Thứ sáu, 17/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 03/08/2009
Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sắp hầu tòa

TAND Hà Nội đang thụ lý hồ sơ chuẩn bị xét xử vụ tiêu cực trong điều hành đề án 112 liên quan ông Vũ Đình Thuần (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) cùng nhiều giám đốc và cán bộ nhà nước. 23 người bị cáo buộc gây thất thoát hơn 4,6 tỷ đồng.

Ông Vũ Đình Thuần. Ảnh: Người Lao Động

Dự kiến, phiên xử sẽ khai mạc vào cuối năm nay do một lãnh đạo của tòa hình sự làm chủ tọa. Hiện, trong 23 bị can đã có 21 trường hợp được tại ngoại; chỉ còn ông Vũ Đình Thuần với vai trò Trưởng ban Quản lý đề án 112 cùng ông Lương Cao Sơn (thư ký ban điều hành) vẫn bị bắt tạm giam.

Các cơ quan tố tụng xác định, khi triển khai đề án 112 (Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước 2001-2005), theo đề xuất của cấp dưới là Sơn và Nguyễn Cát Hồ (tổ trưởng tổ đào tạo), ông Thuần đã ký gần 130 hợp đồng với nhiều công ty trong việc mua sắm bản quyền phần mềm; ký hợp đồng in giáo trình tài liệu, hợp đồng đào tạo... Tuy nhiên, việc thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng quy chế đấu thầu khi không lập kế hoạch hay chia nhỏ dự án để tránh đấu thầu...

Đề án 112 được Thủ tướng phê duyệt năm 2001.
Theo kết quả kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư được duyệt 3.830 tỷ đồng. Tổng kinh phí đã sử dụng gần 1.160 tỷ đồng. Trong số này 20% bị sử dụng trái quy định.

Chẳng hạn, khi thực hiện các hợp đồng mua sắm bản quyền phần mềm với Công ty Công nghệ tin học ISA ông Thuần đã "bỏ qua" các quy định về đấu thầu. Để được "ưu ái" này, bà Nguyễn Thúy Hà (giám đốc ISA) khai, đưa trực tiếp tổng cộng 510 triệu đồng cho ông Thuần và Sơn. Trong đó ông Sơn hưởng 410 triệu đồng, ông Thuần 100 triệu đồng.

Ông Sơn cũng thừa nhận, khi doanh nghiệp trúng thầu thì việc đưa tiền cho Ban quản lý dự án đã trở thành "thông lệ chung" tại đây. Vị thư ký của Ban điều hành cho biết đã nhận hàng trăm triệu đồng của bà Hà, và đưa cho "sếp" Thuần 200 triệu đồng, riêng ông hưởng 80 triệu đồng...

VKSND Tối cao xác định, qua việc thực hiện 24 hợp đồng với ISA với tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng, nhà nước bị thiệt hại hơn 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên qua củng cố chứng cứ, cơ quan điều tra chỉ đủ cơ sở khẳng định, ông Thuần đã hưởng lợi 200 triệu đồng, ông Sơn 80 triệu đồng...

Còn khi thực hiện 28 hợp đồng in giáo trình với NXB Tư pháp, các ông Thuần, Sơn cùng Hồ đã cố ý làm trái công vụ, gây thiệt hại cho nhà nước gần 1,2 tỷ đồng. Tương tự tại nhiều hợp đồng in sách với Tổng công ty Sách VN, những người này tiếp tục gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng...

VKSND Tối cao cho rằng, vì động cơ vụ lợi của những cán bộ trên và 20 người khác có liên quan, nhà nước đã bị thiệt hại hơn 4,6 tỷ đồng.

Ông Thuần được xác định giữ vai trò chính, với số tiền bị cáo buộc hưởng lợi bất chính là 275 triệu đồng; còn ông Sơn là chủ mưu, khởi xướng hưởng lợi gần 750 triệu đồng; riêng ông Hồ không đủ căn cứ xác định có nhận tiền "lót tay" song vì động cơ vụ lợi đã cố ý làm trái công vụ. Hành vi của 3 ông Thuần, Sơn, Hồ đã đủ cơ sở cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Liên quan vụ việc, 17 người khác cũng bị truy tố về tội danh này. Trong số này có ông Nguyễn Đức Giao (cựu giám đốc Nhà Xuất bản Tư pháp), Phạm Văn Tuấn (Phó giám đốc NXB), Phạm Thị Tuyết Lan (kế toán trưởng NXB); cùng Hoàng Đăng Bảo (cựu chuyên viên Vụ cải cách hành chính Văn phòng Chính phủ); Trần Tấn Ngô (cựu tổng giám đốc Tổng công ty sách VN) và các thuộc cấp Nguyễn Thị Minh Thiệu (phó tổng giám đốc), Nguyễn Thị Phương Hoa (phó tổng giám đốc), Lưu Ý Nhi (kế toán trưởng), Ngô Thị Nhâm (phó phòng kinh doanh)... và Nguyễn Thúy Hà (nguyên tổng giám đốc ISA), Chu Xuân Vinh (giám đốc Công ty Đầu tư phát triển công nghệ ứng dụng Toàn cầu), Lê Trung Nghĩa (giám đốc Công ty Cổ phần phần mềm thương mại điện tử Nhất Vinh)...

Riêng hai em trai của ông Sơn là Lương Cao Phi, Lương Cao Phong cùng Công Tuấn Hải (cán bộ NXB Bản đồ) bị xử lý về tội lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi. Họ được xác định đã "sử dụng" vị thế của ông Sơn để hưởng lợi tại một số hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và Ban quản lý đề án.

Diễn biến vụ án

- Ngày 13/9/2007: Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trưởng ban điều hành đề án 112 Vũ Đình Thuần bị bắt.

Cùng ngày, ông Nguyễn Đức Giao (Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, Bộ Tư pháp); ông Lương Cao Sơn (Thư ký ban điều hành đề án 112), ông Hoàng Đăng Bảo (Vụ Hành chính, Văn phòng Chính phủ), bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Nguyễn Thị Minh Thiệu (phó tổng giám đốc Tổng công ty phát hành sách)... cũng vướng vòng lao lý.

- Vài ngày sau, Chính phủ đình chỉ công tác của ông Thuần, Bảo và Sơn.

- Chiều 19/11/2007, đăng đàn Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận Chính phủ đã sai lầm khi giao đề án 112 cho một cơ quan tham mưu không có chuyên môn, hoạt động lỏng lẻo.

Theo Vnexpress

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0