Cập nhật: 24/07/2009 |
Đấu thầu điện tử: Ứng dụng công nghệ để giảm... tham nhũng |
|
|
Giao diện trang web http://muasamcong.mpi.gov.vn. |
Các thống kê cho thấy hoạt động mua sắm công thường chiếm 20% chi tiêu của chính phủ. Ở các quốc gia đang phát triển con số này là 50%. Nhiều nước coi việc mua sắm công qua đầu thầu điện tử là một biện pháp chống tham nhũng.
|
|
Việt Nam đang thử nghiệm hệ thống này không ngoài mục tiêu tăng cường hiệu quả cho mua sắm công.
Thử nghiệm đấu thầu điện tử
Đấu thầu điện tử được hiểu là việc sử dụng công nghệ thông tin phục vụ cho quá trình mua sắm hàng hóa, dịch vụ và xây lắp một cách tự động. Chính phủ là người mua lớn nhất của nền kinh tế quốc dân. Do vậy, lợi ích của mua sắm chính phủ điện tử (e-GP) giúp tăng sự minh bạch và phù hợp, nâng cao chất lượng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã triển khai dự án xây dựng hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm (EPPS) (ảnh) với mong muốn chuyên nghiệp hoá công tác đấu thầu, đảm bảo lợi ích công bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu.
Trong giai đoạn thử nghiệm EPPS sẽ triển khai 3 hình thức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu áp dụng cho các gói thầu tư vấn, sơ tuyển, mua sắm hàng hóa, xây lắp và EPC. Theo kế hoạch Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm được triển khai trong 3 năm (2009 - 2010) tại 3 đơn vị là UBND TP.Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Ngoài ra, các đơn vị khác quan tâm cũng có thể tham gia vào hệ thống thử nghiệm này. Dự kiến EPPS sẽ chính thức ra mắt vào cuối tháng 7.2009.
Giảm tham nhũng và chi phí
EPPS tạo ra luồng thông tin thông suốt và minh bạch không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Những thông tin này bao gồm các quy định về pháp luật, chính sách và hướng dẫn liên quan đến hoạt động mua sắm công và các thông tin đấu thầu (như thông báo mời thầu, kết quả đấu thầu, kiến nghị trong đấu thầu...).
Nhờ giảm được sự sai lệch về thông tin đấu thầu, e-GP góp phần thúc đẩy cạnh tranh trên phương diện số lượng (sự tham gia) và chất lượng (công khai và công bằng). Người được hưởng lợi ở đây không chỉ là chính phủ, nhà thầu mà còn là toàn bộ công chúng - những người nộp thuế, nhờ tiếp cận thông tin về hoạt động chi tiêu công một cách rõ ràng.
Tự động hóa các quy trình đấu thầu nhờ EPPS còn giúp giảm thiểu chi phí giao dịch cho cả bên mời thầu và nhà thầu. Khoản tiết kiệm nhờ giảm chi phí đi lại, in ấn, giao dịch... với những nước đã ứng dụng hệ thống này là rất đáng kể. Theo số liệu của Hàn Quốc, hàng năm, đấu thầu điện tử giúp nước này giảm 4,5 tỉ USD chi phí giao dịch.
Ngoài những kết quả có thể định lượng được như trên, EPPS còn được kỳ vọng là mang lại lợi ích quan trọng nhưng khó định lượng được thông qua nâng cao khả năng quản lý và phân tích thông tin.
Hiện đa số các tổ chức chính phủ không nhận thức được đầy đủ giá trị của thông tin đấu thầu thường nằm rải rác và lưu trữ ở nhiều nơi. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình công khai hóa thông tin và quy trình đấu thầu giúp thu thập những dữ liệu trên một cách dễ dàng hơn, tạo cơ sở cho việc đo lường và giám sát, và đưa ra các quyết định sau này.
Các đơn vị quan tâm có thể truy cập vào địa chỉ: http://muasamcong.mpi.gov.vn hoặc http://publicprocurement.mpi.gov.vn. Sau khi triển khai thử nghiệm thành công EPPS sẽ được triển khai trên toàn quốc và tiếp tục phát triển giai đoạn 2 (2010-2015) là mở rộng hệ thống với các chức năng e-shopping (mua sắm điện tử), e-contracting (quản lý hợp đồng điện tử), e-payment (thanh toán điện tử) và áp dụng từng bước với các đơn vị có chức năng mua sắm (chủ đầu tư, bên mời thầu) trong cả nước.
|
Theo Lao động Online
|