Thứ sáu, 17/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 06/08/2009
Làng nghề thời mở "nét", lập web

Hơn 100 mẫu tranh Đông Hồ đã được
cập nhật lên trang web này.
Những chủ doanh nghiệp ở làng tranh dân gian Đông Hồ, gốm Phù Lãng, gỗ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái… đã kể cho chúng tôi nghe về chuyện lập web, về những đơn hàng đầu tiên họ ký được qua mạng. Thương mại điện tử đã bước chân vào làng nghề ở Bắc Ninh thật hồn nhiên với nhiều chuyện khóc cười… Nhưng đó thực sự là sự khởi đầu đúng hướng của một tư duy làm ăn mới trong giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài 2: “Bà đỡ” của những địa chỉ "đót com"


Hành trình “nối duyên”


Không chỉ Đông Hồ, Phù Lãng, lớp người kế tục nghề cổ của nhiều làng nổi tiếng ở Bắc Ninh như gỗ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái, gốm Luy Lâu... cũng đã lần lượt “tậu” web. Chỉ khác là họ không còn phải mày mò tự bỏ tiền ra làm rồi thất bại nữa, có hẳn cả một nơi chuyên thiết kế web miễn phí cho họ…


Sau khi nghe câu chuyện của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Vũ Hữu Nhung, chúng tôi tìm đến nơi đã hỗ trợ dân làng nghề lập web. Lần mò mãi rồi chúng tôi cũng đến được Phòng Xúc tiến thương mại, Sở Công thương Bắc Ninh. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Đức Hùng vui vẻ kể lại.


Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi tiên phong trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010 của Chính phủ. Từ năm 2007, tỉnh đã xây dựng một kế hoạch phát triển thương mại điện tử riêng và giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại (XTTM) tổ chức thực hiện. Trong đó, nội dung chính là hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng website và tham gia sàn giao dịch ECVN (Cổng thương mại điện tử quốc gia).


“Ưu tiên của chúng tôi là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ lập web. Vì những doanh nghiệp lớn của Nhà nước thì không cần hỗ trợ họ cũng phải có website để giao dịch rồi. Mà trong các doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi đặc biệt ưu ái các cơ sở sản xuất làng nghề”, ông Hùng chia sẻ với chúng tôi.


Cũng dễ hiểu thôi, bởi Bắc Ninh có tới 61 làng nghề với hàng trăm cơ sở sản xuất, chỉ đứng sau Hà Tây về tốc độ phát triển làng nghề. Sau khi được được giao công việc này, những cán bộ của Trung tâm đã phải lặn lội đến từng làng nghề để vận động bà con đi học về thương mại điện tử. Vì chỉ khi có kiến thức về thương mại điện tử, những ông chủ cơ sở sản xuất làng nghề mới chịu đăng ký lập web.


Năm ngoái, sau khóa học về thương mại điện tử được tổ chức thành công cho 124 học viên đến từ hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh, thì có 41 đơn vị đăng ký hỗ trợ xây dựng website và tham gia sàn giao dịch ECVN. Trung tâm Xúc tiến thương mại đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin về tình hình ứng dụng CNTT của các doanh nghiệp trên địa bàn để tổng hợp, lựa chọn hỗ trợ thiết kế website cho 39 đơn vị. Kết quả, trong năm 2008, có 29 đơn vị đáp ứng yêu cầu đã được hỗ trợ thiết kế xây dựng một trang web riêng.



"Ưu tiên của chúng tôi là hỗ trợ các DN vừa và nhỏ lập web... đặc biệt ưu ái các cơ sở sản xuất làng nghề - Ông Nguyễn Đức Hùng.

Mỗi doanh nghiệp đăng ký xây dựng trang web được tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng, bao gồm tiền thiết kế, hosting và tên miền. Sau một năm, trang web sẽ được trả về để cơ sở, doanh nghiệp tự cập nhật, quản lý.


Tháng 12 năm ngoái, sau khi 29 website ra đời, những cán bộ phòng Xúc tiến thương mại lại nín thở chờ xem cái công cụ mới hiện đại ấy có giúp gì được cho những ông chủ vốn chỉ quen bán hàng ở chợ quê theo kiểu “tiền trao cháo múc” không.  


Kết quả là chỉ trong sáu tháng, đã có tới 6/29 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng website nhận được 13 đơn hàng online. Doanh thu hợp đồng đạt được qua webstie ước tính đạt 2,6 tỷ, chủ yếu là những đơn hàng đồ gỗ nội thất, sản phẩm mây tre, may mặc…


Doanh nghiệp cây cảnh Phương Dung (thôn Giới Tế - Phú Lâm - Tiên Du, địa chỉ website www.cayxanh.com.vn) vốn không mặn mà với việc được hỗ trợ làm web, nhưng khi con trai của họ đứng ra làm đã chứng minh hiệu quả thực sự. Trong số 13 đơn hàng mà 6 doanh nghiệp ký có được từ việc quảng bá thương hiệu, dịch vụ thông qua website, thì doanh nghiệp này đã có trong tay tới 3 đơn hàng, có đơn hàng được ký kết với thời gian triển khai tới năm 2013.


Với những thành công ban đầu này, năm nay Bắc Ninh dự kiến sẽ lập thêm 50 website cho các cơ sở sản xuất nữa. Từ một tỉnh có chưa đầy “mươi” trang web của các doanh nghiệp vào năm 2007, Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2010, sẽ có thêm 100 trang web được lập. Đối tượng sẽ được mở rộng ra không chỉ là các làng nghề, mà là 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bắc Ninh, miễn là họ muốn có web và cam kết sẽ duy trì nó sau một năm được “bao’’ miễn phí.


Trong năm 2010, ông Hùng cho biết, ngoài việc sẽ tiếp tục xây dựng thêm web cho các doanh nghiệp, phòng Xúc tiến thương mại sẽ chọn những thương hiệu nổi tiếng, có khả năng phát triển và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đưa lên hệ thống giao dịch điện tử trong nước hoặc sàn giao dịch thế giới.


Lập web vì cần hay mở web cho "oách"?


Lập sẵn cả một kế hoạch phát triển thương mại điện tử để triển khai, song cũng phải thừa nhận rằng, để việc ứng dụng thương mại điện tử thực sự đem lại kết quả như ý muốn, Bắc Ninh vẫn còn rất nhiều việc phải làm.


Trong tổng số 41 doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ phát triển thương mại điện tử năm ngoái thì có đến 6 đơn vị chưa kết nối internet - công cụ cơ bản nhất để tiến hành giao dịch qua mạng. Hầu hết những doanh nghiệp này chỉ có một đến hai máy tính dùng để soạn thảo văn bản, giấy tờ, gần như không có doanh nghiệp nào có bộ phận chuyên trách về CNTT. Quả là đòi hỏi về cơ sở hạ tầng đầy đủ cho việc ứng dụng thương mại điện tử quá cao so với những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Bắc Ninh, nhất là những doanh nghiệp làng nghề. 



Thêm nữa, suy nghĩ của đa số những doanh nghiệp khi đăng ký hỗ trợ xây dựng web đều chỉ để in địa chỉ trên name card cho “oách”, có email riêng nhưng không sử dụng, làm xong website nhưng rồi bỏ đó, không tiếp tục các công việc tiếp theo, ông Hùng cho biết. Nếu vậy, chỉ sau một năm, khi không còn được Nhà nước đỡ đầu nữa, những trang web kiểu này sẽ chết yểu.



Anh Nguyễn Đăng Tâm, doanh nghiệp Tranh dân gian Đông Hồ:
“Hằng tuần tôi phải nhờ người trả lời e-mail
và cập nhật thông tin lên web”.


“Có những doanh nghiệp đồng ý để chúng tôi xây dựng web, nhưng chỉ phạm vi trong tỉnh thôi! Họ không muốn các đối tác, các doanh nghiệp tỉnh bạn, hay cả những doanh nghiệp nước ngoài biết đến công việc làm ăn, kinh doanh của họ.” Trong khi internet đang giúp con người mở rộng phạm vi giao lưu ra toàn cầu, mọi thông tin về doanh nghiệp có thể tìm kiếm trong vài giây, thì ý tưởng “làm web cấp tỉnh” của những ông chủ khiến những người hỗ trợ phải “bó tay”!


Hay như Công ty Cơ khí H.S ở xã Quảng Phú, huyện Lương Tài được hỗ trợ lập web xong, trong một lần tìm kiếm thông tin trên google, ông chủ nhìn thấy trang web của mình được xếp cạnh một trang web có nội dung không lành mạnh. Thế là ông tá hỏa tìm đến phòng Xúc tiến Thương mại đòi phải gỡ bỏ trang web kia xuống kẻo “ô danh” cái trang web mới lập của ông. Nếu không gỡ được trang kia thì không được để trang web của ông trên mạng nữa! Sự “thách đố” của ông chủ làng nghề buộc những người lập web lại phải kiên trì giảng giải. Kết quả là sáu, bảy tháng nay, trang web của ông vẫn hoạt động và cập nhật thông tin đều đặn.


Những ông chủ làng nghề thường chỉ mới cất cái cày đi chưa lâu, có khi buổi sáng còn ở ngoài đồng, buổi chiều đã vụng về ngồi bên máy tính. Chuyện “đánh vật” với việc sử dụng e-mail, lướt web tìm hiểu thông tin thị trường đã là cả một “kỳ tích” đáng nể, vậy mà giờ đây còn tính cả đến những chuyện giao dịch qua mạng, thì tránh sao nổi những suy nghĩ ấu trĩ kia?


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết hầu hết những cơ sở chịu lập trang web là do có con cháu học CNTT, biết được lợi ích của giao dịch điện tử, rồi giảng giải cho họ, giúp họ cập nhật số liệu, tin tức hàng ngày. Anh Nguyễn Đăng Tâm và cụ Nguyễn Đăng Chế có một cậu cháu tốt nghiệp khoa CNTT, ĐH Quốc gia Hà Nội, giờ đang làm việc cho một doanh nghiệp viễn thông lớn ở Hà Nội. Cứ cuối tuần, cậu lại về giúp gia đình cập nhật thông tin lên web và trả lời những thắc mắc của khách hàng.


Còn cơ sở gốm Nhung, cũng chỉ vì không có người chuyên sâu về quản trị mạng nên trang web đã “treo” cả tháng nay không vào được. Chị Hương đang rao tìm một người quản trị mạng cho trang web.


Chính vì thế, bên cạnh mục tiêu tiếp tục hỗ trợ thiết kế web cho các doanh nghiệp, trong năm 2009 Sở Công thương Bắc Ninh vẫn tiếp tục phối hợp với Viễn thông tỉnh mở các khóa đào tạo, tìm hiểu ứng dụng thương mại điện tử, xuất bản tờ rơi, tờ gấp để phát đến các doanh nghiệp.


Mặt khác, ông Nguyễn Đại Phong, Phó Giám đốc Viễn thông Bắc Ninh cho biết, sẽ ưu tiên để 100% số hộ ở các làng nghề đều có thể kết nối được internet tốc độ cao, tạo cơ sở hạ tầng cần thiết để dân làng nghề vào website và nhận đơn hàng qua mạng dễ dàng.


Không thể ngờ những trang web do người của làng nghề làm chủ giờ đây có thể vươn ra tận Anh, Mỹ, hay sang tận Nhật Bản, Hàn Quốc xa xôi. Ngồi ở đâu trên trái đất này người ta cũng có thể online để hỏi mua món quà quê từ một làng nghề truyền thống. Chỉ nghĩ đến điều kỳ diệu đó thôi mà bỏ qua những khó khăn của chặng đường còn dài để tiến tới được giao dịch điện tử hoàn toàn, cũng đủ thấy những việc làm của Bắc Ninh thật ý nghĩa.
Theo Nhân dân
  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0