Thứ năm, 01/08/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 29/07/2009
Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính:Thiếu nhân lực, không đồng bộ

Những năm qua, nhiều cơ quan nhà nước ở Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cải cách hành chính (CCHC), bước đầu có chuyển biến. Tuy nhiên, do việc đầu tư hạ tầng thông tin dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa có quy hoạch tổng thể và thiếu đội ngũ chuyên trách trong lĩnh vực CNTT nên hiệu quả chưa đạt cao.

Vướng mắc trong triển khai

 

Đến nay, việc ứng dụng CNTT tại bộ phận "một cửa" của các sở, ban, ngành còn ở mức độ thấp. Việc sử dụng phần mềm (PM) quản lý văn bản, thư điện tử trong nội bộ cũng chỉ có 2/20 đơn vị làm tốt (Sở Thông tin - Truyền thông (TTTT) và Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT)). Hiện chỉ có duy nhất Hải quan TP xử lý tốt hồ sơ hành chính (HSHC) trên mạng. Các đơn vị: Văn phòng UBND TP, Thành ủy; Sở KHĐT thực hiện ở mức khá; còn lại, nhiều đơn vị chưa thực hiện. Dịch vụ liên thông đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, dấu của liên đơn vị Sở KHĐT - Cục Thuế - CATP chưa có ứng dụng CNTT. Tại các quận, huyện, thị xã tất cả 29 đơn vị đã được cài đặt PM quản lý văn bản nhưng chỉ có một số đơn vị sử dụng tốt là Tây Hồ, Long Biên, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Sơn Tây… Điều đáng nói là tại những đơn vị triển khai thực hiện đã bộc lộ những bất cập.

 

Ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ phụ trách CNTT của UBND quận Long Biên cho biết: Các PM viết cho cấp quận không phù hợp với cấp phường nên khi đưa về triển khai tại cấp phường phải chỉnh sửa nhiều, cụ thể quận phải sửa tới 10 lần mới có thể dùng được. Còn tại quận Tây Hồ - đơn vị ứng dụng tốt CNTT vào việc giải quyết TTHC - vẫn gặp khó khăn bởi mới chỉ có 10% người dân tiếp cận được CNTT. Vì thế, cùng với việc đầu tư cho CNTT, quận còn phải tập trung tuyên truyền, làm vài chục nghìn tờ rơi để dân biết và tham gia. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật quy định về giải quyết TTHC còn chưa đồng bộ, thống nhất, thường xuyên có sự điều chỉnh, bổ sung nên việc điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong PM CNTT cũng gặp khó khăn nhất định.

 

Đến nay, có rất ít PM thống nhất dùng chung trong toàn TP, trong khi có nhiều vấn đề cần có mẫu chung như tiếp nhận, xử lý đơn thư KNTC; báo cáo thống kê… Theo ông Bùi Đức Hiếu, Chánh Văn phòng HĐND TP, khi có mẫu chung, cán bộ tổng hợp của TP ngồi một chỗ và thao tác trên máy tính cũng nắm được thông tin và điều quan trọng là việc tổng hợp dữ liệu của tất cả các đơn vị sẽ đơn giản hơn, chính xác hơn, tránh được tốn kém cho TP. Cùng về vấn đề này, ông Đinh Mạnh Tuân, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ cho rằng, TP nên có một trung tâm hoặc một cơ quan chuyên sản xuất PM thống nhất từng loại dữ liệu của từng ngành, từng khối. Như vậy mới hướng tới sự chuyên nghiệp trong sản xuất PM và thể hiện được sự đầu tư đồng bộ trong CNTT.

 

Tỷ lệ máy tính/cán bộ của TP Hà Nội đạt 70%. Có 9/29 quận, huyện, thị xã đã kết nối mạng nội bộ (LAN) tại bộ phận "một cửa"; 11 quận, huyện đã có kết nối mạng truyền văn bản, số liệu giữa UBND quận, huyện với UBND phường, xã; 10 đơn vị đã dự trù kinh phí để triển khai trong năm 2009.

Thiếu nhân lực

 

 

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc ứng dụng CNTT trong CCHC chưa hiệu quả là do nguồn nhân lực quá thiếu; đặc biệt là thiếu cán bộ chuyên trách về CNTT có trình độ CĐ, ĐH tại trung tâm giao dịch hành chính "một cửa". Cán bộ đương chức tuy được đào tạo về CNTT nhưng kỹ năng sử dụng thấp; các kỹ năng khai thác internet yếu, chủ yếu soạn thảo văn bản, chưa có các ứng dụng tác nghiệp. Ở nhiều nơi, CBCC chưa thực sự quen với cách làm việc trên mạng máy vi tính và không ít người chưa tích cực, chủ động học tập, trang bị kiến thức về CNTT nên hiệu quả sử dụng thiết bị vào công việc thấp. Tại UBND quận Hà Đông, trình độ CNTT của đội ngũ CBCC đa số chỉ là chứng chỉ tin học B. Hệ thống máy vi tính trang bị cho các phòng, ban chuyên môn đã lạc hậu, cấu hình thấp nên tốc độ xử lý chậm. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nơi. Theo lãnh đạo các đơn vị, nguyên nhân là do mức thu nhập của vị trí này thấp nên không thu hút được nhân lực có trình độ cao. Không ít đơn vị đang phải thuê cán bộ làm hợp đồng nên thường xuyên có sự thay đổi, ảnh hưởng đến công việc chung. Đơn cử như phường Bồ Đề (quận Long Biên) đang phải thuê một cộng tác viên làm nửa ngày với mức lương 1 triệu/tháng; nửa ngày còn lại, cộng tác viên này đi học nên mới chấp nhận mức lương như vậy. Lãnh đạo phường lo lắng, sau khi có bằng cấp, người lao động sẽ không chấp nhận mức đó, họ sẽ bỏ đi. Ông Đinh Mạnh Tuân, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ khẳng định, để phát triển CNTT trong quản lý hành chính thì Sở Nội vụ phải bố trí con người. Mỗi đơn vị phải có 1 cán bộ có trình độ ĐH về CNTT. Ông Tuân cũng cho rằng, hình thức thi tuyển sẽ không phù hợp vì những người giỏi họ sẽ chọn những công ty lớn, và nếu thi tuyển thì những người này thường không giỏi lý thuyết hành chính. Vì vậy, Sở Nội vụ cần nghiên cứu, có phương án thu hút người tài rồi bố trí về cho các đơn vị.

 

Đầu tư cho CNTT và con người là đầu tư có lãi, vì vậy, dù bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mà thực hiện bài bản, đúng định hướng thì kết quả thu được vẫn tốt và điều quan trọng là việc ứng dụng CNTT phục vụ CCHC của TP sẽ thực sự hiệu quả.

Theo Hà Nội mới

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0