Cập nhật: 11/08/2009 |
Chặn vi phạm bản quyền từ nhà cung cấp dịch vụ internet |
|
Số người sử dụng internet tăng mạnh dẫn đến tỷ lệ vi phạm bản quyền, đặc biệt là tải nhạc số bất hợp pháp tăng theo cấp số nhân.
|
|
Nếu năm 2003, Việt Nam mới chỉ có 3,8% dân số sử dụng internet, thì đến tháng 6/2009, số người sử dụng đã tăng lên đến gần 25%. Đó là số liệu đưa ra tại hội thảo WIPO khu vực châu Á - Thái Bình Dương về quyền tác giả công nghệ thông tin - truyền thông, tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Trong bảng xếp hạng của Miniwatts Marketing Group cuối tháng 3/2009, Việt Nam đứng thứ 18 trong 20 nước có số người sử dụng internet nhiều nhất thế giới.
Theo ông Ang Kwee Tiang, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn Quốc tế các tổ chức của tác giả và nhạc sĩ (CISAC), không chỉ các tác phẩm của nước ngoài, mà tác phẩm âm nhạc của tác giả Việt Nam cũng bị vi phạm bản quyền ở nước ngoài khá nhiều. Các tác phẩm đó được đưa lên mạng, nên ở nước ngoài người ta vẫn có thể tải chúng miễn phí.
Tuy nhiên, với tư cách là cố vấn của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), đã nghiên cứu hệ thống bảo vệ bản quyền tại Việt Nam cũng như các nước châu Á - Thái Bình Dương, ông Ang Kwee Tiang cho rằng gần đây Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc thực thi tác quyền. Như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) mới thành lập được 6 năm, nhưng đã thu hàng triệu USD tác quyền cho các tác giả. Trong khi đó, ở Trung Quốc, tổ chức thực thi quyền tác giả ra đời cách đây 20 năm nhưng hoạt động hầu như không hiệu quả.
Từ thực trạng này, ông Ang Kwee Tiang gợi ý một số cách để giảm số lượng tác phẩm đưa lên mạng bất hợp pháp. Chẳng hạn, các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) khi phát hiện vi phạm bản quyền, có thể gửi thư điện tử cảnh báo. Nếu vẫn tiếp tục vi phạm thì đình chỉ hoặc chấm dứt thuê bao, phạt tiền hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên, để làm được việc này phải có lộ trình, nhất là trong môi trường không biên giới như internet.
Theo Báo Đất Việt |