Xác định việc ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong nhà trường là một phương tiện hữu ích và hiệu quả nhằm tăng cường nội lực, tính chủ dộng của các nhà trường, góp phần hiện đại hoá giáo dục đào tạo, trong những năm qua, phòng giáo dục huyện Đông Triều đã chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực CNTT và ứng dụng CNTT trong giáo dục, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và ứng dụng CNTT một cách hiệu quả trong công tác quản lý của nhà trường.
Một trong những khó khăn để triển khai ứng dụng CNTT trong các nhà trường là hầu hết các cán bộ giáo viên (CBGV) đều rất băn khoăn và lo ngại, nhất là đội ngũ giáo viên tuổi cao, bởi những kiến thức cơ bản về CNTT đối với họ còn quá mới mẻ. Chính vì vậy, Phòng giáo dục huyện Đông Triều đã phải tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo ra sự đồng thuận từ lãnh đạo phòng, các trường đến giáo viên giảng dạy... Đối với đội ngũ giáo viên ở độ tuổi 40 trở lên, ngành giáo dục huyện đã phát động phong trào thi đua và phân công ''giáo viên trẻ hỗ trợ giáo viên già về tin học - giáo viên già hỗ trợ giáo viên trẻ về nghiệp vụ chuyên môn''. Bên cạnh đó, Phòng giáo dục huyện đã chủ động tiến hành khảo sát, điều tra trình độ tin học và kỹ năng sử dụng máy vi tính của CBGV để từ đó phân loại về trình độ tin học, xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên cốt cán các trường, hỗ trợ các trường liên kết với các trung tâm đào tạo tin học, ngoại ngữ bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho gần 900 CBGV các trường trên địa bàn. Trong dịp hè 2008, Phòng giáo dục huyện Đông Triều đã tổ chức tập huấn cho hơn 1.400 CBGV Tiểu học, THCS về ứng dụng CNTT vào quản lý và dạy học, trong đó có hơn 200 CBGV được tập huấn về thiết kế và trình chiếu bài giảng điện tử.
Việc ứng dụng CNTT đã được đông đảo CBGV, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trẻ tích cực hưởng ứng. Số giáo viên và cán bộ quản lý có máy tính và biết sử dụng máy tính để soạn bài giảng điện tử tăng nhanh. Đến nay huyện Đông Triều đã đạt ''chuẩn hoá'' tiêu chuẩn CNTT đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy. Hiệu quả từ ứng dụng CNTT thực sự là động lực tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dạy - học và quản lý nhà trường ở huyện Đông Triều. Nhà giáo ưu tú Lưu Xuân Giới, Trưởng Phòng GD huyện Đông Triều cho biết:“Ban đầu khi triển khai chủ trương ứng dụng CNTT, rất nhiều giáo viên, cán bộ quản lý lo ngại, nhưng qua thời gian đi vào tổ chức thực hiện, bây giờ thì ai cũng thấy được tiện ích của nó trong việc quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo”.
Bằng nguồn kinh phí của Phòng giáo dục cùng các nguồn hỗ trợ của xã hội hoá giáo dục đến nay đã trang bị cho các trường gần 700 máy vi tính, 45 máy vi tính xáh tay, 150 máy in các loại, 38 máy chiếu Projecto, 14 máy chiếu hắt, 9 máy chiếu vật thể, 172 phông chiếu các loại. Riêng số CBGV đã tự trang bị được 346 máy tính để bàn, 50 máy vi tính xách tay và gần 400 gia đình CBGV lắp đặt và kết nối Internet băng thông rộng phục vụ cho công việc và khai thác thông tin phục vụ cho công tác giảng dạy. Hiện nay 71/71 các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, PTCS đã kết nối Internet, 39/71 trường có phòng học tin học, trong đó có 5/24 trường Mầm non, 12/24 trường Tiểu học, 01 trường PTCS và 22/22 trường THCS đã có phòng học tin học; 100% các phòng tin học đã kết nối mạng LAN và mạng Internet.
Bên cạnh những nỗ lực của mình, Phòng giáo dục huyện Đông Triều còn nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của VNPT và Viettel trong việc tạo điều kiện thuận lợi để các trường và đội ngũ CBGV có cơ hội tiếp cận với CNTT trong khai thác bài giảng điện tử từ các Website của ngành GD-ĐT làm tài liệu tham khảo và sử dụng trong giảng dạy. Trong năm học 2008-2009, hai trường THCS Mạo Khê II và Nguyễn Đức Cảnh được chọn làm “tiên phong” trong ứng dụng CNTT, được Cục CNTT (Bộ GD-ĐT) hỗ trợ ứng dụng một số phần mềm quản lý nhà trường, đã tạo ra bước đột phá... Tiếp đó, phòng giáo dục huyện Đông Triều đã mạnh dạn mở trang thông tin điện tử (www.dongtrieu.edu.vn) để sử dụng làm diễn đàn trao đổi nghiệp vụ, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác với các địa phương khác trong nước, khu vực và hợp tác quốc tế. Việc đầu tư phòng họp trực tuyến Adobe conect đến nay đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong môi trường giáo dục, cùng một lúc đáp ứng cho 75 trường học đều tham gia họp trực tuyến. Việc tổ chức họp trực tuyến qua mạng Internet không chỉ rút gọn thời gian chuẩn bị, công việc triển khai nhanh mà còn tiết kiệm kinh phí đi lại cho các trường, số người được cùng dự họp nhiều hơn và lãnh đạo Phòng tổ chức dự giờ giảng của các trường qua mạng thuận tiện hơn.
Từ việc phổ cập Internet, các trường học sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc tham gia bầu chọn Vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, tham gia thi trắc nghiệm cuộc thi ''Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức trên Internet hàng tuần.Bên cạnh đó, Phòng giáo dục huyện còn chỉ đạo cho CBGV tổ chức, hướng dẫn học sinh thu thập tài liệu, quay phim, chụp ảnh các di tích lịch sử, các Danh nhân ở địa phương để làm tư liệu góp phần cung cấp nội dung thông tin vào mạng giáo dục và website của phòng; tổ chức diễn đàn trên mạng để giáo viên và học sinh thảo luận bài học một cách tích cực và chủ động. Và điều này sẽ giúp cho mục tiêu xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực của ngành giáo dục huyện Đông Triều sớm trở thành hiện thực Tiến sỹ Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD-ĐT đánh giá: “Thành công của Phòng giáo dục huyện Đông Triều trong việc ứng dụng hiệu quả CNTT vào công tác quản lý nhà trường và nâng cao chất lượng đào tạo thực sự là cách làm hay để các địa phương khác trong cả nước triển khai học tập”.
Theo Nhân dân