Cập nhật: 24/07/2009 |
Tài nguyên viễn thông tiếp tục bị lãng phí? |
|
|
Một buổi đấu giá sim đẹp hiếm hoi. |
Tại các điểm giao dịch của DN viễn thông, khách hàng khó kiếm nổi một số điện thoại "đèm đẹp" ưng ý. Nhưng từ hệ thống bán lẻ vỉa hè, các trang quảng cáo, chợ Internet... hàng triệu số điện thoại từ "đẹp" cho đến "siêu đẹp" được rao bán tràn lan với giá... cắt cổ.
|
|
450 triệu đồng một số "siêu đẹp"
Năm 2006, một phiên đấu giá số điện thoại đẹp ở Qatar đã kết thúc với kỷ lục về số điện thoại đắt nhất thế giới. Cụ thể, một công dân quốc gia này đã chi 2,75 triệu USD để mua số điện thoại có đuôi là 666 6666. Số tiền này được đóng góp vào quỹ từ thiện. Đây là số điện thoại đắt và vượt xa giá trị đấu giá số điện thoại có đuôi 8888 8888 của Trung Quốc từng lập kỷ lục trước đó với giá 486.000USD.
Vậy còn tại VN thì sao? Theo tìm hiểu của Lao Động, Viettel từng thực hiện cuộc đấu giá làm từ thiện số điện thoại 0988888888 qua Đài THVN. Mặc dù khi đó có một cá nhân trả giá tới hơn 1 tỉ đồng; thế nhưng ngay sau đó cá nhân này lại "xù". Vì thế số điện thoại này đến nay vẫn... treo. Do vậy, số 0988999999 đã được bán đấu giá 135 triệu đồng có lẽ là số điện thoại đắt nhất của VN được đấu giá công khai.
Sau lần đấu giá công khai đó, các DN viễn thông dường như đã đưa hoạt động này vào "bí mật". Trong khi đó, thị trường "tự do" lại cực kỳ sôi động. Rất nhiều số điện thoại "siêu đẹp" đã ra thị trường và rao bán với giá cắt cổ. Qua khảo sát, ngoài số 0988888888 đang được Viettel... treo thì số 0976666666 đang được rao bán cao nhất với giá 450 triệu đồng. số 0988555555 được rao bán giá 350 triệu đồng, 0912333333 được rao giá 300 triệu đồng. Ngoài ra, bất kỳ những số điện thoại nào được cho là đẹp nhất, độc nhất đều đã "lặng lẽ" lọt ra thị trường và đã có người dùng.
Cá biệt không chỉ có số điện thoại di động, số điện thoại cố định đẹp cũng đang được rao bán công khai. Cụ thể các số điện thoại cố định đầu số 08 (mã vùng TPHCM) đang được rao bán từ 15 triệu đồng cho đến 38 triệu đồng tuỳ vào các số có đuôi tứ quý khác nhau.
Tài nguyên "số vàng" bị lãng phí?
Theo quy định hiện hành, kho số điện thoại được coi là tài nguyên viễn thông. Đây là quan niệm và quy định phù hợp bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới, kho số điện thoại vừa là tài sản, vừa là tài nguyên quốc gia. Vì thế, số điện thoại đẹp đều được đấu giá với - tương tự với việc bán tài nguyên để thu lợi cho lợi ích quốc gia đó.
Trên thực tế, dù "quan niệm" giống với các nước; song việc thực hiện tại VN lại khác các nước. Đã có biết bao nhiêu số điện thoại đẹp vẫn lọt ra ngoài, đến được với thị trường "tự do" để rồi nhiều người chấp nhận mua lại nó với giá cao ngất ngưởng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, các mạng di động đều áp dụng phương thức bán cả dãy số lô lớn cho các đại lý và không phân biệt số xấu đẹp (?). Điều đó có nghĩa là đại lý nào mua được số đẹp, đại lý đó sẽ được lợi. Riêng Viettel áp dụng phương thức "bán đứt" hoặc cam kết sử dụng mức tiền tương ứng từng tháng theo quy định về số đẹp. Số tiền này được đưa vào quỹ từ thiện. Tuy vậy, số tiền cao nhất cho số đẹp của DN này cũng chỉ khoảng 35 triệu đồng; trong khi ở thị trường tự do, những số đẹp đều có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Phản ánh đến Báo Lao Động, nhiều khách hàng bức xúc khi nhu cầu mua số điện thoại đẹp là có thực, song họ lại không thể "chen chân" vào mối quan hệ "chặt chẽ" giữa DN và đại lý. Thậm chí nhiều người cho biết sẵn sàng mua số đẹp với giá cao vì vừa là nhu cầu, vừa để đóng góp cho quỹ từ thiện; thế nhưng họ không thể làm được điều này, hoặc nếu mua thì số tiền lớn đó lại chảy vào túi tư nhân.
Rõ ràng Nhà nước đã thất thu khi mà số lượng lớn tài nguyên "số vàng" đã bị bán rẻ hoặc lãng phí. Trong khi đó, tư nhân lại lợi dụng lỗ hổng, thao túng thị trường sim số đẹp và trục lợi.
Theo Lao động |