Ngành GD&ĐT vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009, “năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT” và triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010.
Nhân dịp này, Báo Bưu điện Việt Nam đã phỏng vấn ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) về những bước tiến của việc ứng dụng CNTT trong giáo dục.
Năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã đi hết 1 năm. Ông có thể cho biết nhưng bước chuyển biến trong việc ứng dụng CNTT trong ngành Giáo dục như thế nào?
Tại hội nghị tổng kết năm học 2008-2009 và triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010 mới đây, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định “ứng dụng CNTT trong giáo dục đã có bước phát triển mang tính đột phá”.
Cá nhân tôi cho rằng bước đột phá lớn nhất, ghi dấu vào lịch sử của ngành GD chính là việc Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel đã hỗ trợ 100% kinh phí kết nối mạng Internet tới tất cả các trường, các cơ sở giáo dục, tổng cộng là gần 39 ngàn đơn vị, bao gồm cả trường mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, các phòng giáo dục, các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục cộng đồng.
Theo đúng kế hoạch đã được nêu rõ tại Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2008-2009, đến nay, việc kết nối kênh thuê riêng (leased line) qua đường cáp quang từ Bộ tới 63 Sở GD&ĐT đã hoàn thành, đồng thời việc kết nối Internet băng thông rộng tới tất cả các trường có điện lưới cũng đã cơ bản hoàn thành.
Tính đến thời điểm này, tỷ lệ các cơ sở giáo dục đã nối mạng Internet đã được nâng lên đáng kể so với năm học trước: các trường Tiểu học nâng từ 20% lên 73%; các trường liên cấp từ 8,8% lên 44,7%; trường THCS từ 33% lên 78%, THPT từ 85% lên 100%; trung học lớp ghép từ 60% lên 100%; phòng giáo dục từ 85% lên 100% và ngay cả khối mầm non thì tỷ lệ các trường đã nối mạng Internet cũng đạt tới 48%.
Có thể nói với sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, đặc biệt là Viettel thì ngành GD đã hoàn thành được nhiệm vụ CNTT quan trọng nhất trong năm học 2008-2009 là xây dựng hạ tầng CNTT. Tôi cho rằng, mỗi khi ra nước ngoài, mỗi khi đi hội nghị quốc tế, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào rằng Việt Nam đã có bước nhảy vọt về việc phát triển mạng Internet giáo dục.
|
Ông Quách Tuấn Ngọc. |
Tôi cũng xin chia sẻ, trong tháng 8 này, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với Intel chính thức công bố chương trình máy tính học đường với mức giá ưu đãi nhằm hỗ trợ các giáo viên, sinh viên và học sinh trong việc trang bị máy tính phục vụ công tác giảng dạy và học tập của mình. Chương trình này đã thu hút được sự tham gia hỗ trợ, tài trợ không chỉ của Intel mà còn có nhiều doanh nghiệp CNTT khác, là chương trình mang tính xã hội hoá rộng rãi.
Trong năm học vừa qua, những ứng dụng cơ bản đã được ngành GD triển khai trên nền mạng Internet giáo dục là gì, thưa ông?
Trên cơ sở mạng GD đã được kết nối, Cục CNTT đã chủ trì việc triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ cho công tác quản lý, giảng dạy. Thứ nhất là, triển khai thiết lập hệ thống email miễn phí theo tên miền riêng của các cơ sở GD. Việc sử dụng email trong ngành GD đã trở nên khá phổ biến. Đơn cử như: ngành giáo dục Hậu Giang đã triển khai cấp 60 ngàn account (tài khoản) cho các trường, tới tận các học sinh; hay như ở ĐH Cần Thơ, ĐH Bách Khoa Hà Nội, mỗi trường cũng đã tạo 50 ngàn account cho các sinh viên.
Thứ hai là, xây dựng trang web riêng của các Sở để trao đổi thông tin giáo dục. Hiện ngành GD nhiều tỉnh, thành đã có website riêng như: Điện Biên, Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Giang... Thứ ba là, triển khai và nhân rộng mô hình họp online. Trong năm qua, hầu hết các cuộc họp, hội nghị lớn của ngành đều thực hiện kết nối trực tiếp từ Bộ tới phòng họp của 63 Sở GD&ĐT qua web và qua hệ thống đàm thoại. Không những thế, nhiều phòng GD&ĐT đã triển khai tập huấn hè cho giáo viên, họp giao ban... thông qua mạng GD.
Quan điểm GD hiện đại là “lấy học sinh làm trung tâm” nhưng để đổi mới phương pháp dạy học, để ứng dụng CNTT góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GD thì lại phải bắt đầu từ thầy. Vậy đến nay nhận thức và trình độ ứng dụng CNTT của những người làm GD đã chuyển biến như thế nào?
Năm qua, ngành GD đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT như: tổ chức ngày hội CNTT ở nhiều địa phương như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hoá...; nhiều trường, nhiều địa phương đã phát động và hưởng ứng phong trào soạn bài giảng điện tử... Đặc biệt, Bộ GD&ĐT mà cụ thể là Cục CNTT đã rải quân đi nhiều tỉnh, thành để đào tạo, phổ biến công nghệ cho các trường.
Trong năm học ứng dụng CNTT, Cục CNTT đã trực tiếp đi tập huấn cho 35 tỉnh thành; số lượng cán bộ, giáo viên cốt cán đã tham dự các khoá tập huấn của Cục lên tới 5.500 người. Qua đó, nhận thức, trình độ ứng dụng CNTT của nhiều giáo viên đã có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, để đội ngũ giáo viên có thể ứng dụng CNTT góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục là điều khó có thể thực hiện trong “một sớm một chiều”, cần phải có thời gian.
Trở lại chuyện kết nối mạng giáo dục, mặc dù Viettel đã cam kết “phủ” Internet tới tất cả các trường học nhưng trên thị trường cung cấp dịch vụ Internet, VNPT được đánh giá là doanh nghiệp có khả năng cung cấp mạng băng rộng chất lượng cao rộng nhất. Vậy hoạt động của hai doanh nghiệp này đối với ngành GD ra sao?
Cần khẳng định một lần nữa là hoàn toàn không có chuyện ngành GD chọn Viettel mà là Viettel chủ động tìm đến với ngành GD. Họ có tấm lòng, mong muốn được đóng góp thúc đẩy sự phát triển CNTT ngành GD. Đó là hai khái niệm khác nhau. Cũng cần nhấn mạnh là chúng tôi hoàn toàn không có ý định “đuổi” VNPT để “chơi” với Viettel. Trong quá trình thực hiện kết nối mạng GD, đưa Internet tới trường học, chúng tôi cũng ghi nhận công lao của VNPT. Tại rất nhiều địa phương, VNPT đã có nhiều hoạt động tài trợ, hỗ trợ, giảm giá kết nối Internet cho ngành GD.
Nhưng trên thực tế, hiện các doanh nghiệp đang đổ xô phát triển Internet tới trường học. Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng này sẽ gây lãng phí lớn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Cá nhân tôi không cho là lãng phí. Thực chất, việc 1 trường có nhiều đường kết nối Internet chỉ có lợi. Ở góc độ ngành GD, chúng tôi hoan nghênh việc một trường có 2-3 đường kết nối Internet. Bởi lẽ, thứ nhất là để đường truyền nào nhanh thì các trường dùng; thứ hai là đề phòng trường hợp bất trắc, đứt đường mạng này thì các trường có thể dùng đường mạng khác; thứ ba là để “san tải”, một đường truyền thì không thể đủ phục vụ.
Ở góc độ DN, việc tham gia cung cấp dịch vụ cho ngành GD là sự đầu tư cho tương lai, là nhằm phục vụ cộng đồng. Mặt khác, đây cũng là cách để các DN quảng bá thương hiệu của mình.
Trong số các DN tham gia hỗ trợ cho CNTT ngành giáo dục. Ông đánh giá cao doanh nghiệp nào?
Đương nhiên là Viettel! Họ đã có bước đi khá “chiến lược” khi quyết định tài trợ kết nối mạng Internet giáo dục. Sau sự kiện này, nhiều DN khác đã đồng loạt giảm giá dịch vụ, mang lại lợi ích không chỉ cho ngành GD mà cho cả cộng đồng xã hội, tạo cơ hội cho ngày càng nhiều người dân được hưởng thụ những tiện ích từ mạng Internet.
Việc kết nối Internet tới nhiều cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa đang được thực hiện qua sóng di động với thiết bị USB EGDE của Viettel. Theo phản ánh, một số trường đã được phát thiết bị USB kết nối mạng nhưng lãnh đạo trường “giữ”để dùng riêng khiến cho giáo viên và học sinh chưa được tiếp cận với Internet. Bộ GD&ĐT đã có biện pháp gì để khắc phục?
Đúng là có hiện tượng nêu trên song chỉ là cá biệt. Cục CNTT đã có công văn đôn đốc, nhắc nhở các trường phải bảo quản, giữ thiết bị này tại trường để phục vụ được tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh; tránh việc thiết bị chỉ được dùng cho cá nhân. Mặt khác, chúng tôi cũng đã đề xuất với Viettel là nên thiết kế thiết bị này với kích thước lớn hơn để hạn chế việc thiết bị kết nối bị các cá nhân “đút túi”, đưa ra khỏi phạm vi trường học.
Tôi cũng xin nói thêm, việc kết nối qua sóng di động với thiết bị USB EGDE đương nhiên chất lượng đường truyền sẽ không cao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định đây chỉ là giải pháp tạm thời trong giao đoạn “giao thời”, “quá độ” hiện nay, khi công nghệ 3G chưa được triển khai. Ở thời điểm này, để “thông” đường liên lạc tới những nơi có địa hình khó khăn thì giải pháp sử dụng sóng di động với thiết bị USB EGDE là giải pháp tối ưu nhất. Nói một cách hình tượng, với việc sử dụng công nghệ EGDE thì đường liên lạc của các trường vùng sâu vùng xa chỉ là “ăn no, mặc ấm”; còn khi công nghệ 3G được triển khai, những trường này mới thực sự được “ăn ngon, mặc đẹp”.
Ngành giáo dục đã quyết định chọn chủ đề năm học 2009-2010 là “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Vậy vị trí và vai trò của hoạt động ứng dụng CNTT giáo dục sẽ như thế nào?
Trong năm học 2009-2010 và cả những năm tiếp theo, ngành GD vẫn xác định CNTT đóng vai trò hết sức quan trọng, là công cụ hữu hiệu góp phần vào việc đổi mới quản lý GD cũng như nâng cao chất lượng GD. Tới đây, Cục CNTT sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GD. Nếu như trong năm học 2008-2009, xây dựng hạ tầng CNTT là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu thì bước sang năm học mới, chúng tôi sẽ tập trung triển khai hướng dẫn, phổ biến công nghệ soạn bài giảng điện tử E-learning.
Theo Ictnews