Thứ bảy, 03/08/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 27/09/2006
Bản tin Thương mại điện tử (tuần từ 18/9 đến 22/9/2006)

Đưa ADSL vào danh mục bắt buộc quản lý chất lượng;Kỷ niệm một năm ECVN và lễ trao quyết định nâng cấp thành viên đợt hai; Tên miền Internet Việt Nam sẽ được phép chuyển nhượng, Sở BCVT TP.HCM triển khai sử dụng chữ ký điện tử; TP.HCM & Bình Dương thí điểm quản lý hàng chuyển khẩu qua mạng; Vietnam Airlines sắp bán vé qua mạng; Ngành dệt may phải tăng cường ứng dụng CNTT/TMDT; Khi các công ty du lịch đua nhau mở web; Internet mang "gương mặt châu Á".

Đưa ADSL vào danh mục bắt buộc quản lý chất lượng

Bộ Bưu chính - viễn thông đã chính thức đưa dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao (ADSL) vào danh mục loại hình dịch vụ bắt buộc quản lý chất lượng. Việc đưa dịch vụ này vào danh mục phải quản lý chất lượng bởi thời gian qua các nhà cung cấp dịch vụ đã không thực sự chú trọng tới chất lượng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng, dẫn tới việc nhiều khách hàng phản ánh về tình trạng dịch vụ kém. Sau khi ADSL thuộc loại hình dịch vụ bắt buộc quản lý chất lượng, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải công bố chất lượng, báo cáo chất lượng dịch vụ, kiểm tra, giám sát, công khai thông tin về chất lượng dịch vụ. Ngoài việc doanh nghiệp tự kiểm tra, giám sát, công bố chất lượng, hằng năm Cục Quản lý chất lượng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin (Bộ Bưu chính - viễn thông) cũng sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng loại hình dịch vụ này. (TTO)

Kỷ niệm một năm ECVN và lễ trao quyết định nâng cấp thành viên đợt hai

Sáng 21/9/2006 Cổng Thương mại điện tử quốc gia (ECVN) đã kỷ niệm một năm đi vào hoạt động và trao quyết định nâng cấp thành viên đợt 2. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng thường trực Phan Thế Ruệ, đại diện các bộ Tài chính, bộ Kế hoạch Đầu tư, Trung tâm Thông tin thương mại, cục Xúc tiến thương mại – Bộ Thương mại, một số doanh nghiệp thành viên ECVN và các cơ quan báo chí truyền thông.

Tổng kết một năm hoạt động của ECVN đã cho thấy nhiều thành công đáng khích lệ. Tính đến đầu tháng 9, ECVN đã có gần 1000 thành viên, trên 3000 cơ hội kinh doanh và đã trở thành sàn giao dịch thương mại điện tử B2B hàng đầu Việt Nam. Kết quả nổi bật nhất mà ECVN thực hiện được trong thời gian qua là đã góp phần quảng bá lợi ích của thương mại điện tử, nâng tầm nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước, giúp nhiều doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử một cách hợp lý, phù hợp với mô hình hoạt động kinh doanh của mình. (ECVN)

Tên miền Internet Việt Nam sẽ được phép chuyển nhượng

Theo thông báo từ trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tên miền Internet sẽ được phép chuyển nhượng, kèm theo quy chế về thuế và lệ phí chuyển nhượng. Tuy nhiên, các tổ chức và cá nhân bị ngăn cấm hành vi đầu cơ để chuyển nhượng vì tên miền Internet hiện được coi là tài sản quốc gia. Bộ BCVT hiện đang xây dựng quy chế này. (LĐ)

Sở BCVT TP.HCM triển khai sử dụng chữ ký điện tử

Ngày 20/9/2006, Sở BCVT TP.HCM đã triển khai sử dụng chữ ký số trong các giao dịch. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử sử dụng công nghệ khóa công khai (PKI), đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật trong giao dịch điện tử; cho phép người sử dụng trao đổi các thông tin mật, ký xác nhận nội dung thông tin mà không cần các khóa chung bí mật trước đó, làm cơ sở cho giao dịch chính phủ điện tử. Mỗi chuyên viên của Sở sẽ được cấp 1 thẻ thông minh chứa chữ ký số được chứng thực bởi trung tâm chứng thực của Sở. Các chuyên viên sẽ sử dụng thẻ này để thực hiện chữ ký số trên các văn bản số đã được soạn thảo. Ngoài ra, thẻ thông minh này cũng được dùng để khai báo giờ đến và về trong ngày làm việc. Đây là cơ quan Nhà Nước đầu tiên tại TP.HCM sử dụng chữ ký số đối với các văn bản số. (SGGP)

TP.HCM & Bình Dương thí điểm quản lý hàng chuyển khẩu qua mạng

Thực hiện Quyết Định số 927 của Tổng Cục Hải Quan, Chi Cục Hải Quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 - TP.HCM và Cục Hải Quan tỉnh Bình Dương đã được chọn làm thí điểm thủ tục quản lý chuyển khẩu qua mạng. Ông Ngô Minh Hải – Phó Vụ Trưởng Vụ Giám Sát Quản Lý Tổng Cục Hải Quan cho biết với quy trình thủ công cũ thì chỉ tính riêng chi phí fax hồ sơ và đi lại giữa các đơn vị trong ngành đã là rất tốn kém và còn xảy ra tình trạng không đầy đủ hồ sơ, không kịp thời trong giải quyết công việc. Nay với việc thực hiện qua mạng, các chi cục chỉ cần nhập số liệu vào máy theo các phần mềm cài sẵn là toàn bộ thông tin sẽ được truyền đến địa chỉ có hàng hóa chuyển khẩu để làm thủ tục theo yêu cầu, không cần phải chờ đợi như trước đây. (NLĐ)

Vietnam Airlines sắp bán vé qua mạng

Kể từ tháng 11/2006, tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ chính thức áp dụng phương thức bán vé qua mạng. Hành khách sử dụng thẻ thanh toán có biểu tượng của Master và Visa đều có thể mua vé qua mạng thông qua trang web www.vietnamair.com.vn. Sau khi hoàn thành các thủ tục khai báo và trả tiền, hành khách sẽ nhận được một e-mail xác nhận đã đặt chỗ với số ghế, số chuyến bay và các thông tin cần thiết. Trước mắt, phương thức bán vé mới này được áp dụng cho đường bay Hà Nội – TP.HCM. (TN)

Ngành dệt may phải tăng cường ứng dụng CNTT/TMDT

Để tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành dệt may khi Việt Nam gia nhập WTO, ông Lê Quốc Ân - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, có 3 việc cần làm ngay của ngành, trong đó yếu tố được ông nhấn mạnh nhất là tăng tốc thực hiện thương mại điện tử, ứng dụng CNTT để quản lý và đẩy mạnh việc kinh doanh qua mạng. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến CNTT vì ngành dệt may Trung Quốc hiện còn yếu về điểm này và Việt Nam nên nhanh chóng tận dụng để vươn lên. (SGGP)

Khi các công ty du lịch đua nhau mở web

Thời gian gần đây, các công ty du lịch ngoài trang web chính thức đã đua nhau mở các trang web thời vụ để tiếp thị cho các tour du lịch của mình. Có thể kể đến trang www.dulichhe.com của công ty du lịch lữ hành Saigontourism, trong 3 tháng hè, trang web này đã thu được 260.508 lượt truy cập. Lượng khách mua tour và vé máy bay qua trang web lên đến 2.543 khách. Thấy được sự thành công đó, một công ty du lịch khác đã lập kế hoạch xây dựng trang web www.dulichtet.com nhưng đã không đăng ký được tên miền này vì đại gia Saigontourism đã nhanh chân mua trước và thậm chí còn mua luôn cả www.dulichthudong.com. Không chịu thua, công ty Vietravel đã ra mắt trang web chuyên đề www.sacthuvang.com và dịch vụ nhắn tin tìm tour qua tổng đài 1900561579. Cuộc cạnh tranh trên thị trường bán tour qua web và mạng viễn thông đang ngày càng sôi nổi. Nhìn ở góc độ kinh tế, đây quả là một bước chuyển mới đáng mừng của ngành du lịch thời kỳ chuẩn bị hội nhập WTO. (SGGP)

Internet mang "gương mặt châu Á"

Theo báo cáo của Ipsos, một công ty chuyên nghiên cứu các xu hướng và đánh giá thị trường, gương mặt nổi bật của web toàn thế giới năm 2005 thuộc về các nước Châu Á. Năm 2005 Nhật là nước có người dân thường xuyên vào mạng nhất (89% được hỏi nói ít nhất một lần/tháng sử dụng Internet), trong khi Canada là 72%, Mỹ là 71%, và Đức có 62%. Tuy nhiên, bỏ ra nhiều thời gian trên mạng nhất toàn cầu chính là dân Trung Quốc, với 17,9% thời gian của mình họ dành cho Internet. Tiếp đó là Nhật (13,9%), rồi đến Canada (12,4%) và Mỹ (11,4%). Internet tốc độ cao phổ biến nhất là ở Nhật, Trung Quốc và Đức. Trong số các quốc gia được nghiên cứu, Nga là nước đi đầu trong việc sử dụng công nghệ dial-up. Tuy nhiên, Nga lại về thứ hai sau Ấn Độ về số người sử dụng truy cập không dây vào Internet. (TT)

Theo Mot.gov.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0