biết: “Dự báo thị trường trong nước sẽ ngày càng quan trọng và tiếp tục phát triển cùng với thị trường xuất khẩu PM. Nhu cầu ứng dụng CNTT của các cơ quan quản lý nhà nước đã khởi sắc, đang bước vào giai đoạn triển khai trên diện rộng. Việc tuân thủ và mua bản quyền PM là bắt buộc và trở thành gánh nặng đối với nhiều DN (đặc biệt DN vừa và nhỏ) nhưng lại là cơ hội “vàng” cho DN làm PM chiếm lĩnh thị trường nội địa”.

“Khá nhiều DN PM nước ngoài quan tâm đến thị trường PM nội địa. Tuy nhiên, nhiều vấn đề như: chi phí bản quyền, chi phí hỗ trợ, đào tạo và chuyển giao giải pháp “ngoại” chưa phù hợp với khả năng hấp thụ công nghệ và tài chính của đại đa số các cơ quan, tổ chức và DN có nhu cầu. Đây cũng là rào cản không nhỏ để cho thị trường nội địa có thể chấp nhận và rộng mở đối với sản phẩm PM của nước ngoài, ngoại trừ các PM trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Ngoài ra, trước tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu xu hướng mua và sát nhập DN để hình thành nên những tập đoàn CNTT đa ngành, đa lĩnh vực, đa thị trường để đứng vững trên thị trường sẽ diễn ra. Đây cũng là nhận định của Chính phủ, khuyến khích các hình thức này phát triển, nhằm tạo thương hiệu uy tín, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Tuấn nói.

Lạc quan cuối năm

 

 
“6 tháng đầu năm, toàn thành phố có 4.574 cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet công cộng; 592.000 thuê bao băng thông rộng ADSL, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2008. Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông ước đạt 1.071,5 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,7%); doanh thu công nghiệp phần mềm ước đạt 118 triệu USD; trong đó doanh thu phần mềm/dịch vụ nội địa đạt 76 triệu USD, doanh thu phần mềm gia công/xuất khẩu 42 triệu USD. Doanh thu từ công nghiệp phần cứng 186 triệu USD, trong đó riêng xuất khẩu phần cứng là 128 triệu USD”.
(Trích Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội TP.HCM 6 tháng 2009)

Theo đánh giá của ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc sở TTTT TP.HCM: “Thị trường CNTT TP.HCM 6 tháng đầu năm 2009 có lẽ đã không chịu ảnh hưởng nhiều của cuộc suy thoái kinh tế thế giới do các DN còn hợp đồng cũ, có chăng là họ chưa có thêm hợp đồng mới. Để đánh giá chính xác cần chờ đến cuối năm 2009. Sáu tháng đầu năm không có gì để các DN bi quan và lo lắng! Sáu tháng cuối năm, chúng ta hy vọng thế giới vượt qua được cơn khủng hoảng, chúng ta đi chậm hơn nên hy vọng có thể vượt qua khủng hoảng mà không bị tác động nhiều”.

Cũng mang cái nhìn lạc quan đối với CNTT, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: “CNTT vẫn là một lĩnh vực có sự tăng trưởng so với các năm trước, mặc dù các lĩnh vực khác có sa sút. Như vậy, thành phố không có lý do gì để cắt, giảm đầu tư CNTT. Hơn nữa, CNTT không phải chỉ có Nhà nước cần đầu tư mà bản thân các DN trong nhu cầu phát triển quản lý của mình và trong điều kiện hội nhập quốc tế rất cần đầu tư cho CNTT. Có thể nói, CNTT là nhu cầu của toàn xã hội!”.
 

Theo Pcworld

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0